Mới đây TAND TP HCM đã tuyên án vụ kiện dân sự liên quan đến luật gia Đặng Đình Thịnh đòi số tiền hứa thưởng lên tới 145 tỷ đồng từ thân chủ… Đây là một phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm bởi các khía cạnh pháp lý gay cấn và tính chất phức tạp của nó.
Từ hợp đồng "hứa thưởng" giá trị trăm tỷ đồng
Có lẽ vụ kiện dân sự đòi số tiền hứa thưởng lên tới 145 tỷ đồng từ thân chủ này thuộc dạng có một không hai từ trước tới nay và kết quả cuối cùng tại phiên tòa cũng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Bất ngờ từ việc xét xử, mức án cho đến những tình tiết "lạ đến khó tin" trong vụ việc này.
Theo nội dung đơn kiện, căn nhà 446-448 đường Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK), quận 3 (TP HCM) thuộc sở hữu của vợ chồng cụ Nguyễn Đắc Kha và Vương Thị Khanh. Khi gia đình hai cụ xuất cảnh ra nước ngoài năm 1982, căn nhà này được ủy quyền lại cho ông Phan Bình sử dụng.
Ngày 28/9/1999, UBND TP. HCM quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với căn nhà trên với lý do thuộc diện nhà vắng chủ theo Quyết định (QĐ) số 896/QĐ-UB này 28/9/1999. Sau đó, căn nhà được Công ty Quản lý và Kinh doanh nhà (QLKDN) thành phố ký hợp đồng (HĐ) cho Ngân hàng ACB thuê làm hội sở. Sau khi cụ Kha mất năm 2004 nhưng không để lại di chúc, cụ Khanh và con trai Nguyễn Đắc Quang (SN 1953) đã về Việt Nam làm đơn khiếu nại hủy bỏ quyết định này và xin nhận lại căn nhà.
Nhiều năm đòi nhà không có kết quả, năm 2007, gia đình cụ Khanh nhờ Trung tâm Thông tin tư vấn pháp luật Tân Việt (TTTVPL Tân Việt) thuộc Hội Luật gia Việt Nam tư vấn pháp lý. Theo đó, cụ Khanh lập "HĐ hứa thưởng" 15% trên tổng giá trị nhà đất cho luật gia Đặng Đình Thịnh (SN 1974, ngụ Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình, TP HCM) - Chánh văn phòng (hiện là GĐ Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP HCM - Hội Luật gia Việt Nam) nếu ông này thay mặt gia đình liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để đòi lại được căn nhà trên.
Căn nhà 446-448 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM.
Ngày 22/1/2008, mẹ con cụ Khanh ký Phụ lục HĐ, tăng tiền hứa thưởng từ 15% lên 25% giá trị căn nhà. Ngày 2/7/2008, mẹ con cụ Khanh ký tiếp Bản cam kết với ông Thịnh tăng mức hứa thưởng lên 30%. Không dừng lại ở đó, ngày 28/11/2008, mẹ con cụ Khanh lại ký tiếp Thỏa thuận hứa thưởng cho ông Thịnh tăng lên 35% giá trị căn nhà.
Vụ việc liên quan đến căn nhà sau đó được nhiều cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Ngày 28/62011, Bộ Xây dựng ra QĐ 656/QĐ-BXD trả nhà cho vợ chồng cụ Khanh. Ngày 14/7/2011, UBND TP HCM cũng ban hành QĐ thu hồi QĐ số 896/QĐ-UB, công nhận quyền sở hữu nhà 446-448 NTMK của vợ chồng cụ Khanh, giao Công ty QLKDN lập thủ tục thanh lý HĐ thuê nhà với Ngân hàng ACB.
Sau khi lấy lại được căn nhà, cụ Khanh cùng con trai đã thực hiện nhiều giao dịch mua bán, cho thuê căn nhà nhưng không thực hiện HĐ "hứa thưởng" với ông Thịnh. Sau nhiều lần thương thảo không có kết quả, vị luật gia này đã làm đơn kiện lên TAND TP HCM yêu cầu mẹ con cụ Khanh phải trả tiền "hứa thưởng" theo HĐ số tiền 145 tỷ đồng.
