Một cái xúc xích... bảy bộ quản lý!

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có ý kiến yêu cầu ngành thuế phải giảm số giờ khi nộp thuế của doanh nghiệp từ 872 giờ xuống còn không quá 300 giờ ngay trong năm 2014.

Có lẽ đối với doanh nghiệp, đây là tin tốt lành nhất. Và cũng phải ghi nhận rằng, người đứng đầu Chính phủ đã thực hiện rất nhanh, rất dứt khoát lời hứa của mình khi hơn 2 tuần trước, ông chân thành nói lời xin lỗi: “Người ta nộp thuế mà khó khăn quá. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân. Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành thì quyết tâm thế, nhưng xuống đến nhân viên thì vẫn coi như chẳng có chuyện gì xảy ra”.

Hôm qua, trong một lần hiếm hoi dám nói thật, một DN chế biến thực phẩm đã kêu trời trước thực tế “hành là chính”, trước “văn hóa chia” mà ngành thuế hóa ra chỉ là một cái gạch đầu dòng.

Có thể tưởng tượng được không “một cái xúc xích nhưng có đến 7 bộ quản lý”. Bộ Y tế - tất nhiên, vì đó là thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là vì thực phẩm đó làm từ sản phẩm của ngành chăn nuôi. Rồi Bộ Công Thương - quản lý vấn đề mua bán ngoài thị trường. Rồi thì Bộ Tài nguyên và Môi trường. Rồi thì Bộ Tài chính. Trong bộ này thì lại có hai ngành thuế và hải quan. Rồi thì Bộ Khoa học - Công nghệ và cả Bộ Công an.

Chẳng hạn vào một tháng xấu trời nào đó, các đoàn kiểm tra nhiệt tình công việc cùng kéo tới… Không nói cũng biết, ước mơ bấy giờ của doanh nghiệp chỉ có thể là được khai tử thật nhanh.

Ngày hôm qua, tổng giám đốc của một công ty sản xuất xúc xích khác đã công khai nhận lỗi trước hình ảnh thanh xúc xích của DN có chứa một vật đen, nhầy nhầy, giống như con đỉa.

Hóa ra, dù đến 7 bộ quản lý thì một thanh xúcxích vẫn có thể có “một vật đen, nhầy nhầy, giống như con đỉa” ở phía trong. Hóa ra, quản lý thì quản lý, giờ muốn ăn cái gì vào miệng thì người dân phải ngửa cổ nhìn giời trông vào may rủi.

Hóa ra, dù đến 7 bộ quản lý - nói như lời doanh nhân khốn khổ nọ - thì hoạt động của họ vẫn là “soi móc”, “hành là chính”. 7 bộ quản lý, nhưng muốn được “chết” cũng không dễ, cũng không nhanh khi giờ đây muốn khai tử cũng thường thường là phải "campuchia” (tức là phải có phong bì và phong bì ấy chứa tiền hối lộ).

Người đứng đầu Chính phủ đã nhìn thấy, đã nghe thấy phức tạp, khó khăn, những nỗi khổ của DN trước tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch, tiêu cực của một bộ phận - chắc là không nhỏ - cán bộ, công chức sa đọa, biến chất, lạm quyền. Chẳng cần phải đao to búa lớn rằng cần một “bàn tay sắt”, DN - cũng như người dân - chỉ mong Thủ tướng vào giờ này sang năm sẽ chất vấn rằng: Đã có bao nhiêu cán bộ thuế nhũng nhiễu, tiêu cực bị đưa ra khỏi ngành?