Ly kỳ chuyện ngôi làng chuyên... chết đôi

Hàng chục năm, khoảng thời gian khá dài, người Tạ Xá (Cẩm Khê-Phú Thọ) hễ cứ thấy trống kèn đám ma là lại lo sốt vó.

“Làng tôi phải dớp”!

Ông Nguyễn Xuân Tâm không bắt đầu ngay vào câu chuyện, mà rít một hơi thuốc dài, nhả khói mù mịt khắp nhà. Xong xuôi đâu đấy, ông mới chậm rãi như đếm từng lời: “Đúng là có chuyện ấy thật. Nhưng ở đây, chúng tôi cũng chưa khẳng định là chết đôi hay chết ba gì cả. Chỉ biết là nếu hôm nay ông A chết, thì nay mai, nội trong 3, 4 ngày, kiểu gì cũng có thêm ông B hay bà C chết. Cứ như là các vị rủ nhau đi ấy. Thế mới lạ kỳ”!

Câu kết luận của ông cựu Chủ tịch xã khiến những người xung quanh chợt thấy… lạnh gáy. “Tôi thì tôi nhớ là ông cụ đẻ ra tôi hồi trước đã nhắc chuyện “chết chùm” như thế này nhiều. Ông cụ còn bảo tôi là anh cứ nghiệm thử xem, kiểu gì cũng đúng. Mà đúng thật. Từ mấy chục năm trước, khi chúng tôi còn nhỏ cơ, làng đã phải cái dớp ấy rồi. Đến nay vẫn thế!” – một vị trung niên thừa nhận.

Một cụ khác góp chuyện: “Ngày xưa thì xa lắm, tôi không nhớ. Nhưng chỉ nói chuyện năm nay thôi cũng đủ sợ rồi. Này nhé, đầu tiên là ông Mỡ chết. Ông Mỡ chết thì kéo theo thằng Tuyến. Thằng Tuyến chết có đến vài tháng không nhỉ? Đúng rồi, vài tháng làng không có đám ma nào. Thế rồi đến bà Mỡ. Bà Mỡ vừa chết xong lại đến lượt thằng Đô”. Để tăng tính thuyết phục, cụ ông tóc bạc gõ gõ cái đầu lọc thuốc xuống bàn: “Chẳng phải ai xa, chính bố đẻ tôi đây này, chết được 2 hôm, chưa kịp sang ngày thứ 3 thì bên nhà ông Đại tự nhiên có con chim lợn kêu oang oác. Ngay nửa đêm hôm ấy bố ông Đại chết còn gì”…

Rời nhà ông Tâm, chúng tôi được đưa đến gặp một nhân vật quan trọng bậc nhất đối với việc hiếu của cả làng. Ông Hùng là tay kèn chủ lực của đội bát âm, vì tuổi cao, chân tay mỏi, hơi sức cũng không còn mạnh mẽ nên ông mới nghỉ được vài năm nay, nhưng trí óc ông thì còn thông tuệ lắm. Ông Hùng hồi tưởng lại: “Cái thời tôi còn thổi kèn ấy, lạ lắm. Có đận chơi không suốt cả năm, anh em lại phải lang thang sang mấy xã bên xem có việc gì người ta nhờ cậy thì làm. Thế nhưng có đận làm không xuể. Mấy năm trước, lúc tôi gần nghỉ, có một dạo làng chết nhiều quá, chết liên tục, cứ đám nọ dồn toa đám kia, vừa mới nhận lời thổi ở nhà này, con nhà người khác đã khóc như ri mời ông quá bộ sang giúp cho bố cháu. Lại có lúc, nhà đầu xóm còn chưa hạ huyệt, nhà cuối xóm đã nổi trống báo tang…”.

Ông Nguyễn Xuân Tâm

Ông Hùng bảo ông cũng chưa nghĩ đến chuyện chết đôi bao giờ, nhưng quả thực là ngày trước, phường bát âm của ông hay chuyện vãn với nhau, hôm nay có đám, sửa soạn vài hôm nữa kiểu gì cũng sang đám khác. Nhanh lắm, mà đúng lắm. Hiếm khi sai lệch.

Cuốn sổ tử và những con số biết nói

Trạm trưởng Y tế xã Tạ Xá, Hoàng Kim Báo cẩn thận gỡ từng mép giấy cuốn sổ lưu thông tin về những người ở Tạ Xá qua đời từ năm 2005 đến nay. “Trước đó thì không tập hợp được dữ liệu đâu” – anh phân trần. Nhưng chỉ lướt qua vài trang giấy đã ố vàng, chúng tôi thực sự phải sững sờ. Những con số trong đó hùng hồn khẳng định bà con Tạ Xá không đặt điều về chuyện chết đôi, chết chùm ở làng mình.

