'Mổ xẻ' lá chắn tên lửa trên biển của Mỹ

Hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai trên lãnh thổ các nước thành viên NATO vấp phải sự phản đối vô cùng mạnh mẽ của Nga, buộc Washington phải tìm biện pháp khác.

Một mặt, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra sức sức thuyết phục Moscow rằng, lá chắn họ lắp sát biên giới không nhằm vào Nga. Mặt khác, những phương án thay thế cũng đang được Washington và đồng minh triển khai.

Các tàu khu trục bắn tên lửa trong một lần thử nghiệm. Phản ứng mạnh mẽ và có phần gay gắt của Moscow đối với hệ thống phòng thủ tên lửa mà NATO xây dựng sát Nga không nằm ngoài dự đoán bởi, nước Nga không thể chấp nhận tồn tại những “con dao” đặt ngay sát sườn. Đã hơn 1 lần, Moscow tuyên bố phá hủy hệ thống phòng thủ tên lửa và gần đây nhất là lời cảnh báo rằng, hệ thống phòng thủ của Mỹ tại châu Âu có thể thổi bùng lên một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ 2.

Dường như đoán trước được phản ứng gay gắt của Nga, Mỹ đã chuẩn bị phương án để theo đuổi cái họ gọi là áo giáp từ xa, giúp Mỹ tránh khỏi "những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Iran và Triều Tiên". Theo đó, hàng loạt tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường được Hải quân Mỹ đóng mới và đưa vào biên chế.

Tàu khu trục USS Ross. Gần đây nhất là động thái triển khai 4 tàu thuộc loại này tới Rota, Tây Ban Nha là USS Ross, USS Porter, USS Carney và USS Cook. Chúng có hệ thống tên lửa phòng thủ tiên tiến, liên kết trực tiếp với nhau qua Aegis – “trái tim” của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ dày công xây dựng.

Ba tàu chiến USS Ross, USS Porter và USS Carney là các tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke, được trang bị tên lửa đánh chặn Standard Missile (SM). Tính tới thời điểm hiện tại, các tên lửa trang bị cho USS Ross, USS Porter và USS Carney đều được nâng cấp lên SM-2 và SM-3 với tầm bắn hơn 170km và độ cao lên tới 24km.

Tàu khu trục USS Carney. Ngoài ra, các tàu kể trên đều được trang bị hệ thống Aegis nên có khả năng hỗ trợ và trao đổi thông tin qua vệ tinh, đánh chặn dựa vào hàng loạt thông số được thu thập từ các hệ thống radar . Không chỉ có khả năng đánh chặn từ xa, những thông tin được thu thập cho phép các tên lửa SM bắn hạ mục tiêu chính xác nhất.

Các chiến hạm thuộc lớp Arleigh Burke có độ choán nước tiêu chuẩn đạt 6.800 tấn, trong khi độ choán nước tối đa lên tới 8.900 tấn. Các tàu thuộc lớp này có độ dài 154m, nơi rộng nhất đạt 20m. Tàu được trang bị 4 động cơ đẩy cho phép nó di chuyển với vận tốc 30 hải lý/h. Phạm vi hoạt động đạt 8.100km với vận tốc 20 hải lý/h.

Tàu khu trục USS Carney. Các tàu thuộc lớp Arleigh Burke được trang bị hàng loạt radar và hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến nhất của quân đội Mỹ. Ngoài ra, nó còn có các hệ thống Chiến tranh điện tử tiên tiến nhằm vô hiệu hóa đối phương hoặc giả làm mồi nhử.

Về vũ khí, ngoài loại tên lửa SM chuyên dụng, các tàu thuộc lớp Arleigh Burke còn được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, các loại tên lửa khác và pháo chống hạm cùng nhiều hệ thống máy phóng ngư lôi. Ngoài ra, các tàu loại này còn được trang bị 1 trực thăng SH-60 Sea Hawk làm nhiệm vụ chống ngầm.

Tàu khu trục USS Cook. Ngoài 3 tàu tên lửa lớp Arleigh Burke, Hải quân Mỹ còn triển khai tàu USS Cook thuộc lớp Knox tới làm nhiệm vụ ở Tây Ban Nha. Là tàu chiến "dày dạn" chiến trường nhất trong 4 tàu vừa được Hải quân Mỹ triển khai, USS Cook từng góp mặt ở nhiều vùng biển trên khắp các đại dương.

Thuộc lớp tàu hộ tống nhưng tất cả các chiến hạm thuộc lớp Knox được gọi với cái tên tàu khu trục từ 30/6/1970. Hiện chúng được trang bị những tên lửa và hệ thống thông tin liên lạc hiện đại nhất mà quân đội Mỹ đang sử dụng.

Những tàu khu trục thuộc lớp Knox có chiều dài 134m, nơi rộng nhất đạt 14,25m với độ choán nước tối đa đạt 4.260 tấn. Các tàu thuộc lớp này có thể di chuyển với tốc độ khoảng 27 hải lý/h. Ngoài hệ thống tên lửa, pháo, súng phóng ngư lôi và radar các loại, các tàu thuộc lớp Knox được trang bị trực thăng SH-2 Seasprite làm nhiệm vụ chống ngầm.