Mắc võng canh sưa

Trước nguy cơ sưa bị đốn mọi lúc mọi nơi và trong khi chờ một giải pháp để bảo vệ sưa an toàn lâu dài, cơ quan chức năng đã phải lựa chọn giải pháp duy nhất: Mắc võng nằm bên cạnh cây sưa để ngăn chặn “sưa tặc” đốn cây.

Gốc cây sưa trên đường Tú Xương (TP. Buôn Ma Thuột) bị chặt nhiều lần

21h, khi TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dần vắng bóng người thì ở các góc đường Tú Xương, Trần Hưng Đạo... công nhân của Xí nghiệp công viên cây xanh (trực thuộc Công ty một thành viên Quản lý đô thị và vệ sinh môi trường Đắk Lắk) lại bắt đầu một đêm dài thức trắng: canh 22 gốc gỗ sưa còn lại trên địa bàn.

Trắng đêm canh gỗ sưa

"Rất nhiều cây sưa đã bị trộm chặt dở gốc. Anh em chúng tôi giờ bị “lâm tặc” canh chứ không phải đi canh lâm tặc nữa nên chỉ vắng mặt vài phút là mất sưa ngay"

Chị TRẦN THỊ LỆ HUYỀN

(đội trưởng đội cây xanh Xí nghiệp công viên cây xanh)

Ông Nguyễn Công Nhân - cán bộ Xí nghiệp công viên cây xanh - tỏ ra chưa thích nghi với công việc khá mới mẻ vào ban đêm. Ôm võng mắc vào bức tường rào ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tất Thành, để đỡ muỗi và lạnh, ông cuộn tròn vào chiếc võng, thò đầu ra ngoài, mắt không rời ba gốc sưa mới chỉ lớn bằng bắp chân.

Ở một địa điểm khác trên đường Tú Xương, dù đã 1g sáng nhưng ánh đèn pin thỉnh thoảng vẫn được nhá lên rọi về hàng sưa. Điểm trực gác trên tuyến đường này các công nhân “ngại” nhất vì đường rất vắng, không có chỗ để trú mưa nhưng lại có nhiều cây sưa đẹp. Dụng cụ cho một đêm dài trực gác của hai công nhân Hoàng Văn Phùng và đồng nghiệp tên Hảo ngoài chiếc võng, tấm chăn mỏng và một chiếc gậy cao su còn có một áo mưa. “Hầu hết các vụ trộm sưa đều diễn ra đêm khuya và những lúc trời mưa gió lớn nên công ty quán triệt dù có mưa gió khuya khoắt thế nào cũng không được rời mắt khỏi cây sưa. Ai để mất sưa thì cũng có nguy cơ mất luôn cả việc” - anh Phùng nói. Gần 2h sáng, chợt có tiếng bước chân, anh Hảo vùng dậy và rọi thẳng ánh đèn pin vào góc đường. Thấy bóng đội trưởng đội cây xanh Trần Thị Lệ Huyền (Xí nghiệp công viên cây xanh) đang lò dò ở hàng sưa để kiểm tra các điểm gác, anh Hảo liền uể oải trở về chỗ nằm, bật lửa đốt thêm một vòng nhang muỗi và lại căng mắt quan sát.

Chị Trần Thị Lệ Huyền cho biết từ ngày rộ lên nạn trộm sưa đến nay mà đỉnh điểm là vụ cưa trộm cây sưa tại đài tưởng niệm liệt sĩ TP trên đường Y Ngông cuối tháng 4, toàn bộ 28 công nhân của xí nghiệp ngay lập tức được lên lịch trực đêm để bảo vệ các cây sưa còn lại. Lịch trực được bắt đầu từ 18h30 đến rạng sáng hôm sau.

