Như báo chí đã đã đưa tin, sau khi Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS) tạm dừng việc thực hiện dự án Khu đô thị Nam An Khánh, mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục có công văn gửi SJS, yêu cầu Công ty không được triển khai Dự án Nam An Khánh trước khi Chính phủ cho phép (theo khoản 1, Điều 5, Nghị định 71/2010/NĐ-CP). Như vậy, chỉ sau khoảng 4 tháng, dự án này đã 2 lần nhận được văn bản yêu cầu tạm đình chỉ.
Trước thông tin dự án tiếp tục bị đình chỉ và không biết khi nào mới được triển khai, giá đất nền tại dự án này đã giảm mạnh. Cụ thể, hiện đất nền tại dự án Nam An Khánh đang được một số nhà đầu tư bán tháo với giá từ 20-24 triệu đồng/m2, trong khi trước đó, giá đất nền tại dự án này vẫn được giao dịch với giá từ 35-40 triệu đồng/m2. Đặc biệt, với dự án căn hộ của nhà đầu tư thứ cấp tại Nam An Khánh, nhiều khách hàng đã chấp nhận rao bán lỗ cả chục triệu đồng mỗi mét vuông.
Theo Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự, việc Dự án Nam An Khánh bị tạm đình chỉ không chỉ khiến chủ dự án bị kẹt, mà những nhà đầu tư thứ cấp mua lại phần đất làm dự án, cũng phải chịu hậu quả.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, những khách hàng mua nhà của nhà đầu tư thứ cấp sẽ chịu rủi ro nhất. Vì nếu may mắn dự án tiếp tục được triển khai thì họ sẽ được mua căn hộ, còn nếu không tiếp tục được triển khai thì việc đòi lại tiền đã góp là rất khó khăn, nhất là những khách hàng ký hợp đồng mua trước khi Nghị định 71 ra đời, thì sau khi Nghị định 71 có hiệu lực, các hợp đồng này sẽ bị vô hiệu.
Cũng theo Luật sư Hưng, chính vì nhận ra sự rủi ro khi tiếp tục đầu tư vào dự án này, nên nhiều khách hàng có khả năng sẽ tiếp tục bán tháo để thu lại một phần vốn, khiến giá đất nền và căn hộ tại dự án này thời gian tới có khả năng sẽ còn giảm nữa.
Trao đổi với PV về khả năng Dự án Nam An Khánh có tiếp tục được cấp phép hay không, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, nếu Bộ Xây dựng căn cứ vào những điều khoản tại Nghị định 71 để yêu cầu chủ dự án đầu tư không tiếp tục được triển khai để chờ ý kiến Chính phủ, thì quy trình để dự án này có được tiếp tục hay không đương nhiên phải căn cứ vào nội dung của Nghị định 71.
Cụ thể, để Dự án Nam An Khánh tiếp tục triển khai, UBND TP. Hà Nội cần có tờ trình Thủ tướng Chính phủ chấp nhận về mặt chủ trương phát triển của Dự án. Khi nhận được tờ trình, Thủ tướng sẽ cần đến cơ quan chuyên môn là Bộ Xây dựng tham mưu xem chủ trương ấy có phù hợp hay không. Nếu chủ trương ấy phù hợp và được Thủ tướng chấp nhận phê duyệt, UBND TP. Hà Nội sẽ ra thông báo và phê duyệt dự án. Nhưng quy trình này cũng mất nhiều thời gian, chứ không thể xong trong một sớm một chiều. Hy vọng được thắp lên đối với chủ đầu tư và các nhà đầu tư khi mới đây, Bộ Xây dựng có công văn gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị việc cân nhắc khi quyết định tạm dừng thực hiện dự án với Dự án Nam An Khánh.
Lý do Bộ Xây dựng đưa ra kiến nghị này vì theo pháp luật hiện hành, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm dừng dự án của công ty cổ phần đang thực hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án để chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, việc tạm dừng dự án cũng có thể dẫn đến nhiều hậu quả ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm của người lao động và quyền lợi của các đối tác, khách hàng, cổ đông trong công ty, trong đó có cả cổ đông nước ngoài.
Như vậy, sau rất nhiều biến cố liên tiếp xảy ra, sẽ thật khó đoán được tương lai của Dự án Nam An Khánh ra sao.