Mưa kim cương xuất hiện trên Sao Thổ và Sao Mộc sau khi được hình thành từ các hạt carbon và tan chảy ở những khu vực sâu dưới tầng khí quyển, NBC News đưa tin.
Tiến sỹ Kevin Baines đến từ trường Đại học Wisconsin-Madison, người tiến hành nghiên cứu cùng với tiến sỹ Mona Delitsky thuộc Cơ quan Kỹ thuật đặc biệt California, cho biết, các cơn bão sấm sét trong bầu khí quyển của Sao Mộc và Sao Thổ sẽ tạo ra các hạt carbon. Hạt carbon khi rơi xuống sẽ bị vỡ thành nhiều mảnh do chịu sự ảnh hưởng của áp suất lớn tồn tại trên hai hành tinh và tạo thành những khối kim cương đặc.
Kim cương có thể trôi nổi theo dòng hydro và hely lỏng sâu dưới tầng khí quyển của Sao Mộc và Sao Thổ. Ở những nơi có độ sâu thấp hơn, kim cương sẽ tan chảy thành dạng lỏng khi chịu sự tác động của áp suất và nhiệt độ, tạo thành những cơn mưa kim cương.
Các nhà khoa học từ lâu đã biết đến sự tồn tại của kim cương trong các lõi tương đối lạnh của Sao Hải Vương và Sao Thiên Vương. Tuy nhiên cho đến bây giờ, Sao Mộc và Sao Thổ vẫn được cho là có nhiệt độ quá cao để có thể cho phép diễn ra sự hình thành kim cương rắn.
Trên Trái Đất, các viên kim cương được hình thành một cách tự nhiên khi carbon nằm ở độ sâu khoảng 160 km so với bề mặt được nung nóng, ở nhiệt độ khoảng 1.093 độ C và chịu sức ép của áp suất hơn 4 tỷ pascals.
Trước đó, các nhà khoa học cho rằng hành tinh 55 Cancri 3, nằm cách hệ Mặt Trời 40 năm ánh sáng với lượng carbon nhiều hơn Trái Đất, cũng là môi trường lý tưởng để hình thành kim cương.