Điều đáng nói, thời điểm năm 2010, trong lúc căn nhà trên chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định trả nhà, ông Nguyễn Đắc Quang (con trai vợ chồng cụ Kha - Khanh), đại diện ủy quyền cho cụ Khanh đã ký HĐ "đặt cọc mua bán nhà 446-448 NTMK" với ông Vũ Huy Hoàng (SN 1986, ngụ Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3, TP HCM). Hai bên thống nhất, thỏa thuận: căn nhà có diện tích 832m2, giá 8,5 lượng vàng SJC/m2, quy ra tiền 212,16 tỷ đồng; bên mua đặt cọc 10% (tương đương hơn 21 tỷ đồng). Số còn lại được thanh toán chia làm ba đợt sau khi trước bạ, sang tên chủ quyền. Nhưng đến khi đã có quyết định trả nhà, ông Quang vẫn không thực hiện theo HĐ như đã ký với ông Hoàng.
Tiếp đó, ngày 13/10/2011, ông Quang lại ký một HĐ viết tay (không có công chứng) với Ngân hàng ACB cho thuê căn nhà thời hạn 50 năm với giá 150 triệu đồng/tháng, được điều chỉnh hằng năm nhưng không vượt quá 3% giá thuê.
Chưa kể một ngày sau, ông Quang tiếp tục ký HĐ mua bán nhà cũng viết tay với bà Đặng Thu Hà (SN 1959, ngụ Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3, TP HCM) với giá 250 tỷ đồng. Bên mua đặt cọc 210 tỷ đồng cho bên bán đã nhận đủ (?!). Số tiên 40 tỷ đồng còn lại, bên mua sẽ thanh toán sau khi hoàn tất các thủ tục đăng bô, trước bạ sang tên...
Điều đáng nói khi hai bên thực hiện ký kết thì căn nhà này đã bị "cấm mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, ủy quyền mua bán nhà và quyền sử dụng đất đối với căn nhà" bởi QĐ ngăn chặn của TAND TP HCM ngày 13/7/2011. Và trước đó, cụ Khanh và các đồng thừa kế khác cũng đã gửi thông báo hủy ủy quyền đối với ông Quang…
Đến những tình tiết "lạ đến khó tin"
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài vụ kiện của ông Thịnh, còn có thêm 7 tranh chấp khác liên quan đến nhà đất 446-448 NTMK. Trong đó có thể kể như: bà Hà có đơn yêu cầu mẹ con cụ Khanh - ông Quang thực hiện HĐ mua bán nhà 446-448 NTMK, đã thanh toán 210 tỷ đồng. Ông Hoàng kiện đòi 22 tỷ đồng (tiền đặt cọc) cộng với tiền phạt cọc tổng cộng là 44 tỷ đồng, do ông Quang ký HĐ bán ngôi nhà này cho ông Hoàng.
Ngân hàng ACB cũng kiện ông Quang, cụ Khanh về "HĐ cho thuê nhà 50 năm" do mẹ con cụ Khanh đã ký HĐ với ACB. Đồng thời, Ngân hàng ACB yêu cầu được chi trả khoản tiền sửa chữa, xây dựng nhà đất đã thuê. Đặc biệt, cụ Khanh cũng yêu cầu tòa hủy tờ khai di sản thừa kế ngày 6/9/2011 đối với ông Quang là con trai mình. Trong khi đó, ông Quang lại yêu cầu tòa công nhận giấy ủy quyền ngày 24/4/2009 do cụ Khanh lập cho ông. Ngoài ra, ông Phan Bình cũng yêu cầu tòa công nhận một phần diện tích nằm trong nhà đất 446-448 NTMK đã được cụ Khanh cho tặng trước đây.
Điều đáng nói là căn nhà này cả lúc chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định trả lại cho chủ nhân và khi đang tranh chấp bởi nhiều bên có mối quan hệ, quyền lợi xung đột lẫn nhau, nhất là khi TAND TP HCM đã có QĐ số 68 ngày 13/7/2011 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, lẽ ra, các bên mua bán phải hiểu hết những nguy cơ, rủi ro từ những điều này. Nhưng ngược lại họ vẫn bỏ ra một số tiền rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng để mua bán, sang nhượng (?!). Chính vì vậy, vụ việc ngày càng phức tạp, rối rắm, khiến cho nhiều lần hòa giải, xét xử đều bất thành.
Tuy nhiên vào đầu năm 2015, trong phiên xét xử sơ thẩm (nhập chung tất cả các tranh chấp, kiện tụng thành một vụ để xử) trong hai ngày 20 và 27/1/2015 của TAND TP HCM, vụ việc ông Thịnh kiện mẹ con cụ Khanh về số tiền hứa thưởng được dư luận đặc biệt chú ý vì gần như chưa có tiền lệ.
