Dồn dập triệu chứng
Đưa cậu con trai hơn một tuổi vượt hơn 20km đến Bệnh viện Nhi T.Ư tái khám, chị Mai (ở Thanh Trì, Hà Nội) vẫn không khỏi lo lắng vì tuy đã ngưng sốt, nhưng bé vẫn tiêu chảy, biếng ăn, mệt mỏi. “Bốn ngày trước cháu bỗng sốt cao, cứ ậm ọe trong họng, tôi nghĩ cháu viêm họng. Nhưng một ngày sau, các triệu chứng đồng loạt xuất hiện: Vừa sốt vừa tiêu chảy, biếng ăn, mặt và tay chân nổi nốt có nước, mệt lờ đờ, tôi vội đưa cháu tới bệnh viện khám. Bác sỹ kết luận cháu bị bệnh tay chân miệng, cho thuốc uống và về nhà điều trị, hẹn ba ngày khám lại”, chị Mai cho hay.
"Một biện pháp đơn giản, hiệu quả phòng chống bệnh tay chân miệng là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (cả người lớn và trẻ nhỏ); cho trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng đãng, ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Khi trẻ mắc bệnh, cần cho uống nhiều nước, điều trị triệu chứng để giảm sốt và giảm đau từ vết loét, phòng biến chứng”. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Ngồi chờ đến lượt khám, chị Linh, mẹ bé Hiếu hai tuổi ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho hay, hai ngày trước cháu bỗng sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy, kêu đau họng, lười ăn... Thấy các triệu chứng dồn dập này cùng với các nốt đỏ nổi trên mặt, chân, tay, miệng. Lo bị tay chân miệng, chị đưa con đi khám cho yên tâm, vì chị sợ tự chăm sóc ở nhà, nhỡ có biến chứng.
Trước cửa phòng khám số 22-23 của Bệnh viện Nhi T.Ư, chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ, chúng tôi đã đếm được hơn 10 bé bị bệnh tay chân miệng. Hầu hết các bé sau khi khám đều được bác sỹ kê thuốc, cho điều trị tại nhà. Bác sỹ Tạ Anh Tuấn, Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay, chỉ những trường hợp tay chân miệng nặng như trẻ mất nước (do bỏ ăn và tiêu chảy), biến chứng… mới cần nhập viện.
Sáng 11/11, tại khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Saint Paul cũng khá đông bệnh nhi tay chân miệng. Chị Minh Hòa đang chăm sóc cậu con trai vừa tròn 20 tháng tuổi nằm điều trị tại đây cho biết, cả phòng này đều là trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Theo chị Hòa, hai ngày đầu con trai chị sốt cao liên tục, quấy khóc, thỉnh thoảng co giật nhẹ, chưa nổi nốt, chị cho con đi viện khám. Sau khi khám và làm xét nghiệm máu, mới phát hiện bé mắc bệnh tay chân miệng và buộc phải nhập viện điều trị.
Nguy hiểm không kém sởi
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Saint Paul, bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi và hầu hết bệnh nhân tự hồi phục trong vòng 7-10 ngày. Đây là bệnh do virus gây ra. Khi trẻ mắc bệnh này thường có biểu hiện ban đầu là sốt, lười ăn, đau họng và mệt mỏi. 1-2 ngày sau xuất hiện những vết lở loét trong miệng, những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, đầu gối, khuỷu tay và mông bé. Phát ban này có thể có mủ nhưng thường không ngứa. “Là thể bệnh lành tính, nhưng bệnh tay chân miệng cũng có thể diễn biến nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu trẻ không được khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Thường cho hay.
Ngoài ra, triệu chứng bệnh tay chân miệng khá giống một số căn bệnh như thủy đậu, sốt phát ban. Một số trẻ bị tay chân miệng không có nhiều biểu hiện điển hình, chỉ phát ban hoặc đau họng, hoặc chỉ sốt và phát ban… Vì thế, bác sỹ Thường khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện bệnh cần được đưa đến bệnh viện khám và nhận lời tư vấn từ các bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp, tránh việc tự điều trị sai và hậu quả khó lường.
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, mức độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng không kém dịch sởi, trong khi hiện chưa có vaccine phòng và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. “Thời tiết ẩm ướt, chênh lệch nhiệt độ ban ngày, ban đêm cao, môi trường sống tại thành phố quá chật hẹp, điều kiện vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân chưa tốt và khoa học cũng là nguyên nhân khiến bệnh tay chân miệng gia tăng”, bác sỹ Dũng nói.