Vì “cái chết xấu” này, chị Xoa và các em đã phải chịu cảnh côi cút, bị làng đốt nhà, đốt hết tài sản, đuổi đi. Không ngờ số phận này lại tiếp tục “truyền đời” vào đàn con của chị. Một ngày đầu năm 2014, chị Xoa bị bỏ mạng, chồng cũng tự tử chết theo, tập tục hà khắc cứ thế tiếp nối bắt bốn đứa trẻ lâm vào cảnh bơ vơ, không nhà cửa.
Giết vợ rồi tự vẫn theo tục “mạng đền mạng”
Chiều mồng 5 Tết Giáp Ngọ, vợ chồng chị Xoa và anh Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1972) thịt một con khỉ vừa săn được làm mồi nhậu. Khách tham gia còn có 3 người đàn ông bà con hai bên nội ngoại. Sau nhiều giờ đồng hồ ngồi “cưa” hơn 3 lít rượu, ai nấy đều say khướt. Khách ra về, người chồng “chân nam đá chân xiêu” đứng dậy, yêu cầu vợ con dọn dẹp nhanh nhà cửa để lấy chỗ ngủ, bằng không “tao qua nhà khác nằm nhờ”.
Nghe chồng nói vậy, chị Xoa chợt nhớ đến những nghi ngờ lâu nay về mối quan hệ “ngoài luồng” giữa chồng mình với một phụ nữ thôn bên. Trong cơn ghen tức, chị Xoa dùng những lời lẽ không hay mắng chồng, dỗi hờn “ông có con khác nên mới bỏ bê nhà cửa, vợ con. Hễ làm gì không vừa lòng, ông lại tìm đến ôm người khác mà ngủ”. Sẵn có hơi men trong người, Sơn đứng phắt dậy lôi ngay con dao dùng để đi săn, vung một nhát chí mạng vào bụng vợ, rồi bỏ chạy một mạch ra khỏi nhà.
Nghe tiếng những đứa trẻ la hét cầu cứu, khi hàng xóm đến nơi, chị Xoa đã tử vong. Vụ việc ngay sau đó được trình báo đến công an. Có mặt tại hiện trường, sau khi hoàn tất các thủ tục khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền và nhân dân truy bắt Sơn nhưng không có kết quả. Đến khoảng 8h sáng hôm sau, người đi rẫy phát hiện Sơn treo cổ tự sát tại khu vực suối Nước Da thuộc xãTràTập. Xác định nguyên nhân cái chết do mâu thuẫn gia đình, hung thủ cũng đã tử vong nên cơ quan chức năng bàn giao thi thể hai vợ chồng Sơn cho người nhà mai táng.
Khi lực lượng chức năng vừa rời khỏi, thôn 3 lập tức mở cuộc họp khẩn cấp. Theo phong tục của người Ca Dong, vợ chồng Sơn chết như vậy chắc chắn do “con ma ám” và được coi như cái “chết xấu”. “Khi chôn cất xong, dân làng phải đốt nhà cửa và tài sản, vật dụng của con cái để “người chết mang theo”. Nếu để lại, “con ma” sẽ làm hại dân làng”, già làng Hồ Văn Chung đưa mệnh lệnh. Ý làng đã quyết nên chỉ 1 ngày sau, nhà cửa, vật dụng, của cải của nhà này sau bao nhiêu năm gom góp đều bị đốt sạch. Đặc biệt, từ sau khi nhà bị đốt, không một người nào trong thôn được bước chân đến khu vực mà vợ chồng anh Sơn sinh sống trước đây, kể cả mấy đứa con của vợ chồng người đã khuất cũng bị cấm nốt. Nếu ai trong làng phát hiện bọn trẻ vì nhớ cha mẹ, nhớ nhà cũ mà tìm về, lập tức sẽ bị đuổi đánh. Thậm chí, khi chúng đã đến nơi ở mới, những người dân xung quanh cũng không cho chúng vào chơi nhà mình, phải xa lánh một thời gian vì sợ “con ma xấu” đi theo.
Ngôi nhà nay chỉ còn lại đống tro tàn, xung quanh được làng rào bằng tre nứa kín mít để “ngăn” không cho “con ma xấu” chạy ra ngoài, tìm đến nhà khác quấy phá. Theo phong tục người Ca Dong trước đây, hễ trong làng có người “chết xấu”, người dân lập tức bỏ làng đi tìm vùng đất mới sinh sống. Từ khi được chính quyền tuyên truyền nhiều lần, bà con không còn theo tục đó nữa. Tuy nhiên tục làng vẫn giữ nguyên quan niệm “mạng đền mạng”. Nghĩa là khi xảy ra mâu thuẫn dẫn đến thương vong, khi cơ quan chức năng chưa kịp thời có mặt điều tra, hung thủ sẽ bị người thân của nạn nhân trả thù bằng vũ lực. Vì thế người gây án thường tự sát để tránh bị “đánh hội đồng”. Hung thủ Sơn trong vụ này cũng vậy, khi gây ra cái chết tức tưởi cho vợ, có lẽ Sơn sợ gia đình nhà vợ đánh nên trốn vào rừng treo cổ.
