Máy bay Malaysia mất tích đã hạ độ cao để tránh radar phát hiện?

Các nhà điều tra đang xem xét kỹ lưỡng dữ liệu để xác định liệu MH370 đã hạ thấp độ cao và dựa vào địa hình để tránh sự phát hiện của radar trong gần 8 tiếng đồng hồ.

Tờ New Straits Times ra ngày 17/3 cho biết chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines (MAS) đã hạ độ cao xuống tầm 5.000 feet (khoảng 1,5km) so với mặt biển hoặc thậm chí thấp hơn để tránh sự phát hiện của radar sau khi quay trở lại từ đường bay Kuala Lumpur-Bắc Kinh ngày 8/3.

Các nhà điều tra đang xem xét kỹ lưỡng dữ liệu để xác định liệu MH370 đã hạ thấp độ cao và dựa vào địa hình để tránh sự phát hiện của radar trong gần 8 tiếng đồng hồ. Nó biến mất khỏi tầm kiểm soát radar của ít nhất ba quốc gia.

Một đội các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu làm việc không ngừng nghỉ từ sáng đến tối khuya đang nghiên cứu khả năng chiếc máy bay mang 239 hành khách và phi hành đoàn đã lợi dụng các tuyến đường bay nhộn nhịp qua Vịnh Bengal.

Bằng việc bám sát các tuyến đường bay thương mại, MH370 có thể không gây sự nghi ngờ cho radar quân sự của Malaysia. Đối với các radar này, MH370 xuất hiện chỉ như những máy bay thương mại khác đang trên đường tới điểm đến của nó.

Các chuyên gia nhóm nghiên cứu kỹ thuật cho biết, người điều khiển máy bay MH370 có kiến thức rất chắc về khoa học điện tử áp dụng vào hàng không và khoa học hàng hải, vì thế đã có thể rời khỏi tuyến đường bay Kuala Lumpur-Bắc Kinh. "MH370 đã bay qua Kelantan ở độ thấp và đây là sự thực.''

Chiến thuật này được gọi là chiến thuật dựa vào địa hình để tránh sự phát hiện của radar và được sử dụng bởi các phi công quân sự để bay tới mục tiêu một cách lén lút, sử dụng phương pháp địa hình để tránh sự phát hiện của sóng radar cực ngắn.

Chiến thuật bay này được coi là cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt trong điều kiện thiếu ánh sáng và mất phương hướng, gây say cho những người trên máy bay, và đặc biệt gây áp lực rất lớn lên khung máy bay.

Các chuyên gia cũng cho biết trong khi chiến dịch tìm kiếm đang được triển khai ở hai khu vực rộng lớn, thì những dữ liệu này đã hướng các nhà điều tra thiên về tìm kiếm hành lang phía Bắc kéo dài từ biên giới của Kazakhstan và Turkmenistan tới bắc Thái Lan.

Nguồn tin thân cận với cuộc điều tra của nhóm điều tra đa quốc gia cũng cho biết công tác điều tra cũng sẽ tập trung vào các khu vực sân bay bị bỏ hoang nhưng có các đường băng dài có khả năng tiếp nhận các máy bay ''hạng nặng'' như Boeing 777.

Có thể nói rằng, khu vực mà các nhà điều tra có thể tính tới đã được thu hẹp lại trong khoảng tám tiếng bay của MH370 dựa vào lượng nhiên liệu đã được bơm cho máy bay.

Điều này diễn ra sau khi MAS khẳng định về sổ sách ghi chép cho thấy phi công đã không yêu cầu bổ sung nhiên liệu cho máy bay. Nhiên liệu của máy bay đủ để bay tới Bắc Kinh với lượng dự trữ có thể bay thêm 45 phút đến sân bay thay thế.

Những nhà điều tra cũng phân tích khả năng nếu có thêm nhiên liệu thì máy bay đã có thể bị cháy trong điều kiện không khí đặc do ở độ cao thấp, giả thiết chiếc máy bay này hạ thấp độ cao trong một thời gian dài.

