1. Khi bé ngã từ trên cao xuống
Đôi khi chỉ cần sơ ý một vài giây thôi là bé có thể ngã lộn tùng phèo từ trên giường xuống đất. Chắc chắn bé sẽ khóc, lúc này bố mẹ bế bé lên và vỗ về trấn an bé, đồng thời kiểm tra xem có tổn thương gì không. Nếu bé bất tỉnh thì ngay lập tức đưa bé tới bệnh viện. Bác sĩ Ron San Juan, Giám đốc bộ phận cấp cứu nhi khoa ở trung tâm y tế Mercy, Baltimore, Mỹ cho biết: “Ngay cả khi bé không bị sao thì khi bị bẽ ngã từ trên cao xuống đều cần phải được bác sĩ khám”. Trong những trường hợp xấu nhất bé có thể bị vỡ hộp sọ, chấn thương hoặc chảy máu não.
Những dấu hiệu nhận biết nguy hiểm: bé bị bất tỉnh, nôn trớ quá nhiều, giảm nhận thức. May mắn là hầu hết trẻ em bị ngã từ trên bàn hoặc trên giường xuống đất chỉ bị sưng tím một chút thôi, theo lời bác sĩ San Juan.
Cách ngăn chặn trẻ ngã từ trên cao: không nên để bé một mình trên giường, đặc biệt là khi bé đã biết lẫy, bò. Không để bé ngồi lên ghế rung và đặt ghế rung trên bàn. Nếu bạn đang chơi với bé trên giường và cần lấy một thứ gì đó, hãy bế bé đi cùng bạn.
Không nên để bé một mình trên giường khi bé đã biết lẫy, bò.
2. Khi trẻ bị đổ nước/ canh nóng vào người
Nhanh chóng làm mát chỗ bị bỏng bằng cách để nó dưới vòi nước mát trong vòng 10-15 phút. Theo bác sĩ San Juan, bạn không nên dùng đá chườm lên chỗ bỏng, bởi việc này chỉ làm cho vết bỏng bị tổn thương nhiều hơn. Nếu bé không đỡ rát, có thể dùng một miếng băng gạc lạnh và cho bé uống thuốc giảm đau. Nếu vết bỏng bị giộp và có diện tích rộng, hoặc xảy ra ở mặt, tay, chân, hay vùng kín thì bạn nên đưa bé đi gặp bác sĩ.
Ngăn chặn cho bé khỏi bị bỏng: Đừng bao giờ vừa bế bé vừa bưng bê đồ ăn nóng; không để đồ nóng ở trong tầm với của bé, hoặc để trên bàn có khăn trải mà bé có thể kéo xuống; không cho bé lại gần khu vực phích nước hoặc máy pha cà phê.
Đừng bao giờ vừa bế bé vừa cầm cà phê hoặc đồ ăn nóng.
3. Khi bé ngã bị tổn thương miệng
Bố mẹ không nên hoảng hốt khi thấy bé chảy máu mồm bởi máu chảy sẽ mang theo ô xy và một số dưỡng chất có lợi cho mô bị tổn thương. Lúc này bạn hãy cố gắng rửa sạch miệng của bé, cầm máu bằng cách ấn băng gạc hoặc vải sạch vào vết thương, hoặc có thể gói một ít đá vào vải sạch để chườm cho bé. “đá lạnh sẽ khiến cơ co, có tác dụng giảm sưng và cầm máu”, bác sĩ San Juan nói. Bạn cần đưa bé đến bệnh viện nếu máu không ngừng chảy sau 20 phút hoặc đó là một vết cắt dài, hoặc khi bé bị gãy răng.
Phòng tránh vết thương ở mồm: Không nên để đồ chơi tràn lan trên sàn nhà khiến bé dễ bị vấp ngã, không để bé bò, đi lại trên sàn nhà trơn, dẹp bớt những đồ đạc vướng víu dễ làm bé bị ngã, đặc biệt trong giai đoạn tập đi.
Không nên để cho bé bò hoặc đi lại khi sàn nhà chưa khô.
4. Khi bé bị chó/ mèo cắn
Bác sĩ San Juan cho biết: “Động vật cắn thường mang theo cả nguy cơ bị nhiễm trùng bởi miệng của các con vật có rất nhiều vi khuẩn”. Bố mẹ hãy nhanh chóng rửa sạch vết thương cho bé bằng nước và xà phòng. Nếu vết cắn quá sâu, không rửa sạch, có thể bé cần phải uống kháng sinh. Đối với mèo, vết thương thường sâu hơn bởi răng mèo rất nhọn và sắc. Mèo còn có thể mang kí sinh trùng, gây bệnh toxoplasma, nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ có thai. Trong trường hợp chó, mèo không được chích vắc xin, bé có thể sẽ phải tiêm kháng huyết thanh phòng dại.
Ngăn chặn bé bị động vật cắn: không bao giờ để cho trẻ ở một mình với động vật, ngay cả đó là vật nuôi trong nhà; dạy bé cần cẩn thận khi các con vật đang ăn hoặc đang ngủ.
Không nên để cho bé ở một mình với chó/ mèo, ngay cả khi đó là vật nuôi trong nhà.