3 đối tượng đã lên “kịch bản”, vờ làm khách vãng lai xin ở nhờ nhà bị hại, sau đó chuốc rượu cho cả nhà say rồi ẵm đi chiếc ché cổ trị giá 25 lượng vàng của khổ chủ...
Màn kịch hoàn hảo
Ngày 1/11/2004, TAND Quảng Nam đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Nguyễn Văn Xuân và đồng bọn cướp tài sản công dân. Theo cáo trạng, vì biết rõ gia đình Alăng Chúc (SN 1944, trú Phú Mưa, xã Sông Kôn, huyện Hiên - nay là xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, Quảng Nam) có một chiếc ché cổ quý thời vua Gia Long, nên giữa tháng 3/1998, Nguyễn Văn Xuân (SN 1963, trú thôn 6, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã rủ thêm Nguyễn Chín (SN 1950, trú thôn 6, xã Đại Lãnh, Đại Lộc) đến để chụp ảnh và gạ mua lại.
Vì đó là báu vật của tổ tiên nên gia đình ông Alăng Chúc không bán. Không đạt được mục đích, Xuân và Chín đã gọi thêm Nguyễn Vĩnh Hoàng (SN 1971, con trai của Chín) đến bàn kế hoạch cướp tài sản. Ba đối tượng thống nhất là sẽ giả vờ đến nhà ông Alăng Chúc chơi rồi chuốc rượu cho cả gia đình này say để ra tay.
Một buổi chiều đầu tháng 6/1998, sau khi từ rẫy trở về, ông Alăng Chúc ngạc nhiên khi thấy một gã đàn ông lầm lũi bước vào nhà ông với bộ dạng khá đáng thương. Gã tự giới thiệu mình tên Thành, lên núi ngao du và ngỏ ý xin gia chủ tá túc qua đêm vì bị lỡ chuyến xe đò về xuôi. Nhìn bộ dạng của gã cùng với lời nói ngọt sớt, ông Chúc đồng ý cho gã ở lại nhà và lo cho gã cơm nước như một vị khách quý.
Khoảng 19h tối 7/6/1998, sau bữa cơm tối, gã hành khất lặng lẽ lấy từ trong balô một can rượu gạo loại 1,5 lít cùng chai rượu vang Huế và một hộp cá để “trả ơn” gia chủ. Cuộc “trà dư, tửu hậu” cứ thế được gã chủ động thực hiện nhằm tạo lòng tin đối với chủ nhà, rằng gã cũng là một người khá… tử tế, biết lễ nghĩa. Hơn 22h, cuộc vui kết thúc, gã lủi thủi bước đến giường ngủ. Trước khi đi ngủ, vợ chồng ông Chúc không quên cảm ơn vị khách lạ “tốt bụng” kia.
Đến khoảng 2h sáng, gã lục đục tỉnh dậy, chuẩn bị “hành sự” theo kế hoạch. Lúc này, cả nhà ông Chúc vẫn đang chìm sâu trong giấc ngủ. Gã rón rén bước đến nơi chủ nhà để chiếc ché cổ rồi cậy cửa tìm cách thoát thân. Theo kế hoạch đã được vạch sẵn, sau khi lấy chiếc ché từ nhà ông Chúc xong, gã “hành khất” tên Thành đã nhanh chân mang ché ra nơi cha con ông Nguyễn Chín và Nguyễn Vĩnh Hoàng – đồng bọn của gã đang ngồi đợi tại vườn mít đầu làng, rồi cả 3 cùng chạy trốn trong đêm.
Theo nguồn tin riêng của PV, khi Thành vừa bước ra khỏi nhà, thì liền bị một cụ bà phát hiện nhưng không tri hô. Sau này khi mọi chuyện đã dần được làm sáng tỏ, bà cụ mới kể lại việc đêm đó có thấy người đi ra từ nhà ông Chúc nhưng vì ngỡ người nhà ông Chúc đi vệ sinh nên cụ không tiện hỏi. Khi gia đình ông Chúc phát hiện bị mất ché thì gã hành khất tên Thành đã “không cánh mà bay”!
13 năm nay qua, ông Alăng Chúc đã gửi rất nhiều đơn tới các cơ quan chức năng ở địa phương nhưng không được giải quyết
Truy tìm thủ phạm
Ngay sau khi phát hiện kẻ trộm đã “cuỗm” mất chiếc ché cổ, ông Chúc đã huy động bà con họ hàng cùng thanh niên trong thôn tổ chức truy đuổi theo dấu vết của tên trộm để lại dọc bờ sông. Nhưng cuộc truy đuổi đã không thành công như mong đợi…
Trên đường chạy trốn cùng cùng đồng bọn, gã hành khất đã nảy ra sáng kiến chạy tắt theo dọc bờ sông để về xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) nhằm tránh sự truy đuổi của người bị hại. Với phương án này, cả bọn đã chạy trốn thành công. Đến 6h sáng, chúng giấu chiếc ché cổ vào trong lùm cây thuộc địa phận xã Đại Lãnh, rồi đón xe về Đại Lộc. Trưa hôm đó, Nguyễn Chín thuê ghe chở Nguyễn Vĩnh Hoàng tìm đến chỗ cất giấu ché để đưa về nhà, chờ hôm sau sẽ đem bán lấy tiền.
