11 CLB khác phải chịu cảnh thua lỗ, tổng cộng là 568 triệu bảng. 1 CLB chưa công bố tài chính là Birmingham - đội bóng hiện tại đang chơi ở giải hạng Nhất. Ông chủ Carson Yeung hiện đang bị cảnh sát điều tra tội lừa đảo về tiền.
Man City đứng đầu với khoản lỗ 197 triệu bảng. (Ảnh AP)
Man City, trong mùa giải thứ 3 của tỷ phú Sheikh Mansour, tiếp tục dẫn đầu bản danh sách “đen”. Họ lỗ 197 triệu bảng cho vị trí thứ ba Premier League và chức vô địch cúp FA. Đó cũng là khoản thâm hụt tài chính kỷ lục trong nền bóng đá thế giới.
CLB xếp thứ 2 là Chelsea, lỗ 68 triệu bảng. Ông chủ Roman Abramovich đã đầu tư 94 triệu bảng cho CLB ở chiến dịch 2010-11. Liverpool đứng thứ 3, sau 8 tháng đầu tiên rơi vào tay nhà tài phiệt người Mỹ John Henry, họ lỗ 49 triệu bảng. Bất chấp việc thu về 50 triệu bảng sau khi bán Fernando Torres cho Chelsea, “The Kop” cũng đổ rất nhiều tiền vào TTCN
Các CLB tổng cộng đã thu về 2,3 tỷ bảng, trong đó phần lớn số tiền đến từ bản quyền truyền hình: 1,5 tỷ bảng. Tuy nhiên, đó cũng là chi phí mà Premier League phải trả cho vấn đề lương thưởng. Theo thống kê, lương đã chiếm tới 69% thu nhập của 20 đội bóng. Con số này của năm ngoái là 68%.
Khá ngạc nhiên khi đội làm ăn có lãi nhất lại là Newcastle. Trong mùa giải đầu tiên trở lại Premier League kể từ khi bị xuống hạng năm 2009, “Chích chòe” lãi 33 triệu bảng. Họ đã bán tiền đạo Andy Carroll cho Liverpool mùa Hè trước với giá kỷ lục 35 triệu bảng. M.U, bất chấp phải trả nợ 50 triệu bảng cho gia đình Glazer, vẫn lời 12 triệu bảng. Nhà vô địch 2010-11 là đội trả lương ít nhất (153 triệu bảng) trong số những CLB hàng đầu nước Anh.
Với những thống kê đáng buồn trên, Richard Scudamore, giám đốc tài chính của Premier League, từ chối giới thiệu “Luật hòa vốn”, điều tương tự với Công bằng tài chính của UEFA. “Luật hòa vốn” được tạo ra để giúp các CLB làm ăn có lãi tối đa, bất chấp những thua lỗ bởi chi phí không thể kiểm soát, bất chấp cả việc bị phá sản bởi ông chủ hay không.
Tuy nhiên, những CLB tham dự các giải đấu của UEFA là Champions League và Europa League sẽ bị rằng buộc bởi luật Công bằng tài chính. Cụ thể, với những khoản lỗ khổng lồ cứ liên tục tăng qua từng năm, Chelsea và Man City sẽ phải có một chiến lược khác thích hợp hơn.
Ngược lại, những CLB ở phía dưới thì chỉ tìm cách để trụ lại giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Ông chủ của Wigan, Dave Whelan, người đã xóa bỏ khoản nợ 48 triệu bảng của CLB hồi tháng 8, nói rằng luật Công bằng tài chính “chỉ có thể là điều tốt cho bóng đá nói chung nếu nó đảm bảo các khoản nợ được duy trì ở mức hợp lý và bền vững”. Nghĩa là tại Premier League, một đội bóng dù lớn hay bé không thể không... nợ nếu muốn tồn tại.