Mẹ chồng chê con dâu “ti bé”

Em bực mình và tức giận lắm với cách ứng xử vô tâm đến vô duyên của mẹ chồng em.

Hỏi:

Chị Tâm An kính mến!

Năm nay em 28 tuổi, đã kết hôn được hơn 1 năm. Vợ chồng em đều là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội an cư lạc nghiệp. Vì tuổi em không còn trẻ nên sau khi kết hôn, chúng em có bầu luôn, không kế hoạch. Sau hơn 1 năm chung sống, vợ chồng em hạnh phúc khôn xiết khi con gái đầu lòng chào đời.

Mẹ chồng em còn rất trẻ, bà vẫn đi làm. Nhưng thật mừng khi con dâu sinh cháu, bà xin nghỉ hưu sớm để đỡ đần con cái. Song từ ngày mẹ chồng lên, cuộc sống của vợ chồng em cứ rối tinh rối mù.

Không phủ nhận bà rất thương con cháu nhưng cách chăm sóc gia đình, con cái, nếp sinh hoạt của bà khiến em không thể nào theo được.

Thứ nhất là chuyện bà bế cháu cứ rung lắc thật lực. Mà điều đó vô cùng hại đến não trẻ, em nói bóng gió xa xôi nhưng bà vẫn một mực làm theo ý bà.

Việc chăm con cháu đã bận vậy mà bà vẫn mất thời gian vào những chuyện không đâu. Bà sợ hỏng quần áo, sợ nhà các con chịu lắm tiền điện, bà vò bằng tay, bà ngồi trong nhà tắm gần 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày để giặt cho cháu. Em biết bà có ý tốt nhưng bà làm thế là không nên, vừa khổ bà vừa mất thời gian. 

Em khó ngủ, bà lại dậy sớm, cứ 4 giờ bà đã kỳ cạch vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, những tiếng ồn đó khiến cả em và con đều mất ngủ.

Nhiều hôm, thấy em đi chợ mua nhiều thức ăn, bà cũng giận dỗi, mắng mỏ, bảo em lãng phí. Rồi cao trào mâu thuẫn xảy ra khi một lần em đang cho con bú, mẹ chồng bảo: “Ti bé thế kia thì chả mấy chốc mà hết sữa!”.

Em tức giận lắm, bà nói như thế chẳng khác nào trù ẻo em. Chưa hết, từ ngày mẹ chồng lên, chồng em thay đổi hẳn tính nết, anh không quan tâm hỏi thăm và tình cảm với em như trước. Em càng ngày càng chán nản, đôi khi thấy mình quá cô đơn và hụt hẫng. Em cảm thấy dường như mình có những triệu chứng của người bị trầm cảm. Em chán nản lắm rồi, em phải làm gì bây giờ hả chị?

(Ngọc Mi, Hàng Bồ, Hà Nội)

Chị Tâm An trả lời:

Em Ngọc Mi thân mến,

Chị rất chia sẻ với tâm trạng mà em đang gặp phải. Dường như trong một gia đình, cuộc chiến “mẹ chồng - nàng dâu” ít nhiều cũng có. Tuy nhiên, qua thư của em, chị thấy mẹ chồng em là người rất tận tụy, thương con cháu. Bằng chứng là bà chủ động bỏ ngang công việc để toàn tâm toàn ý đỡ đần con cháu, bà tiết kiệm cho các con từ tiền đồ ăn, tiền điện nước, mẹ còn dậy sớm chuẩn bị cơm cháo cho các con…

Một người mẹ chồng như vậy, em còn mong gì hơn nữa? Mẹ chồng là người mới xuất hiện trong gia đình nhỏ của em, việc chưa hợp trong cách sống, cách sinh hoạt là điều vô cùng bình thường. Em hãy thông cảm cho mẹ mình, hãy nghĩ những lời mắng mỏ vì em mua nhiều thức ăn, bà giặt tay thay cho giặt máy là tiết kiệm cho chính túi tiền của các con, bà dậy sớm cũng chỉ muốn dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị sẵn đồ ăn cho con cháu.

Đúng là việc bế rung lắc trẻ là điều không nên, thay vì nói bóng gió, em hãy chia sẻ chân thành với mẹ về điều này. Hãy để mẹ hiểu hành động đó sẽ khiến não trẻ bị tổn thương, không tốt cho sự phát triển thể chất của bé. Chị tin một người bà yêu cháu và người mẹ tận tâm với các con như mẹ chồng em sẽ hiểu và ghi nhận điều này.

Còn việc mẹ chồng bảo em: “Ti bé thế kia thì chả mấy chốc mà hết sữa!” cũng chỉ là một câu nói, chị không nghĩ mẹ trù ẻo gì em cả.

Thêm vào đó, liệu em có đang nghĩ quá cho chồng mình không? Việc xuất hiện thành viên mới trong gia đình lại là mẹ mình, việc giữ ý hạn chế thể hiện tình cảm ra bên ngoài cũng là điều nên làm em ạ. Em đừng cả nghĩ mà ảnh hưởng tới tinh thần, mất sữa cho con.

Cũng hơi tiếc rằng, em chưa dành thời gian tâm sự với chồng để anh ấy hiểu và giúp đỡ em.

Chị nghĩ, việc của em lúc này là tập nhìn nhận vấn đề nhẹ nhàng, tích cực hơn. Mẹ chồng em cả đời sống kham khổ, yêu thương con cháu, những điều bà hành động cũng mong sao gia đình con cái được sung túc, hạnh phúc. Em hãy dành thời gian tâm sự, lắng nghe, chia sẻ với bà những kinh nghiệm mà mình biết, học hỏi mẹ những cái hay để con mình được khỏe mạnh - điều mà ai ai trong gia đình cũng mong mỏi.

Chị thấy chuyện của em không phải quá phức tạp, chỉ cần em ghi nhớ rằng hãy cố gắng hiểu mẹ chồng, coi mẹ như mẹ sinh ra mình, mọi chuyện hãy nghĩ đơn giản hơn thì vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng. An tâm em nhé!