6h sáng 11/3, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, trong buổi sáng, lực lượng không quân sẽ mở rộng phạm vi tìm kiếm.
Trước đó, vào chiều qua, thêm 2 chiếc Casa 212 nữa được tăng cường, nâng tổng số máy bay của không quân lên 12 ( chưa tính số dự bị). Casa là máy bay tuần tra hiện đại nhất Việt Nam, có thể làm nhiệm vụ liên tục 5 tiếng, được trang bị hệ thống tuần thám biển, chuyên tuần tra biên giới, quan sát, phát hiện dầu loang, dầu tràn trên biển, phòng cháy rừng... Casa 212 có thể hạ độ cao xuống 100 m so với mặt biển và được trang bị camera “mắt thần” quan sát ở cự ly 3000 m.
Theo ông Tuấn, việc xác định vị trí máy bay mất tích, VN và các nước cũng dựa vào vệt máy bay để tìm kiếm, phạm vi chắc chắn sẽ rộng hơn nhiều.
Casa 212 có thể hạ độ cao xuống 100 m so với mặt biển và được trang bị camera “mắt thần” quan sát ở cự ly 3000 m. Ảnh: Quốc Thắng.
5h, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Trung đoàn 917 thuộc Sư đoàn 370 (Phòng không Không quân) có mặt tại sân bay Cà Mau để họp bàn kế hoạch bay ra biển. Dự kiến, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng sẽ có mặt trên một trong 2 trực thăng MI 04 và 8431 (vừa được tăng cường từ sân bay Cần Thơ vào chiều 10/3).
Theo một sĩ quan là phi công của trung đoàn, hôm nay các trực thăng sẽ bay ra tọa độ 7 độ 27'40" N - 102 độ 58'48" S thuộc Bãi Cạn Cà Mau chạy dài đến phía Tây của Côn Đảo. Dự kiến, các lực lượng sẽ chia làm 2 khu vực, vùng tìm kiếm sẽ được mở rộng 20.000 km2.
Trong suốt ngày 10/3, lực lượng không quân đã huy động máy bay chuyên cơ, hải quân điều 4 tàu, trong đó có 2 tàu của cảnh sát biển, 2 của hàng hải ra hiện trường nhưng vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu máy bay mất tích của Malaysia.
Máy bay Singapore phát hiện một vật thể lạ được cho là mảnh vỡ máy bay. Ngay khi nhận được thông tin ứng cứu, Việt Nam đã triển khai lực lượng đi trục vớt. Tuy nhiên, vật thể này không liên quan đến máy bay Malaysia.
Mãi cho đến trưa cùng ngày, máy bay tuần thám của Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phát hiện vật thể lạ màu vàng da cam ở vị trí cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) 177 km về phía Tây Nam (tọa độ 07 độ 47'30''N - 102 độ 57'12''E). Nhìn từ máy bay, vật thể có hình vuông, màu da cam, nghi là phao. Đầu giờ chiều, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia cũng thông báo tàu bay R65 của Singapore phát hiện vật thể màu vàng trông giống máng cứu sinh tại 08 độ 16'05''N - 102 độ 51'11'' E (cách đảo Thổ Chu 140 km về phía tây nam) và yêu cầu Việt Nam hỗ trợ phương tiện đến xác minh.
Đến hơn 15h chiều, tàu HQ 637 đã vớt được vật thể vàng mà Malaysia đã thông báo, tuy nhiên vật này được xác định là nắp cuộn cáp đã đóng rêu.
Trực thăng 8431 màu trắng vừa được tăng cường tới sân bay Cà Mau. Ảnh: Duy Khang.
Cuối giờ chiều, máy bay thương mại Hong Kong báo tin phát hiện nhiều mảnh vỡ gần vùng biển Vũng Tàu. Các phương tiện Việt Nam phối hợp với tàu ngư dân đến tọa độ nghi vấn để xác minh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu trong buổi họp báo tối qua cho rằng "tàu bay mất tích khó có thể bay đến khu vực đó".
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam cho biết, Việt Nam đang nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình để tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Tình huống khẩn cấp xảy ra, lực lượng chức năng đang tập trung làm nhiệm vụ, tất cả vì sinh mạng con người.
Việt Nam đã cấp phép cho máy bay và tàu của 4 nước vào lãnh hải Việt Nam tham gia tìm kiếm gồm: Malaysia, Singapore, Mỹ và Trung Quốc. Tổng cộng các nước là 34 tàu bay, 40 tàu thủy các loại, không kể tàu của ngư dân tham gia cứu hộ.