Tại một địa điểm khác, anh Nguyễn Công Mạnh - cán bộ xí nghiệp - cho biết rạng sáng 4/5, trong lúc nằm trực thì anh và một cán bộ khác tên Thịnh phát hiện một nhóm trộm sưa gồm sáu người đi trên ba xe máy ôm cưa điện đang mon men đến cưa trộm. Anh và anh Thịnh choàng dậy cầm gậy rượt đuổi, nhóm này chạy mất. Anh Hoàng Văn Phùng cho biết trước lúc lên lịch trực, công ty đã quán triệt nếu cán bộ nào bỏ ca trực hoặc lơ là dẫn đến mất sưa thì bị kỷ luật nặng, có thể bị đuổi việc. Ngược lại giữ được sưa mà vẫn bắt được trộm sẽ khen thưởng. Nhưng với những công nhân chỉ quen với việc cắt cây tỉa cành, chỉnh trang TP thì việc phải trực trắng đêm, đối diện với nguy hiểm mà không có dụng cụ hỗ trợ, không một đồng phụ cấp thì việc canh sưa càng trở nên gian nan hơn.

22h30 ngày 11/5, hai công nhân Dương Văn Thành và Nguyễn Công Mạnh, nhân viên Xí nghiệp công viên cây xanh, mắc võng nằm canh hàng cây sưa trên đường Tú Xương, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Người dân bảo vệ cây sưa

"Chừng nào sưa còn thì chúng tôi còn phải nằm đây cả đêm. Cũng vì trách nhiệm, vì nhiệm vụ mà phải nằm giữa mưa gió lạnh lẽo nhưng chẳng biết phải nằm thế này đến lúc nào nữa".

Anh HOÀNG VĂN PHÙNG

(công nhân Công ty một thành viên Quản lý đô thị và vệ sinh môi trường Đắk Lắk)

Tại Hà Nội, công viên Bách Thảo là nơi có khoảng 40 cây sưa lớn nhỏ. Các biện pháp bảo vệ đã được thắt chặt không chỉ trong thời gian gần đây mà được quan tâm từ rất lâu. “Cả hai cổng của vườn đều được đặt camera giám sát 24/24h và một số cây sưa trong vườn đã được bọc bằng rào thép gai. Không phải đến nạn sốt gỗ sưa chúng tôi mới bảo vệ, mà trong vườn này còn có hàng trăm loại cây quý khác cũng được bảo vệ nghiêm ngặt như thế” - một nhân viên của công viên cho biết.

Không bị đeo dây thép gai hay váy tôn, những cây sưa bên vườn hoa Hàng Đậu cuối phố Phan Đình Phùng phát triển khá tự nhiên. Bác Lan, ở phố Quán Thánh, ngồi cạnh một cây sưa băn khoăn: “Ví như cây trong công viên còn có bảo vệ và tường rào bao bọc chứ cây sưa ngoài đường thì biết làm thế nào?”. Băn khoăn thế nhưng chính bác Lan cũng nói: “Dân ở đây ai cũng biết đó là cây sưa, thế nên có ai lạ mặt đến nghiêng ngó là dân phát hiện ngay. Nếu thấy gì bất thường tôi sẽ gọi 113”.

Ông Tô Văn Đồng, phó trưởng Công an phường Hàng Bông, cho biết trên địa bàn phường đang có một cây sưa ở phố Quán Sứ, không chỉ bây giờ mới có phương án bảo vệ mà từ rất lâu rồi công an phường đã giao cho các hộ dân có nhà ở gần khu vực cây sưa này bảo vệ. “Cây này do công ty cây xanh quản lý nhưng được trồng trên địa bàn phường nên những người dân ở đây sẽ để mắt đến nó. Họ chính là người bảo vệ tốt nhất. Nếu có động tĩnh gì họ sẽ báo công an phường” - ông Đồng nhấn mạnh.

Chiêu mới của “sưa tặc”

Nhiều công nhân Xí nghiệp công viên cây xanh cho biết thời gian gần đây trong khi đi kiểm tra đã phát hiện rất nhiều cây sưa bị kẻ trộm cưa quanh thân cây. Chị Trần Thị Lệ Huyền nói nhằm trộm sưa nhanh mà không bị phát hiện, kẻ trộm lợi dụng lúc vắng người dùng cưa cắt cây nhiều lần rồi dùng dây cao su hoặc giẻ buộc quanh thân cây. Chỉ một trận mưa lớn sưa sẽ đổ ngã, lúc này trộm dễ dàng lấy sưa chỉ trong vòng vài phút.