Ma tà, bùa ngải: Tận cùng của sự u mê

Ở những bản làng nằm hun hút nơi rừng xanh núi thẳm, lâu nay vẫn còn tồn tại nhiều chuyện đau lòng xuất phát từ niềm tin đến mê lú của đồng bào vào ma tà.

Nhiều cái chết uẩn ức, nhiều gia đình bị cô lập, nhiều người còn bị chính ruột rà máu mủ của mình đánh đập đến “thập tử nhất sinh”, tất cả đều bắt nguồn từ sự u mê, mông muội.

Đánh gãy tay, què chân để… đuổi ma

Mặc dù mấy năm gần đây, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, thậm chí đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến mê tín dị đoan, nhưng thực tế “vấn nạn” ma tà, bùa ngải vẫn hiển hiện trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đôi khi chỉ từ những sự vật, hiện tượng thiên nhiên mà con người không lý giải được hoặc không có câu trả lời thỏa đáng, họ đều coi là thánh thần, ma quỷ. Niềm tin đó nó đã ăn sâu bám rễ, trường tồn và ám ảnh đeo đẳng qua hàng chục, hàng trăm năm trong các bản làng heo hút chốn rừng sâu.

Cách đây vài năm, ở bản Nà Lìa (Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn) đã xảy ra một câu chuyện mà đến giờ khi nhắc đến nhiều người vẫn không khỏi rùng mình. Chỉ vì bị nghi ngờ có chứa “con ma trong bụng”, anh Ma Văn Son đã phải lãnh một trận đòn “thừa sống thiếu chết” từ tay thầy cúng và người thân của mình. Phải đến khi đại diện chính quyền, thôn bản cùng các cán bộ đoàn thể kéo đến vận động, tuyên truyền, giải thích thì anh Son mới tạm thời thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Mọi chuyện bắt đầu từ một ngày cuối tháng 11/2008, anh Son đi đám cưới một người bạn ở bản bên về được hai hôm thì tự dưng lăn đùng ra đau bụng, đau dữ dội như cào cấu ruột gan. Mặc dù trước đó, anh Son nổi tiếng khắp bản nhờ sức vóc hơn người. Thấy con bị như thế, mẹ anh Son là bà Ma Thị Sủ vội vàng đi mời thầy mo về cúng. Cúng ba ngày ba đêm mà cái bụng anh vẫn ngày một to lên, mặt mũi xám ngoét, chân tay co quắp. Đến khi gà, lợn trong chuồng nhà anh Son lần lượt bị giết thịt hết để làm lễ thì thầy mo phán rằng: “Thằng Son nó bị con ma chui vào bụng rồi! Ma này là ma dữ, nó chỉ thèm ăn tim, gan, phèo, phổi thôi. Nếu không đuổi nó đi, nó sẽ ăn hết cả nhà!”.

Người nhà anh Son lạy thầy mo như tế sao để cậy nhờ ông ta “vào bụng bắt ma”. Sau khi đặt anh Son nằm lên tấm phản giữa nhà, “thầy” bắt đầu cầm mấy lá bùa múa may quay cuồng, miệng không ngớt gào rú những lời quái dị. “Lên đồng” khoảng chừng nửa tuần hương thì “thầy” cầm một cây gậy to như bắp tay vụt tới tấp lên bụng, lên người anh Son. Ban đầu anh còn cố chịu đau, nhưng cứ “gậy sau đau hơn gậy trước”, anh đành cắm đầu cắm cổ chạy ra khỏi nhà. Đến đầu ngõ anh vấp ngã, gã thầy mo vẫn không chịu buông tha. Gã đuổi kịp và tiếp tục giáng gậy xuống thân thể của anh không thương tiếc. Phải đến khi anh Son nằm bất động, mắt mũi trợn trừng thì trận đòn “đuổi ma” mới tạm thời kết thúc. Người nhà ra vực dậy mới phát hiện cánh tay phải của anh Son đã gãy từ bao giờ, nó lòng thòng chả khác gì khúc thịt muối treo gác bếp.

Rất may, một người dân sống gần nhà anh Son đã chạy lên báo cáo với chính quyền địa phương toàn bộ sự việc. Các cán bộ xã đã phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục thì gia đình mới đồng ý đưa anh Son đi bệnh viện. Sau khi bó bột và thăm khám kỹ lưỡng cho anh Son, bác sỹ mới phát hiện anh bị ung thư gan giai đoạn cuối. Về nhà khoảng chừng hơn 2 tháng sau thì anh Son mất. Nhưng sau đó, những lời đồn thổi về chuyện anh bị “ma gà chui vào bụng ăn hết nội tạng” rồi bắt đi vẫn còn được dân bản rỉ tai nhau đến tận bây giờ.

Ở những bản làng nằm tít hút rừng sâu như Nà Lìa đã đành, đến ngay ở nơi đô thị sầm uất, đường xá phong quang như TP Lạng Sơn mà cũng còn có người tin vào ma chài, ma lai để rồi cầm dao băm chặt chân con mình. Thế mới thấy được sự u mê, mông muội của con người ta nó mới khủng khiếp nhường nào.

