MU xây Galactico, Arsenal quay về triết lý cũ

2 thương vụ đình đám trong những giờ phút cuối cùng của thị trường chuyển nhượng cho thấy Arsenal và MU đã đổi chỗ cho nhau về triết lý xây dựng CLB.

“Dải ngân hà” - triết lý mới của MU

Galactico là triết lý của Real Madrid khi tung tiền mua các ngôi sao đình đám nhất thế giới mỗi khi mùa chuyển nhượng đến. Di Maria và Falcao (suýt chút nữa là Vidal) nối tiếp nhau đến sân Old Trafford là minh chứng rõ nhất cho thấy MU đang đi theo con đường tốn kém ấy.

Bên cạnh đó, theo chiều ngược lại, những hạt nhân mà Sir Alex gieo trồng đã bắt đầu bị nhổ đi. Kagawa tới Dortmund, Welbeck sang Arsenal, Chicharito đến Real trong ngày cuối cùng, Cleverley sang Aston Villa theo hợp đồng cho mượn, trước đó là sự ra đi của Nani, Zaha… trong khi tiền vệ Anderson dù ở lại cũng không còn nằm trong kế hoạch của HLV Van Gaal.

Dưới thời HLV Ferguson, MU rất hiếm khi vung tiền để đem về những bản hợp đồng "bom tấn", và chẳng bao giờ mua liền 2 ngôi sao ở cùng một kỳ chuyển nhượng. Sir Alex vun vén cho các cầu thủ trẻ nhưng thật tiếc ông không bao giờ có một lớp kế cận xứng đáng với “lứa 1992” huyền thoại.

Welbeck ra đi vì không còn hợp với triết lý của MU

Có thể nói Welbeck là sản phẩm thành công nhất mà MU đào tạo ra sau Giggs, Scholes hay Beckham. 3 năm trước, anh là một trong những trụ cột giúp MU "hạ nhục" Arsenal 8-2.

Cách đây 2 năm, anh được Sir Alex ca ngợi là tương lai của CLB khi ký hợp đồng mới. Ở mùa giải cuối cùng tại Old Trafford, chiến lược gia người Scotland sử dụng Welbeck chứ không phải Rooney trong trận đấu quan trọng nhất của mùa giải với Real tại Champions League.

Nhưng sau bi kịch của người đồng nghiệp David Moyes, Van Gaal hiểu ông cần đập bỏ trước khi xây dựng lại MU. Phá két để mua những cầu thủ đắt giá bao giờ cũng cách nhanh và hiệu quả nhất. Liệu tiền bạc có mang lại thành công hay không? Hãy nhìn PSG, Real, Chelsea hay Man City vào thời điểm hiện tại.

Giáo sư quay lại với đào tạo trẻ

Không hiểu Sir Alex sẽ nghĩ gì về sự ra đi của Welbeck trong khi Rio Ferdinand không chút nghi ngờ: “Đó là chữ ký hàng đầu của Arsenal”. Ngược lại với MU, thật trớ trêu khi giờ đây HLV Wenger lại quay trở lại với giấc mơ xây dựng một đội bóng mà nòng cốt toàn các cầu thủ từ lò đào tạo của CLB.

Sau khi Fabregas, Clichy, Nasri và Van Persie rời Arsenal để tìm kiếm vinh quang, HLV Wenger có vẻ không còn tin vào lòng trung thành của các cầu thủ ngoại quốc. Giờ đây, ông gửi gắm niềm tin vào các cầu thủ bản địa (Vương quốc Anh) như Ramsey, Wilshere, Gibbs, Walcott và Chamberlain. Không phải ngẫu nhiên mà HLV Wenger bỏ ra tới 16 triệu bảng cho tuyển thủ U19 Anh, Chambers.

Sau 15 năm gắn bó với MU, Welbeck ra đi vì không còn phù hợp với triết lý mới của Quỷ đỏ. Nhưng thật may mắn khi anh đang là trung tâm trong cuộc cách mạng tại bến đỗ mới.

Rio Ferdinand nhận xét về người đồng đội cũ: “Nếu được tin tưởng trở thành tiền đạo số 1 của Arsenal, Welbeck sẽ bùng nổ. Anh ấy sẽ có điều mà mình không có tại Manchester United, đó là lòng tin và cơ hội để phát huy tiềm năng”.

Bài học từ HLV Alex Ferguson

Năm 1967, Sir Alex khi ấy 26 tuổi và đang khoác áo CLB Rangers tại Scotland. Ông đã chứng kiến đối thủ truyền kiếp của CLB này là Celtic vô địch European Cup (tiền thân của Champions League) với đội hình toàn các cầu thủ bản địa. Đó chính là nguồn cảm hứng và triết lý để sau này ông xây dựng MU từ đầu những năm 1990.

Chưa đầy 10 năm sau lứa 1992, MU đã vào tới trận chung kết 1999 và vượt qua Bayern ở trận đấu kinh điển của thời đại nhờ những sản phẩm của CLB như Giggs, Beckham, anh em nhà Neville, Solskjaer, Peter Schmeichel, Irwin, Butt, Roy Kean hay Scholes. Đây là bài học sử dụng nhân sự tự đào tạo của MU từng thu được thành công.