Sáng 9/6/1998, Xuân và Chín mang ché ra Hà Nội bán cho cặp vợ chồng không quen biết với giá 13.200.000 đồng. Số tiền trên Chín chia cho Thành 4.700.000 đồng, chia cho Xuân 2.500.000 đồng, chia cho Hoàng 1.000.000 đồng, chi phí đi đường 2.000.000 đồng, cho con của Chín 300.000 đồng, cho người dẫn mối bán ché 200.000 đồng, còn phần Chín 2.500.000 đồng.
Về phần ông Chúc, do không tìm được kẻ đã lấy trộm ché cổ, ông đã đến cơ quan chức năng địa phương để báo cáo sự việc. Hôm chúng tôi đến tìm hiểu sự việc, ông Chúc kể lại toàn bộ diễn biến vụ việc và hành trình truy đuổi tên trộm “có một, không hai” ở núi rừng Trường Sơn này.
Ông Chúc kể, sáng sớm hôm đó, ông cùng hơn chục người khác trong thôn đã băng không biết bao nhiêu con suối, thác ghềnh để truy đuổi kẻ trộm. Cuộc rượt đuổi diễn ra nhanh chóng và khẩn trương đến mức, có rất nhiều người chưa kịp mặc quần áo dài, mà chỉ quần cộc, mình trần lao nhanh về phía con đường tắt còn in dấu chân của kẻ trộm mà đi theo quán tính nhanh nhất có thể. Thậm chí, họ quên cả cái đói và sự đau đớn khi bàn chân va chạm phải gốc cây, đá sắc hay bị vắt cắn. “Đến khi người mệt lả, dừng chân nghỉ lại thì mới thấy bàn chân của ai cũng bị rướm máu tươi vì va phải đá” – ông Chúc kể lại.
Câu chuyện về kẻ lạ trộm mất ché cổ nhà ông Alăng Chúc cứ thế được lan đi rất nhanh và xôn xao khắp vùng. Họ bất ngờ bởi ông Chúc vốn nổi tiếng về tính cẩn thận. Để đề phòng kẻ gian lấy cắp chiếc ché cổ, lúc nào ông cũng để chiếc ché cổ này trong rương, sát nơi ông nằm ngủ. Vài ngày trước khi bị đánh cắp, ông lấy ché cổ đặt lên bàn thờ để làm lễ cúng tạ ơn tổ tiên, ông bà và quên chưa bỏ vào trong rương.
Ngày 19/3/1999, TAND Quảng Nam mở phiên tòa phúc thẩm xử phạt Nguyễn Chín 7 năm tù về tội cướp tài sản của công dân. Ngoài ra, Nguyễn Chín phải bồi thường cho gia đình ông Alăng Chúc 110.000.000 đồng. Sau một thời gian bỏ trốn, ngày 17/8/2004, Nguyễn Văn Xuân ra đầu thú và sau đó bị phạt 8 năm tù giam. Cùng tham gia vụ cướp này còn có Nguyễn Vĩnh Hoàng nhưng sau đó Hoàng được VKSND tỉnh Quảng Nam miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
13 năm chờ… thi hành án?
Sau khi bản án có hiệu lực thi hành, các bị cáo cũng đã thụ án xong nhưng gia đình ông Chúc vẫn không nhận được bất cứ bồi thường thiệt hại nào theo như bản án đã tuyên. Bức xúc, gia đình ông Chúc đã “gõ cửa” cầu cứu đến rất nhiều cơ quan chức năng trong tỉnh Quảng Nam nhưng không được giải quyết. Đến tận thời điểm này, gia đình ông Chúc vẫn chưa nhận được khoản bồi thường nào cũng như câu trả lời chính thức từ các cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu của PV, áp dụng bản án số 142/HSPT ngày 19/3/1999 của TAND tỉnh Quảng Nam, ngày 7/10/1999, Phòng thi hành án (THA) tỉnh Quảng Nam (nay là Cục thi hành án dân sự Quảng Nam) đã có quyết định số 59/UTTHA về việc ủy thác thi hành án dân sự cho Đội Thi hành án huyện Đại Lộc (nay là Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đại Lộc) chịu trách nhiệm tiếp tục thi hành án. Quyết định 59/UTTHA nêu rõ: Ủy thác cho Đội thi hành án huyện Đại Lộc, Quảng Nam tiếp tục thi hành án đối với ông Nguyễn Chín (SN 1950, trú tại thôn 6, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Theo bản án quyết định này buộc ông Nguyễn Chín phải bồi thường cho gia đình ông Alăng Chúc số tiền là 110.000.000 đồng. Ngoài ra, quyết định cũng ghi: “Kể từ ngày có đơn xin thi hành án của người đại diện hợp pháp mà bị cáo chưa nộp đủ số tiền trên thì hàng tháng còn phải trả tiền lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định, tương ứng với thời gian chưa thi hành án”.
Mặc dù quyết định của Tòa án và cơ quan Thi hành án tỉnh Quảng Nam, huyện Đại Lộc ghi rõ vậy nhưng đã 13 năm trôi qua, đến nay gia đình ông Alăng Chúc vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Vì lý do gì mà việc thi hành phần dân sự đối với vụ án này lại không được thực thi? Câu trả lời chỉ có cơ quan thi hành án dân sự huyện Đại Lộc và tỉnh Quảng Nam là biết rõ nhất.