Đó là trường hợp của bà Lê Thị Nhã, ở đường Trần Quang Khải (TP Lạng Sơn). Bà Nhã có cậu con trai duy nhất tên Lương Văn Ban (SN 1987). Khi Ban lên 15,16 tuổi thì tự nhiên phát bệnh tâm thần, thường xuyên la hét, chửi bới mọi người, xé quần xé áo, chạy lông nhông ngoài đường… Thay vì đưa con đi bệnh viện, bà Nhã tin rằng con mình bị ma gà hãm hại. Bà mời hết thầy mo này đến thầy mo khác, cúng bái hết ngày này qua ngày khác, dùng đủ mọi đòn “tra tấn”, từ mắng chửi, đánh dập, thậm chí bà Nhã còn dùng dao chặt vào chân con mình để … đuổi ma. Đến khi chính quyền địa phương can thiệp kiên quyết, cháu Ban mới được đưa đi bệnh viện chữa trị.
Cả dòng họ bị cô lập giữa đại ngàn

Có một thực tế đau xót rằng, trong hầu hết những vụ việc liên quan đến ma tà, bùa ngải thì không chỉ những người được xem là “nạn nhân” như anh Son, cháu Ban phải chịu thiệt thòi, đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần, mà bản thân những người vô tình bị nghi kỵ là “ma thuốc độc” cũng phải đón nhận kết cục đau thương. Có nhiều người bị tấn công, bị cộng đồng dân bản tẩy chay, gia đình lâm vào sự cô lập, bị đuổi khỏi làng, con cái không được lấy chồng lấy vợ, họ sống mòn mỏi như những bóng ma cô quạnh suốt nhiều thế hệ…

Hầu hết những người bị nghi là “chuyên gia” “nuôi ma” hoặc có khả năng làm bùa chú hại người, họ đều phủ nhận, họ bị oan khuất. Nhưng cộng đồng, những nhóm người hung hãn với niềm tin mê lú không bao giờ chấp nhận sự thật đó, và bi kịch vẫn thường xảy ra. Có người bị đánh đập, bị hành hung tập thể, bị truy đuổi ráo riết đến mức phải chạy trốn vào rừng sống cả đời như muông thú. Có những địa phương mà đích thân cán bộ xã, thôn, bản phải xuống ăn dầm ở dề hàng tuần, hàng tháng trời dưới cơ sở để tuyên truyền, vận động đồng bào nhằm “hóa giải lời nguyền”, “hóa giải sự u mê”, thế nhưng chả khác gì gió thổi đỉnh rừng. Đồng bào nghe, gật gù ra chiều thông tỏ rồi đâu lại vào đấy. Thậm chí có nơi chính quyền phải cầu viện đến cả báo chí vào cuộc để tuyên truyền.

Như cách đây chừng vài năm, khắp vùng Châu Lý, Quỳ Hợp, Nghệ An như lên “cơn sốt” với thông tin: Bản Xết có “ma thuốc độc”. Tin đồn lan nhanh đến nỗi trong mỗi câu chuyện của đồng bào người Thái, người Thổ nơi đây đều thấy bóng dáng của các hồn ma bóng quế. Nó không chỉ khiến cán bộ cơ sở mất ăn mất ngủ mà còn gây xáo trộn không ít trong đời sống nhân dân. Tất cả bắt nguồn từ truyền thuyết về một dòng họ biết làm bùa ngải, biết… nuôi ma.

Theo cụ Cao Văn Lý, một lão niên của bản Xết cho biết, xưa kia bản Xết chỉ là một dải rừng hoang rậm, dân cư thưa thớt, chủ yếu người dân tộc Thái. Mãi đến đầu thế kỷ 20, mới có thêm một số người dân tộc Thổ mang dòng máu họ Cao quê gốc ở huyện Tân Kỳ lên đây khai hoang, lập nghiệp. Và cũng từ đó, chẳng hiểu bắt đầu từ đâu, những lời đồn đoán, khẳng định họ Cao biết chế tạo và yểm bùa bằng thuốc độc, trong tiếng Thái gọi là “Đầm”, để hại người được lan truyền.

“Đầm” có thể là vài rễ cây rừng, một miếng xương người, da con cóc tía, xương mèo và da mèo, xương động vật. Thậm chí đó cũng có thể là một cái lông gà, con sâu, cái kiến, hoặc chỉ là chiếc ria nhổ từ mép con hổ dũng mãnh được đem về “nuôi” trong hũ, trong vò, giấu kín đúng đủ 3 tháng 10 ngày, tất cả những thứ đó đều được người ta xem là “bùa độc”.

Cứ thế, câu chuyện về “Đầm” được người dân đem đi rải vãi khắp nơi. Bao trùm lên vùng rừng xanh núi đỏ Châu Lý, đâu đâu cũng nghe váng vất những chuyện ma tà, bùa ngải. Dân bản Xết dần bị đồng bào trong vùng xa lánh, con cháu dòng họ Cao dần bị cô lập, trai lớn không thể dựng vợ, gái lớn không thể gả chồng. Thậm chí, mấy năm trước có cụ già họ Cao mắc bệnh qua đời, đồng bào nhất định không cho chôn ở nghĩa trang, vì nghi cụ “có dính líu đến ma”. Cực chẳng đã, con cháu phải khiêng cụ ra mảnh nương của gia đình mình để mai táng. Đám tang của cụ cũng chỉ có toàn ruột rà, máu mủ, không hề có bóng dáng người ngoài đến viếng.

Để mong giải nỗi hàm oan cho bản Xết, một số cụ còn vác đơn kêu cứu lên tận huyện, tận tỉnh. Sau nhờ chính quyền quyết liệt vào cuộc, công tác vận động, thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh nên cái lời nguyền quái ác về con “ma thuốc độc” giữa mênh mông đại ngàn mới dần được hóa giải, cuộc sống của người dân bản Xết cũng dần trở lại bình thường...