Từ ngày 21/9, cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thông xe và đưa vào khai thác. Trong khi niềm vui thời gian chạy xe được rút ngắn vẫn cần sự trải nghiệm thì người dân không khỏi băn khoăn về mức phí cao nhất toàn quốc. Đơn cử, khung phí đường bộ hiện hành cao nhất áp dụng cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit chỉ là 200 ngàn đồng/lượt; thì khi chạy trên tuyến cao tốc này, phương tiện trên sẽ phải chịu phí lên tới 1,22 triệu đồng/lượt.
“Qua mặt” quy định mức thu phí sử dụng đường bộ
Theo Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh thì mức thu phí được thực hiện theo biểu khung sau:
- Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng có khung mức phí: 15 - 52 ngàn đồng/vé/lượt.
- Xe từ 12 - 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 - dưới 4 tấn: 20 - 70 ngàn;
- Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 - dưới 10 tấn: 25 - 87 ngàn;
- Xe tải có tải trọng từ 10 tấn - dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit: 40 - 140 ngàn.
- Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng Container 40 fit: 80 - 200 ngàn.
Tuy nhiên, chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã đưa ra mức thu phí đường bộ không dựa trên khung quy định này. Pháp lệnh phí và lệ phí quy định: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này”.
Thẩm quyền ban hành danh mục phí thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Chính phủ có thẩm quyền: Quy định chi tiết Danh mục phí và lệ phí do UBTVQH ban hành; Quy định chi tiết nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí. Căn cứ vào quy định chi tiết của Chính phủ, Bộ Tài chính quy định mức thu cụ thể đối với từng loại phí; hướng dẫn xác định mức thu phí cho các cơ quan được phân cấp quy định mức thu. Phí sử dụng đường bộ thuộc danh mục phí do UBTVQH ban hành. Tại danh mục chi tiết phí được ban hành tại Nghị định 24/2006/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định: Đối với phí sử dụng đường bộ thì “Bộ Tài chính quy định đối với đường thuộc Trung ương quản lý; HĐND cấp tỉnh quyết định đối với đường thuộc địa phương quản lý”.
“Một mình một chợ”
Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai là đường bộ. Áp theo quy định trên thì phí sử dụng tuyến cao tốc này sẽ phải do Bộ Tài chính quy định cụ thể. Nhưng thực tế việc đưa ra mức thu phí đối với tuyến đường cao tốc này lại do chủ đầu tư là Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (viết tắt là VEC) quyết định.
Vì sao Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 159/2013/TT-BTC quy định cụ thể mức thu phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, nhưng chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Lào Cai lại không căn cứ khung này?
Cơ sở pháp lý trước tiên là Quyết định 1202/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án đầu tư, khai thác đường bộ cao tốc (gọi chung là các dự án đường cao tốc) do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (viết tắt là VEC) làm chủ đầu tư có nội dung: “VEC quyết định mức thu phí đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, đảm bảo yêu cầu hoàn vốn của dự án (trừ các dự án cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu áp dụng mức thu phí do Nhà nước quy định)”. Tuy nhiên, Bộ Tài chính nên giải thích để người dân hiểu dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có thuộc trường hợp dự án các dự án cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu áp dụng mức thu phí do Nhà nước quy định không?
Thêm nữa, về văn bản điều chỉnh chi tiết, Thông tư 159/2013/TT-BTC quy định chưa minh bạch đối tượng áp dụng. Điều 1 Thông tư này quy định: “Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Đối với các dự án đầu tư khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính (đối với đường quốc lộ) hoặc HĐND cấp tỉnh (đối với đường địa phương)”. Câu hỏi đặt ra, dự án đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có thuộc “dự án đầu tư khác” để được thực hiện theo hướng dẫn riêng? Và “hướng dẫn riêng”, nếu có, dành cho tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai cụ thể thế nào? Cần giải thích cụ thể để người dân khỏi băn khoăn.
Chủ đầu tư có phải tuân thủ điều kiện thực hiện thu phí?
Nếu như VEC được quyền quyết định mức thu phí cao tốc Hà Nội - Lào Cai thì ngoài “đặc quyền” này ra, VEC có phải tuân thủ điều kiện thực hiện thu phí, như phải có quyết định thành lập trạm thu phí của Bộ trưởng Bộ GTVT; hệ thống đèn chiếu sáng đã hoàn thiện...?
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 159/2013/TT-BTC: “Loại đường bộ được tổ chức thực hiện thu phí phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp công trình đường bộ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trạm thu phí phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định, cụ thể:
a) Đối với đường quốc lộ, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và có quyết định thành lập trạm thu phí của Bộ trưởng Bộ GTVT;
b) Đối với đường địa phương, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do HĐND cấp tỉnh quyết định. Văn bản ban hành quy hoạch mạng lưới trạm thu phí đường địa phương và quyết định thành lập trạm thu phí của UBND cấp tỉnh phải đồng thời gửi cho Bộ Tài chính và Bộ GTVT chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày ban hành.Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GTVT thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ), UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định (đối với đường địa phương).
3. Hoàn thành các công trình phụ trợ phục vụ việc thu phí, như: xây dựng trạm thu phí (địa điểm bán vé, kiểm soát vé), hệ thống chiếu sáng, đầy đủ các loại vé thu phí, bộ máy tổ chức thu và kiểm soát vé.
4. Đã được Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu phí đường đối với quốc lộ hoặc HĐND cấp tỉnh đã ra nghị quyết quy định mức thu đối với đường địa phương phù hợp với loại đường dự kiến thu phí”. Tóm lại, thu phí đường cao tốc trong trường hợp này cần thiết phải đảm bảo tính minh bạch theo pháp luật, cũng như giải thích chính thức từ cơ quan chức năng để người dân hiểu, đồng tình thực thi.
Tuyến cao tốc vừa được thông xe có tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD, dài 245km đi qua năm tỉnh thành là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Với chiều dài kỷ lục, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 120 cây cầu lớn nhỏ, một hầm chui, đào đắp hơn 100 triệu m3 đất đá và hoàn thành sau 5 năm triển khai. Tuyến đường được khai thác sẽ rút ngắn thời gian đi lại suốt tuyến từ 7 giờ trước đây xuống còn 3,5 giờ. Dự án này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái có 4 làn, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100km/h và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai có 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 80km/h. |