Các phi công nhất trí rằng MH370 chỉ còn khoảng 2 giờ nhiên liệu. Bởi bất cứ việc điều khiển thay đổi độ cao nào cũng sẽ dẫn đến việc tiêu hao nhiên liệu dự trữ. Một nguồn khác cho rằng: "nếu theo giả thuyết bị không tặc thì nơi nào có thể giấu nổi chiếc Boeing 777?"

Từ thời điểm chiếc máy bay quay đầu tại điểm Igari gần vùng kiểm soát không phận của Việt Nam, tới điểm tránh khỏi kiểm soát của radar quân sự, đã có sáu tín hiệu (tiếng "ping") về tuyến đường được tự động phát ra từ máy bay và được vệ tinh Inmarsat ghi nhận. Tín hiệu cuối cùng khẳng định là nhận lúc 8 giờ 11 phút sáng 8/3, điều này có nghĩa là máy bay đã bay thêm gần 7 giờ nữa sau khi mất liên lạc với trung tâm.

Nguồn tin này cũng cho biết, tín hiệu thứ bảy đã không bao giờ đến. "Tín hiệu thứ bảy đã được gửi đi nhưng không có phản hồi. Có hai khả năng xảy ra đối với chiếc máy bay này, hoặc là chiếc máy bay này đã hạ cánh ở nơi nào đó và động cơ đã ngừng hoạt động hoặc là máy bay đã đâm xuống đâu đó."

Malaysia cũng đã chính thức liên lạc với các quốc gia liên quan với hy vọng rằng họ sẽ sẵn sàng chia sẻ và kiểm tra lại những dữ liệu radar và vệ tinh. Malaysia cũng đã chú ý tới những thông tin quan trọng tiết lộ và xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của nước ngoài được trích dẫn nguồn từ các chính phủ liên quan. Những thông tin này rất quan trọng đối với chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Malaysia nhưng chỉ đến với chính phủ Malaysia theo đường chính thức sau đó.

Các nhà điều tra cũng đang tính toán xem liệu chiếc máy bay đã bay được bao xa và địa điểm mà nó có thể đã đáp xuống. "Ngay sau khi nước đầu tiên công bố bằng chứng về vị trí của máy bay (khoảng 320km phía Tây Bắc của bang Penang, Malaysia) chúng tôi có thể tập trung tìm kiếm và phán đoán được vị trí có khả năng máy bay đáp xuống."

Những tín hiệu thu được từ vệ tinh Inmarsat không đủ để xác định điều này, vì dữ liệu của vệ tinh chỉ phát hiện được những tiếng "ping" ở góc 40 độ.

Trong khi đó một nguồn tin cao cấp đã cung cấp cho tờ New Straits Times thông tin rằng, kiểm tra sơ bộ đối với mô hình buồng lái tại nhà cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah cho thấy "không có dấu hiệu nghi vấn." Tuy nhiên, các chuyên gia đang kiểm tra kỹ đối với mô hình tự tạo tại nhà anh ta tại Shah Alam, bang Selangor.

Hai hành lang bay mà MH370 có thể bay tới (Nguồn: WSJ)

Cũng nguồn tin này cho biết, các nhà điều tra cũng đang điều tra toàn bộ thông tin về từng hành khách. "Cảnh sát đang thu thập những thông tin cơ bản của những hành khách này và những liên lạc trong thời gian gần đây, và thậm chí kiểm tra xem liệu có hành khách nào đã mua bảo hiểm trong thời gian mới đây."

Một nguồn tin từ Hãng hàng không quốc gia Malaysia (MAS) khẳng định rằng cả hai phi công trên chuyến bay này là được phân công. Họ không tự thu xếp để được bay cùng nhau trên chuyến bay này. Phi công của MAS nhận bảng phân công công tác vào cuối hàng tháng.

Một tờ báo nước ngoài đăng tải thông tin trích nguồn thân cận với những người xử lý thông tin từ tiếng "ping" của Inmarsat cho biết dường như chiếc máy bay đã chuyển hướng về phía Nam băng qua Ấn Độ Dương và có thể đã hết nhiên liệu và đâm xuống đâu đó.

Báo cáo này kết luận rằng: "Rất khó có thể xác định vị trí của chiếc máy bay. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có thêm các dữ liệu radar, dữ liệu vệ tinh, nhân chứng thì việc tìm kiếm này chẳng khác gì 'mò kim đáy biển'".