Tại tòa, ông Thịnh nhấn mạnh, trong quá trình giải quyết vụ việc, ông là người duy nhất trực tiếp làm việc, liên hệ, đối thoại, cung cấp chứng cứ cho các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi cho gia đình cụ Khanh. Và trên hết ông đã phải bỏ nhiều công sức trong vòng 5 năm trời để đi đòi lại căn nhà này. Vì thế, ông đề nghị tòa buộc cụ Khanh phải trả 35% giá trị nhà đất nói trên theo thỏa thuận.
Về phía bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của cụ Khanh thừa nhận cụ có hứa thưởng nhưng chỉ đồng ý trả 35% giá trị nhà và đất thuộc phần sở hữu của cụ. Đây là tài sản chung của vợ chồng cụ Khanh. Chồng cụ trước khi chết đã để lại di chúc chia thừa kế cho 9 người con. Theo đại diện của cụ Khanh, việc hứa thưởng chỉ do mình cụ thỏa thuận với ông Thịnh, không liên quan đến phần tài sản của các đồng thừa kế khác.
Sau thời gian xét xử và nghị án, chiều 3/2/2015, TAND TP HCM nhận định, HĐ hứa thưởng do hai bên ký kết được lập trên tinh thần tự nguyện, không trái pháp luật và không trái với đạo đức xã hội. Hơn nữa, ông Thịnh đã hoàn thành việc đòi lại nhà đất cho cụ Khanh theo đúng thỏa thuận. Giá trị tài sản căn nhà và đất được định giá là 156 tỷ đồng. Theo đó, tòa tuyên cụ Khanh (chủ sở hữu căn nhà 446-448 NTMK, quận 3) và ông Quang (con trai cụ Khanh) phải trả cho luật gia Thịnh 35%, tương đương gần 55 tỷ đồng.
Mặt khác, tòa cũng tuyên không chấp nhận đối với yêu cầu của ông Thịnh tách riêng ra một vụ án khác để giải quyết. Đồng thời, ông Thịnh buộc phải trả lại số tiền 6,7 tỷ đồng và ông Đặng Thanh Tâm (TTTVPL Tân Việt) phải trả hơn 7,6 tỷ đồng đã nhận của ông Quang.
Riêng đối với các HĐ bán căn nhà này, tòa tuyên buộc cụ Khanh, ông Quang phải trả lại 210 tỷ đồng cho bà Hà. Cụ Khanh, ông Quang cũng phải trả lại số tiền 22 tỷ đồng cho ông Hoàng (tòa không chấp nhận số tiền đòi phạt cọc của ông Hoàng).
Đối với yêu cầu của Ngân hàng ACB, tòa tuyên hủy HĐ thuê nhà với ông Quang, cụ Khanh, nhưng yêu cầu ông Quang, cụ Khanh phải trả lại số tiền 3,2 tỷ đồng cho ACB, đây là tiền mà ACB đã đầu tư, sửa chữa nhà trong thời gian qua.
Trao đổi sau khi kết thúc phiên tòa, dù thắng kiện nhưng theo ông Thịnh, đúng ra tòa phải tuyên ông được hưởng 35% giá trị tài sản được phát mãi vào thời điểm thi hành án chứ không phải dựa vào biên bản định giá tài sản. "Việc tòa xử tôi thắng kiện đã cho thấy công lý cần phải được thực thi đúng bản chất của nó. Vụ việc của tôi quá rõ ràng nên kết quả cuối cùng khiến tôi rất vui vì công sức 5 năm vất vả đi đòi lại nhà cho bị đơn đã được tòa thừa nhận. Tôi nghĩ sau vụ việc của tôi, những lời hứa được thực hiện thành văn bản cần phải được tôn trọng và thực thi chứ không thể theo kiểu lời nói gió bay được", ông Thịnh chia sẻ.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, do tiềm ẩn quá nhiều quan hệ phức tạp, xung đột quyền lợi, cho nên tại phiên tòa, đại diện VKSND TP HCM đã cho rằng, quan hệ tranh chấp hứa thưởng đã được Tòa án thụ lý khá lâu và đã hoàn tất mọi thủ tục tố tụng nên cần được tách ra để giải quyết bằng một vụ án độc lập nhằm đảm bảo đúng pháp luật và quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn. Các tranh chấp về HĐ mua bán nhà, hủy bỏ tờ khai di sản thừa kế… cần được tách ra thành một vụ án riêng và triệu tập đầy đủ các đồng thừa kế của gia đình cụ Khanh nhằm đảm bảo các thủ tục và quyền lợi của các đương sự.
Ngay sau phiên tòa, nhiều đương sự liên quan đến vụ kiện cho hay họ không chấp nhận bản án này và sẽ làm đơn kháng cáo để xử phúc thẩm.