Bao năm qua, chị lặng lẽ dò dẫm từng bước chân với nghề bán vé số dạo để nuôi các con ăn học... Trời mưa lất phất khiến con đường dốc gồ ghề dẫn vào nhà chị Trần Thị Thanh (38 tuổi, ở tổ 22, khu vực 6, phường Thủy Xuân, TP Huế) càng vắng người qua lại. Bên trong căn nhà nhỏ không có gì đáng giá ngoài cái tivi thuộc hàng “đồ cổ”, ba đứa trẻ gần bằng đầu nhau đang cặm cụi học bài bỗng hớn hở khi thấy bóng dáng chị Thanh dò dẫm bước vào từ đầu ngõ. “A! Mẹ về! Mẹ về!”...
Sờ soạng ngồi xuống bậc thềm nhà, chị Thanh buồn bã nói với tôi: “Hôm nay trời mưa nên ít người mua vé số quá chú ơi”. Lát sau, chị kể cho tôi nghe về những năm tháng cơ cực, tủi khổ của mình. “Quê tui ở thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Gia đình tui nghèo lắm nên cha tui phải lên rừng suối Ban làm nghề “sơn tràng” (làm gỗ-NV). Vùng núi rừng này, hồi chiến tranh giặc Mỹ rải rất nhiều bom, đạn và chất độc khai quang. Có lẽ vì thế mà cha tui bị nhiễm chất độc da cam và sinh ra 8 người con thì có đến 4 người mang di chứng chất độc da cam, trong đó có bản thân tui bị mù lòa đôi mắt như thế này…”, chị Thanh nghẹn ngào.
Theo lời chị Thanh, chị gái đầu của chị là Trần Thị Xoa (50 tuổi), đôi mắt nay gần như mù lòa; người anh trai thứ 2 Trần Văn Thạo (48 tuổi) và chị gái thứ 5 tên Trần Thị Quế (41 tuổi) cũng bị mù cả hai mắt. Riêng người anh trai thứ 4 Trần Văn Thao (44 tuổi) bị dị tật ở chân và đôi mắt cũng không còn nhìn thấy ánh sáng. Còn chị Thanh vào Huế lập gia đình với anh Cái Viết Minh (42 tuổi) làm nghề thợ mộc, năm 2008, khi mang thai người con thứ 4 được chừng 7 tháng, thì phát hiện có những triệu chứng bệnh giống như các anh, chị của mình, đôi mắt mờ dần không còn nhìn thấy ánh sáng, cơ thể thường xuyên đau nhức…
Chị đã một lần đến Bệnh viện TW Huế khám, các bác sĩ cho biết, mắt chị bị bong võng mạc, muốn chữa phải mất 40 triệu đồng. Nhưng, vì quá nghèo nên chị đành chịu cảnh sống mù lòa. Rồi cuộc sống càng khó khăn gấp bội phần khi chồng chị đột nhiên phát bệnh tâm thần bỏ nhà đi mất để lại mấy mẹ con chị bơ vơ trong nghèo khó. Thế là, hàng ngày chị đành để người con gái đầu dẫn đi bán vé số dạo kiếm tiền nuôi sống gia đình, nuôi các con ăn học… “Thấy tui quá nghèo khổ nên bà chủ đại lý vé số ở đường Vạn Xuân, TP Huế, không bao giờ lấy tiền cọc. Ngày nào bán không hết thì tui đem vé số trả lại. Ngày nhiều nhất, tui bán tầm được gần 70 vé, kiếm được khoảng 70 ngàn đồng tiền lời để mua gạo nuôi các con”, chị Thanh tâm sự trong nỗi buồn.
Chị Thanh nói rằng, nhiều lúc chị muốn quyên sinh để quên đi nỗi đau thể xác mà chị phải gánh chịu bao năm qua, nhưng vì thương các con nên chị đã cố gắng sống để tiếp tục vun vén cho tương lai các con. “Số phận mình đã quá hẩm hiu nên tui muốn các con được học hành đến nơi đến chốn. Có con chữ, hy vọng sau này cuộc đời của mấy đứa nó sẽ không phải đi bán vé số như tui nữa”.
Không phụ tấm lòng người mẹ mù lòa, các con của chị Thanh năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh khá và giỏi của nhà trường. Hiện con gái đầu của chị là em Cái Thị Hồng Nhàn (16 tuổi), vừa thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Cao Thắng, TP Huế; người con thứ Cái Thị Hương Lan (12 tuổi), hiện học lớp 6, Trường THCS Tôn Thất Tùng; hai người con út là Cái Thị Hương Trúc (11 tuổi), học lớp 5, Trường Tiểu học Phường Đúc và em Cái Thị Hương Thương (5 tuổi) đang theo học mẫu giáo…
Nói về hoàn cảnh của gia đình chị Thanh, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân, không giấu được ái ngại: “Gia đình chị Thanh là hộ nghèo đặc biệt nhất của phường. Biết chị mù lòa, nghèo khó nhưng vẫn đi bán vé số, quyết tâm nuôi các con ăn học nên địa phương luôn tạo điều kiện hỗ trợ để giúp đỡ thêm cho mấy mẹ con chị…”.
Chị Thanh nắm lấy tay tôi nói rằng, ước mong lớn nhất của chị là được chữa đôi mắt mù để có thể nhìn thấy ánh sáng và tự đi làm kiếm tiền nuôi các con. Và tôi thầm hy vọng, với tình tương thân, tương ái, các nhà hảo tâm có tấm lòng vàng sẽ giúp chị Thanh thực hiện ước mơ này…