Đỏ mặt đọc phiên âm
Khi HLV trưởng đội bóng đá Việt Nam, ông Falko Goetz, đặt chân đến Việt Nam nhận nhiệm vụ, việc đọc tên chính xác của ông từng là chủ đề tranh luận. Trong buổi họp báo ra mắt vị HLV, có PV hỏi: "Đọc tên ông Falko Goetz như thế nào cho đúng?".
Một người biết tiếng Đức đã trả lời: "Tiếng Đức viết thế nào thì đọc thế, đọc thế nào thì viết thế". Cuối cùng, cho đến nay, cuộc tranh luận tên HLV trưởng này vẫn chưa ngã ngũ, đọc "méo cả mồm" vẫn chưa biết đúng sai. Có người gọi là "ông Phan-cô Oết", "ông Phan-cao Ghêt", ông Gu-ết", "ông Oét"...
Vị huấn luyện viên người Áo của đội tuyển Việt Nam trước đó, ông Alfred Riedl cũng từng lên báo ta thán việc phiên âm tên của mình "lung tung". Có tờ báo phiên âm tên ông này thành "ông Ri- Ét", chỗ lại phiên âm là "ông Rít- Đừ" hay "Rít- Đồ"…
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, kể lại câu chuyện: "Nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo có lần hỏi nhà ngữ học Pháp Ferlus là phát âm thế nào tên Ferlus cho đúng. Ferlus trả lời rằng bản thân cũng chẳng biết phát âm thế nào cho đúng, và nói thêm là bố ông ấy cũng không biết. Ferlus còn nói vui là ông chẳng quan tâm tên mình được phát âm như thế nào, mà chỉ quan tâm là nó được viết đúng để nếu có ai gửi tiền cho ông thì nó đến được đúng địa chỉ của ông."
Ông Hiệp nhấn mạnh, người bản ngữ còn như vậy, thì chắc chắn khi người Việt phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài, tình trạng thiếu thống nhất là "chuyện thường ngày ở huyện". Ví dụ, về nguyên tắc thì phiên âm là đọc thế nào phiên thế ấy nên một từ như tên nhà vật lý học nổi tiếng Newton, có thể được phiên âm thành Niu-tơn hoặc Niu-tân.
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Chủ nhiêm Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng tình trạng phiên âm hiện đang đang hỗn loạn, mỗi nơi một "phách". Ông Cổn phân tích những điểm yếu của phiên âm như gây khó khăn cho việc tra cứu thông tin, đôi khi phản cảm... Ví dụ, chúng ta thường đọc tên bác sĩ Yersin là Y-éc-xanh, nhưng khi ra phố bỗng thấy tên đường Yersin, chắc hẳn nhiều người phân vân, có khi nhầm lẫn hai cái tên này là hai người khác nhau.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp phân tích, âm tiết tiếng Việt có khả năng mang nghĩa rất cao nên việc phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài có thể dẫn đến những kết quả phản cảm. Nhà máy quân sự El Yarmouk phiên âm thành En Y-ác-múc; HLV bóng đá Mourinho phiên âm thành Mu-ri-nhô... "Dĩ nhiên, nếu để nguyên dạng mà đọc thì vẫn có khả năng đồng âm như vậy, nhưng "lời nói gió bay", ấn tượng phản cảm không đậm và lâu như khi phiên âm ra, ghi lại bằng chữ viết", ông Hiệp nói.
Giữ nguyên ngữ hay phiên âm?
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn cho rằng người dân không phải ai cũng biết ngoại ngữ. Do vậy mới có chủ trương ủng hộ phiên âm tên nước ngoài ra tiếng Việt. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân ông, phiên âm chỉ phù hợp với một giai đoạn trong quá khứ, dân trí thấp, ít người biết ngoại ngữ. Hiện nay, dân trí cao hơn, người biết ngoại ngữ tăng, vai trò của truyền thông lớn nên việc khó đọc tiếng nước ngoài đã cơ bản được giải quyết. Do vậy, nên thống nhất chuẩn chính tả theo hướng để nguyên dạng.