Sau khi gây án, Nguyễn Ngọc Sơn chạy vào rừng tự tử
Đàn trẻ vô tội khốn khổ vì hủ tục
Một vụ việc tương tự tại ngôi làng này cũng xảy ra từ cách đây 5 năm, oan nghiệt hơn cũng rơi đúng vào gia đình chị Xoa. Ngày đó chỉ vì mâu thuẫn mà cha của Xoa đã sát hại vợ rồi vào rừng treo cổ tự vẫn. Chính vì vậy, sau cái chết của vợ chồng Sơn, người dân còn xì xầm bán tán, gia đình này vốn có “noi” (dớp) giết vợ thắt cổ và đang bị “trời phạt”. Ngày trước, cũng theo luật tục, dân làng đốt hết nhà cửa, của cải, đuổi anh chị em Xoa đi nơi khác sống. May mắn một người thân trong làng đã xin dựng cho mấy đứa trẻ cái lán trại để tá túc, cưu mang cho đến lớn.
Ngược dòng thời gian, khi ấy cô gái Xoa dù thiếu cái ăn, cái mặc nhưng gương mặt vẫn mang nét xinh xắn. Mất đi sự bao bọc của cha mẹ, phải sớm tự nuôi lấy thân và các em nên Xoa tập được tính cách tháo vát, chăm chỉ, dân làng vẫn thường khen cô gái “hiểu chuyện, được việc”. Trong quá khứ, chàng trai Sơn đã bỏ qua hết gốc tích vợ sinh ra trong gia đình “ma xấu” để cưới làm vợ. Năm 1999, sau đám cưới nhỏ diễn ra, vợ chồng đã có với nhau được 4 mặt con, con trai lớn hiện đang học lớp 7, con gái nhỏ vừa lên 5 tuổi, kinh tế gia đình cũng thuộc diện khấm khá.
Ngoài làm kinh tế giỏi, Sơn còn nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương. Dù trình độ chỉ chưa qua lớp 2, nhưng Sơn vẫn được bầu làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã, thường giao lưu, quen biết rất nhiều. Đặc biệt, Sơn bắn nỏ rất giỏi và vì thế mà chàng trai này rất được nhiều cô gái, phụ nữ trong xã để mắt, yêu thầm. Không biết Sơn đã sa ngã hay chưa, nhưng không ít lần, xóm làng phải chứng kiến cảnh vợ chồng mâu thuẫn đuổi đánh nhau, chỉ vì Xoa ghen bóng ghen gió. Điều không ai ngờ, chỉ vì ghen tuông, mâu thuẫn vặt, hai vợ chồng lại cùng mất mạng.
Trở lại vụ án, khi mẹ bị giết, bố chết theo, nhà cũng bị đốt… đàn con của vợ chồng anh Sơn thành côi cút, phải chịu cảnh ly tán. Trên nền nhà đã đốt trụi của vợ chồng anh Sơn, khách phải nhờ công an huyện can thiệp mới được tiếp cận để tìm hiểu, đồng thời cũng đáp ứng nguyện vọng đàn con anh Sơn – chị Xoa thắp cho người đã chết nén nhang. Đàn trẻ hiện đang được người cậu Hồ Văn Khuyên (SN 1980) nuôi dưỡng, cho đi học tại trường làng. Anh Khuyên cũng từng trải qua cảnh không nơi nương tựa, nên rất hiểu và thương các cháu. Tuy nhiên hoàn cảnh của anh rất khó khăn, quanh năm đói rách, lại đang nuôi 3 con nhỏ… nên cái ăn, cái mặc của đàn cháu mồ côi hiện tại vẫn phải nhờ thêm sự giúp đỡ của các thầy cô giáo. “Quần áo, giày dép cháu bịđốt hết, nếu không có thầy cô cho, những ngày rét buốt vừa qua, không biết cháu sống làm sao”, anh Khuyên cho biết. Nghe cậu nói, đứa cháu gái ngước đôi mắt ngây thơ khoe với khách, khiến ai nấy phải đắng lòng: “Quần áo và dép mới của con đó. Nhưng khi mô mẹ lên, con mới mang mặc. Chắc tại trời lạnh, mẹ tưởng con không có dép để đi nên chưa đón về, bắt con chờ hoài”.
Đại diện chính quyền Nam Trà My cho biết, sau vụ việc, một mặt các đơn vị, đoàn thể tiếp tục tìm đến địa phương để vận động người dân loại bỏ dần hủ tục, một mặt tìm cách giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi. Trước mắt, ngoài hai đứa bé đang ở với anh Khuyên, được hỗ trợ gạo ăn hằng tháng từ ngân sách huyện, xã; cháu đầu SN 1999 được cho theo học tại Trường Dân tộc Nội trú Nam Trà My và sống bằng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước; cháu gái SN 2003 được thầy cô tại Trường Tiểu học Trà Tập cưu mang cho ăn ở, học tập.