81 ngày đỏ lửa
Mấy chục năm nay, người dân Thành cổ mỗi lần đào móng nhà đều chuẩn bị hương hoa, tiểu sành để sẵn sàng quy tập các anh. Không ở đâu mà tấm lòng tri ân các liệt sĩ lại thường trực như người dân Thành cổ.
Có lẽ không một ai trải qua 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ (28.6.1972 – 16.9.1972) có thể quên những ngày tháng đó. Cựu chiến binh Cao Xuân Ý- một người con Quảng Trị, đã bám trụ 81 ngày đêm đỏ lửa nhớ lại: “Mùa hè 1972, Mỹ - ngụy điên cuồng mở cuộc tấn công tái chiếm thị xã Quảng Trị nhằm gạt bỏ tâm lý thất bại và tạo sức ép với quân ta tại bàn Hội nghị Paris. Tôi ở đơn vị C2 – K8, Tỉnh đội Quảng Trị, cùng anh em chốt tại Trường Bồ Đề ngăn không cho quân địch tiến công. Mỗi ngày, phía ta bổ sung thêm cho Thành cổ một đại đội, sáng hôm sau chỉ còn chưa đầy 20 người. Ác liệt và hy sinh là thế, nhưng không ai lùi bước”.
Trong suốt 81 ngày đêm, Thành cổ Quảng Trị với diện tích 3km2 đã gánh chịu 328 nghìn tấn bom, có ngày quân địch bắn khoảng 2 vạn quả đại bác cỡ lớn. “Lượng bom đạn giội xuống thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống thành phố Hirosima của Nhật Bản năm 1945. Thế cho nên, sau chiến tranh, Thành cổ không còn nổi một viên gạch lành lặn” - ông Ý nói.
Ngày nay, đi dọc các con phố như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hai Bà Trưng... ở Thành cổ, sẽ dễ dàng bắt gặp các am thờ liệt sĩ được đặt ngay ngắn trên vỉa hè mà bát hương khi nào cũng cháy. Đơn giản chỉ vì người Thành cổ không muốn các anh lạnh lẽo giữa thời bình. Bà Bùi Thị Chanh (80 tuổi, tại 25 Ngô Quyền) suốt 10 năm qua vẫn thắp nhang đều đặn lên một gốc cây trong vườn mình. 10 năm trước, trong khi làm đường, người ta đã phát hiện hài cốt của một liệt sĩ.
Những mùa xuân vĩnh hằng
Không chỉ vào những ngày rằm, ngày Tết mà cả những ngày lễ, như 30.4, 27.7, 2.9, người Thành cổ đều tự tay nấu những món ăn cúng ngoài trời để mời các anh về vui chung. Bà Lê Thị Tụy (70 tuổi, tại 188 Hai Bà Trưng) cho biết: “Trong mâm cơm ngày lễ, Tết, tôi thường cúng các anh cá, thịt, với cơm, thêm ít vàng mã và áo quần bộ đội để các anh khỏi thiếu thốn. Có khi thắp hương ngoài trời, có khi tôi lại làm mâm lễ xin vào Thành cổ để chiến sĩ mình nằm đó không bao giờ cô quạnh...”.
Người Thành cổ Quảng Trị mấy chục mùa xuân qua đều làm vậy, họ làm một cách tự nguyện xuất phát từ tận đáy lòng mình tưởng nhớ những người đã mãi mãi không thể về đoàn tụ với gia đình vào những dịp mùa xuân. Và cũng không ai bảo ai, nhà nhà đều có một am thờ vọng đặt nơi mái hiên, nơi gốc cây trong vườn, đặt gần am thờ tổ tiên của họ. Đó là một cách làm trang trọng, tha thiết tri ân những người đem đến mùa xuân vĩnh hằng cho Tổ quốc.
Ông Lê Ngọc Vũ-Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch thị xã Quảng Trị cho biết: “Có thể nói chúng tôi đang sống trên mảnh đất thiêng, nơi thấm đẫm máu của các liệt sĩ. Ngoài tự dặn mình phải sống cho thật tốt, ai cũng lập am thờ để thể hiện sự biết ơn với các anh”.
Đất Thành cổ được nhiều người ví như là nghĩa trang không bia mộ, là nghĩa trang quốc gia thứ ba tại Quảng Trị. 40 mùa xuân qua, người Thành cổ đã thờ phụng các anh, tri ân bằng cả tấm lòng...