Nhường phòng ở làm phòng học
Thầy giáo Đào Ngọc Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, người có thâm niên công tác nơi đây gần 12 năm, nhớ lại: “Khi mới lên đây, nhà trường có 5 lớp nhưng chỉ có 2 phòng học tạm bợ nên buộc phải học 2 ca và 1 lớp học ghép. Còn đường sá đi lại thì vất hết chỗ nói. Từ nhà tôi ở thị trấn Nông Trường Nghĩa Lộ đến trường phải đi bộ gần 5 tiếng mà phải cuốc bộ trong 5 năm liền”.
Nhà trường phải dựng nhiều phòng học tạm bằng tranh tre, nứa, bạt cho học sinh
Đâu phải nói chuyện của ngày xưa mà hiện tại cũng vậy. Đường lên Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì giờ vẫn một bên là vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút. Phải có sự gắn bó đặc biệt với Làng Nhì, thầy Sơn mới trụ lại được. Ngoài dạy học, việc thầy phải làm thường xuyên là vận động học sinh ra lớp. Giờ số gia đình có ý định bắt con nghỉ học để lên nương phụ giúp bố mẹ ngày càng ít dần.
Điển hình, em Trang Thị Trà, nhiều lần bị gia đình bắt nghỉ học, nhưng thầy Sơn đã đến động viên, thậm chí bỏ nhiều ngày công lên nương gặt lúa cho gia đình nên Trà mới được tiếp tục học. Nhờ vậy, không những Trà hoàn thành hết bậc phổ thông mà hiện Trà đang học Trung cấp Sư phạm Mầm non ở Hà Nội.
Nhưng việc truyền tải kiến thức hay đi vận động học sinh ra lớp không khiến thầy Sơn lo lắng bằng việc trường lớp tạm bợ, thiếu phòng học, thiếu bàn ghế. Để các em có phòng học, không phải học ghép, trong năm học 2011-2012, thầy Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương làm thêm 3 phòng học tạm (dựng lều, che bạt), đồng thời nhường căn nhà nhỏ 2 gian với 14m2 của mình cho nhà trường để làm phòng học. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ.
Hiện, Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì có 400 học sinh với 20 phòng học thì 100% là phòng học tạm, trong đó có 9 phòng tranh tre, nứa lá, lán bạt. Học sinh ngồi trong lớp học mà run rẩy trong giá rét, thấp thỏm vì mưa bão...
Ước mơ giản dị
Cô giáo trẻ Vũ Minh Ngọc (sinh năm 1986 ở Thái Nguyên), mới vào nghề được hơn hai năm nhưng Ngọc đã có hơn 300 lần đi vận động học sinh ra lớp. Hiện tại cô đang chủ nhiệm lớp 5A. Khi được hỏi, cô có mong muốn gì, Ngọc cười hiền khô: “Lớp học của em còn thiếu 3 bộ bàn ghế”. Tôi hiểu ý Ngọc. Cơ sở vật chất của nhà trường hiện còn gặp nhiều khó khăn, mong muốn chỉ có thêm 3 bộ bàn ghế để các em không phải ngồi ghép với nhau cũng là niềm hạnh phúc của Ngọc.
Thầy Đào Ngọc Sơn cho biết, dù khó khăn nhưng kết thúc năm học 2010-2011, nhà trường có 59/294 học sinh khá, giỏi. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 và lớp 9 đạt 100%.
Rồi chuyện thầy giáo Đoàn Đức Hải (sinh năm 1980, quê ở Văn Chấn) tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Yên Bái, năm 2004 bắt đầu lên công tác ở đây. Gắn bó với con em vùng cao này 7 năm, vợ dạy học ở xã Gia Hội, Hải phải gạt bỏ chuyện gia đình để từng ngày, từng giờ lo cái chữ cho học sinh nơi đây. Việc lên lớp dạy học thì không có gì đáng ngại, chỉ lo nhất là thiếu phòng học, nên cũng như cô Ngọc, ước mong năm mới của thầy Hải là học trò có phòng học đầy đủ, ấm cúng.
Với những tấm lòng không biết mệt mỏi và tình thương vô bờ bến của các thầy cô giáo như thầy Sơn, thầy Hải, cô Ngọc, cô Trang... con em dân tộc Mông ở Làng Nhì đã được đến lớp đủ đầy, chất lượng giáo dục nơi đây từng bước được chuyển biến.