Đồng tình quan điểm trên, nhưng GS.TS Nguyễn Văn Hiệp lưu ý đối với tên riêng nước ngoài không thuộc hệ chữ La Tinh có thể tham khảo cách viết của tiếng Anh. Ông Hiệp lấy ví dụ: "Thủ đô nước Nga được viết trong tiếng Anh là Moscow, còn tiếng Pháp là Moscou. Ta cứ Moscow mà dùng, không băn khoăn gì cả". Ngoài ra, những trường hợp tên riêng tiếng nước ngoài phổ biến đã phiên âm qua tiếng Hán như Pháp, Mỹ, Úc... nên tiếp tục sử dụng.
Cẩn thận quá hóa thừa?
Ủng hộ quan điểm để nguyên dạng tên riêng nước ngoài, nhưng ông Nguyễn Hồng Cổn cũng để ngỏ một số trường hợp văn bản có tính đại chúng. Ví dụ một số báo phục vụ công chúng toàn dân, vẫn dùng nguyên dạng, có chú thích cách đọc. Tuy nhiên, chỉ dùng với những từ mới, khó và dần tiến tới bỏ hẳn chú thích. Với các báo phục vụ độc giả trẻ tuổi, nên để nguyên ngữ.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, có quan điểm gần với quan điểm của PGS Nguyễn Hồng Cổn. Theo ông, tên riêng nước ngoài trên các loại sách báo, văn bản có tính phổ cập cần được phiên âm; nếu cần, bên cạnh tên phiên âm chua thêm nguyên dạng.
"Đồng bào ta bây giờ nhiều người đọc, viết còn khó khăn, viết nguyên dạng tên nước ngoài sẽ gây trở ngại cho việc tiếp nhận thông tin. Việc viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài cũng chỉ nên áp dụng đối với sách báo, văn bản chuyên môn".
Ông Thuyết đưa ra giải pháp tránh phiên âm lộn xộn, Chính phủ cần giao cho một cơ quan hướng dẫn nguyên tắc phiên âm (ví dụ: giao Viện Khoa học Xã hội VN) và theo nguyên tắc đó hướng dẫn cách phiên âm tên riêng nước ngoài xuất hiện hằng ngày (ví dụ giao Thông tấn xã VN).
Người biết tiếng Đức đọc tên HLV Falko Goetz còn khó, bởi vậy cũng không nên đòi hỏi phiên âm hoàn toàn chính xác. Người Anh gọi Moskva là Moscow, người Pháp gọi là Moscou, chẳng ai coi đó là chuyện "quê mùa". Người nước ngoài cũng chưa bao giờ đặt vấn đề phải viết nguyên dạng tên người Việt, đất Việt và phát âm thật đúng các tên đó.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "Muốn tránh những trường hợp phải "đỏ mặt" thì phiên âm trại đi một chút, có sao đâu. Các nước người ta đều làm thế cả. Hồi tôi học ở Nga, những ai tên là "Huy", người Nga đều viết trại đi là "Ghiu" cho khỏi liên tưởng đến từ tục".
Chính tả không thống nhất
GS.TS Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học) nhớ lại cách đây vài năm, địa chỉ số 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội là trụ sở của Viện Văn học và Viện Ngôn ngữ học. Đây cũng là nơi "đóng quân" của 3 tạp chí Ngôn ngữ; Văn học và tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống. Cùng một địa điểm là vậy, nhưng cũng cùng một chữ có vần "i", ở tạp chí Văn học dùng y (dài), ở tạp chí Ngôn ngữ dùng chữ i (ngắn).
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, trong chữ Quốc ngữ, trường hợp âm i đứng liền sau các chữ ghi phụ âm đầu h, k, l, m, s, t viết i hay y đều được. Từ những năm 1980, Bộ Giáo dục và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam cùng ký một văn bản quy định về chính tả tiếng Việt trong sách giáo khoa phổ thông, trong đó những trường hợp có thể viết i hoặc y như đã nói trên thì nhất loại viết i. Nhưng quy định trên không điều chỉnh hành vi toàn xã hội, đặc biệt là báo chí. Từ đó, có tình trạng mỗi nơi dùng một "phách".