Malaysia: 'Người Trung Quốc đừng nghĩ chỉ mình họ mất người thân'

Bất bình vì bị Trung Quốc công kích thậm tệ trong vụ MH370, sau một thời gian dài im lặng, Malaysia bắt đầu phản đòn mạnh mẽ, bất chấp nhu cầu quan hệ kinh tế.

Từ khi chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines phục vụ đường bay Kuala Lumpur-Bắc Kinh mất tích một cách bí ẩn vào rạng sáng 8/3/2014 cùng với toàn bộ 12 nhân viên phi hành và 227 hành khách, mà trong số nạn nhân có 153 người Trung Quốc, chính phủ Malaysia bị lên án bằng nhiều từ ngữ nặng nề.

Không kể những lời than trách của thân nhân người mất tích, hàng ngày các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng dồn dập đưa bình luận chỉ trích chính quyền Malaysia và hãng hàng không Malaysia Airlines.

Theo bài phân tích của AFP gửi đi từ Kuala Lumpur vào hôm qua, thì trong ba tuần qua, Malaysia cố nhẫn nhục không muốn lời qua tiếng lại với anh láng giềng khổng lồ tại châu Á và cũng là bạn hàng số một của Kuala Lumpur. Tuy nhiên, giọt nước đã làm tràn ly.

Sau nhiều tuần lễ nhân nhượng, chính quyền và công luận Malaysia đã đồng loạt trả đũa Trung Quốc. Lên tuyến đầu và bắn phát súng đầu tiên là bộ trưởng bộ Giao thông Hishammuddin Hussein, khi bị một nhà báo Trung Quốc đặt câu hỏi chất vấn là tại sao Malaysia phản ứng một cách chậm chạp trong vụ MH370 mất tích. Bộ trưởng Giao thông Malaysia đáp trả : "Tôi cần phải nhắc cho ông biết là chúng tôi được Trung Quốc cung cấp hình ảnh vệ tinh… và chúng tôi đã tìm kiếm trong những khu vực đó mà không thấy gì hết".

Bộ trưởng Malaysia cho rằng do vệ tinh Trung Quốc cung cấp hình ảnh sai lạc, phát hiện mảnh vỡ trôi trên Biển Đông đã làm công tác tìm kiếm bị mất nhiều thời giờ quý báu.

Chính phủ Malaysia cũng nhân danh 38 hành khách người Malaysia và 12 nhân viên phi hành đoàn yêu cầu phía Trung Quốc đừng có giành “độc quyền” mang nỗi buồn tang tóc. Bộ trưởng Hishammuddin Hussein, nhân trả lời phóng viên Trung Quốc, kêu gọi các gia đình Trung Hoa có thân nhân mất tích phải hiểu rằng người Malaysia cũng đớn đau, cũng mất mát người thân yêu.

Các gia đình Trung Quốc cũng phải hiểu rằng người Malaysia cũng mất người thân, và nhiều người ở các quốc gia khác cũng vậy… Tôi đã thấy hình ảnh của thân nhân những hành khách Australia. Họ rất chừng mực, hiểu rằng đây là một nỗ lực toàn cầu và không hề trách móc Malaysia…”, ông Hussein nói.

Tại Trung Quốc các cuộc biểu tình không do chính quyền tổ chức đều bị cấm. Thế nhưng, thứ Ba vừa qua, hàng trăm người Trung Quốc đã kéo đến Sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh để biểu lộ bất bình. Người biểu tình lên án chính quyền Malaysia là “đao phủ”, “sát nhân”, “dối trá”.

Theo tường thuật của báo chí Kuala Lumpur, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia đã chỉ trích truyền thông nhà nước Trung Quốc “kích động và thổi lửa hận thù”.

Bên cạnh phản ứng của hai thành viên nội các, báo chí thân đảng cầm quyền UMNO (Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất) cũng bắt đầu nhập trận. New Straits Times bình luận: Ngay trong những thảm nạn kinh khiếp nhất cũng không thể nào lên án chính phủ là kẻ sát nhân. Báo Utusan Malaysia, cơ quan tuyên truyền của đảng UMNO lên án trực tiếp Trung Quốc chuẩn bị dư luận để “bắt Malaysia đứng mũi chịu sào”, quy hết trách nhiệm cho Kuala Lumpur trong vụ MH370.

Theo AFP, vụ xung khắc này đã trở thành một chủ đề nhạy cảm vì tại Malaysia, cộng đồng người Hoa thỉnh thoảng vẫn bị đảng UMNO biến thành vật tế thần, mỗi khi có bầu cử hay kinh tế khó khăn.

Sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 5/2013, căng thẳng giữa chính phủ và người Hoa tăng thêm một nấc, sau khi đảng UMNO bị mất một số ghế kỷ lục. Thủ tướng Najib Razak và nhiều lãnh đạo đảng bất bình vì cộng đồng người Hoa dồn phiếu cho đối lập.

Đối với Jaharbar Sadiq, chủ bút báo mạng độc lập Malaysian Insider thì công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích đã làm cho thể diện của Bắc Kinh bị sứt mẻ, cho thấy trình độ công nghiệp vệ tinh và "cơ bắp" của Trung Quốc có giới hạn. Vụ này đã đặt Trung Quốc đúng vào thứ bậc trên trường quốc tế và phải còn lâu lắm mới được uy tín và được tôn trọng như Mỹ, Anh hay Australia.