Quảng cáo trước làm mất tính mới
Sau khi tạo dáng thành công quả bưởi hồ lô, bày bán trên thị trường rồi, ông Võ Trung Thành (huyện Châu Thành, Hậu Giang) mới đi đăng ký kiểu dáng độc quyền. Việc đăng ký này không thành công.
TS Lê Ngọc Lâm, Trưởng phòng Kiểu dáng công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ), cho biết việc bảo hộ kiểu dáng đòi hỏi kiểu dáng đó phải có tính mới, chưa từng bộc lộ trên thế giới.
Thế nhưng các loại bưởi hồ lô, dưa hấu vuông, dưa hấu nén vàng… đã được nông dân đưa ra thị trường trưng bày, mua bán vài ba mùa. Sau đó người dân mới tính đến chuyện đăng ký kiểu dáng. Lúc đăng ký thì kiểu dáng không còn đáp ứng tính mới nữa.
Dưa hấu tạo hình hồ lô ở huyện Châu Thành, Hậu Giang.
Đặc biệt, ngay cả những người làm dưa vuông cũng tự nhận là xem trên báo thấy nông dân Nhật Bản làm rồi nên thích thú, mày mò nghiên cứu cách làm cho quả dưa ra hình vuông, cho thấy kiểu dáng đó đã được bộc lộ từ lâu trên thế giới.
Phải xem tính sáng tạo
Giả sử những người tạo dáng trái cây này nộp hồ sơ đăng ký trước khi giới thiệu ra thị trường thì có khả năng bảo hộ kiểu dáng theo Luật Sở hữu trí tuệ hay không?
Ông Lâm cho biết hiện có hai luồng quan điểm. Luật Sở hữu trí tuệ yêu cầu kiểu dáng phải “có khả năng áp dụng công nghiệp”. Do đó, một luồng ý kiến cho rằng tạo hình dáng lạ cho nông sản thì không thể sản xuất hàng loạt, không đáp ứng yêu cầu trên. Một luồng ý kiến khác cho rằng việc nông dân tạo ra các kiểu dáng trái cây lạ cũng cần được bảo hộ nhằm khuyến khích sự sáng tạo của người dân. “Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm khuyến khích sáng tạo” - ông Lâm cho biết.
Tuy nhiên, bảo hộ kiểu dáng cũng đòi hỏi kiểu dáng phải có tính sáng tạo. Sau khi tạo được quả bưởi hồ lô, ông Thành mày mò tạo dáng cho quả dưa hấu thành hình hồ lô. Giả sử sắp tới đây, ông Thành tạo tiếp quả ổi hồ lô, quả xoài hồ lô… thì có thể bảo hộ độc quyền kiểu dáng không? Ông Lâm cho rằng phải có hồ sơ, xem xét kiểu dáng cụ thể mới xác định được, nếu kiểu đáng đặc biệt thì có thể bảo hộ. Nếu đã có trái bầu, trái bưởi hồ lô rồi thì các loại trái khác mang hình hồ lô tương tự, không có nét đặc biệt sẽ khó được bảo hộ.
Bảo hộ cái khuôn ép
Vì không thể đăng ký các kiểu dáng dưa vuông, dưa hình nén vàng nên người có kiểu dáng trái cây lạ hiện chỉ đăng ký bảo hộ cái… khuôn ép trái cây. Cụ thể là khuôn tạo hình dưa hấu vuông, khuôn tạo hình có hình nén vàng.
Đại diện một công ty sở hữu trí tuệ cho rằng người có độc quyền kiểu dáng khuôn chỉ có thể độc quyền về cái khuôn, người khác không có quyền sản xuất, mua bán cái khuôn tương tự cái khuôn này. Tuy nhiên, người khác vẫn có quyền dùng một công cụ khác, dùng cách khác để ép quả dưa, quả bưởi thành hình vuông, hình hồ lô, hình nén vàng. Thậm chí, người khác có quyền sản xuất ra cái khuôn có phần rỗng bên trong là hình vuông, hình nén vàng, hình hồ lô… nhưng bên ngoài có trang trí thêm thắt cho khác với kiểu dáng bên ngoài của cái khuôn đã đăng ký. Bởi lẽ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là bảo hộ bề ngoài nhìn thấy chứ không bảo hộ cái ruột bên trong.
Ví dụ, vẫn là cái khuôn nhựa có ruột rỗng theo hình nén vàng nhưng bên ngoài phủ nhiều nhựa hơn, tròn trịa hơn, không còn góc cạnh khiến làm mất hình ảnh nén vàng thì không bị xem là vi phạm so với kiểu dáng đã đăng ký.
Hiện nay, kiểu dáng công nghiệp được chia thành 31 nhóm hàng hóa, ví dụ nhóm 1 là thực phẩm, nhóm 2 là quần áo, nhóm 6 là đồ đạc trong nhà, nhóm 17 là nhạc cụ… và một nhóm được đánh số 99. Nhóm 99 là “rổ chứa” tất cả sản phẩm không xếp được vào nhóm nào trong 31 nhóm cụ thể kia. Cả hai kiểu khuôn định hình nói trên được xếp vào nhóm 99. Số kiểu dáng được đăng ký bảo hộ trong nhóm này cũng khá đặc biệt. Theo Thư viện số về sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ thì chỉ có khoảng 200 kiểu dáng được bảo hộ, tập trung chủ yếu ở kiểu dáng áo quan (quan tài); kiểu dáng ly, đĩa, lư hương dùng trong việc thờ cúng; kiểu dáng vàng miếng. |