Năm 2008, chỉ vẻn vẹn trong vòng chưa đầy 7 ngày, làng Tạ Xá trải qua đến 5 đám tang. Khởi đầu là bà Nguyễn Thị Thảo bị viêm não chết ngày 3/2. Ngày mùng 4, bà Nguyễn Thị Tò bị tai biến mạch máu não. Ngày mùng 5, ông Hoàng Văn Luận bị tràn dịch màng phổi. Ngày mùng 7 và mùng 8 là hai bà Nguyễn Thị Thế và Trần Thị Lược cũng cùng dắt nhau về cõi hoàng tuyền.

Hầu như năm nào, Tạ Xá cũng có những giai đoạn lao đao vì cả làng nhốn nháo lo ma chay, tang lễ. Hết thảy đều là người làng người nước, không họ hàng thì cũng chung ngõ, chung đường. Dân Tạ Xá không phải không có người thao thức, băn khoăn với cái dớp đáng sợ của làng mình. Nhưng suốt bao nhiêu năm qua, họ cũng chỉ biết đứng nhìn họ hàng làng xóm dắt díu nhau đi và mong tiếp theo không phải là mình. Chưa có bất kỳ ai đủ thông tuệ để tìm ra một lời biện giải cho xác đáng và khoa học.

Từ chuyện “móc mắt Rồng”?...

Người dân nơi đây kháo nhau chuyện múc núi Hàm Rồng nên “rồng đã nhe hàm”. Trên diện tích của quả núi có một tảng đá rất lớn trơ ra. Người ta đã dùng nhiều loại máy múc cỡ nhỏ, lớn đến cộng lực nhưng đều không thể phá được.

Kể cũng lạ, sức cẩu của những máy ấy đâu phải nhỏ, nó có thể nhấc bổng  cả chiếc ô tô, răng máy múc to sắc chắc chắn là vậy nhưng chẳng hiểu sao cứ tiến lại chỗ tảng đá thì hầu như không cháy hệ thống điện cũng gẫy đôi ba chiếc “răng”. Sau nhiều lần cố gắng đơn vị thi công đành bất lực bỏ lại tảng đá to lởm chởm mang mầu đen của than non và mầu đỏ, trắng, vàng, lẫn lộn của đất. Nhìn xa quả thật nó giống cái hàm của một con rồng ngoi lên từ mặt đất.

Câu chuyện càng ly kì, huyền bí  khi người dân đưa chúng tôi đến khu vực được mang tên Giếng Tiên. Nó được tạo nên từ một mó nước chảy  từ hang đá của dãy núi, diện tích chỉ khoảng vài mét vuông, mực nước chỉ sâu khoảng 20 – 30 cm nhưng giếng nước phục vụ cho sinh hoạt của cả mấy chục hộ.

Theo người dân kể lại, cách đây khoảng vài chục năm từng có một người nổi tiếng là hiểu biết uyên thâm, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý khi đi qua khu vực Hàm Rồng đã dặn dò bà con: “Giếng này là mắt con rồng, bà con không nên khơi giếng sâu, cứ để nguyên vậy”. Ông còn nói thêm nếu ai đào bới, khai mở hay lấp giếng này là người đó thất đức và phải chịu hậu quả. Khi đó dân ở đây rất tin theo. Nhưng lâu ngày, những lời căn dặn hầu như bị cho vào lãng quên. Giếng mắt rồng  hay còn gọi là Giếng Tiên đã bị lấp.

Anh Uy, hiện sở hữu thửa đất trước đây có Giếng Tiên kể: “Bố tôi bảo giếng tiên có từ lâu lắm rồi, truyền thuyết kể lại rằng, những ngày nắng đẹp hoặc đêm trăng sáng thường có ba cô tiên ra tắm và trải tóc nên mới gọi là Giếng Tiên. Đợt tôi thuê máy múc của công trường vào để san phẳng giếng với mục đích mở rộng nền nhà, có nhiều máy vào nhận múc nhưng không thể làm nổi, có lần thì máy bị đứt xích, lần khác thì cháy cuộn dây điện của máy... Con tôi đang khỏe mạnh, chơi bình thường chẳng hiểu sao lại hiếu động trèo lên máy múc của công trường, sau đó ngã đập đầu vào xích và nay trở thành bị ngớ ngẩn. Thấy thế tôi cũng hãi lắm”.

Sổ báo tử của trạm y tế

Cũng từ khi “Rồng” bị mổ móc đầu, moi mắt người ta lại thấy chuyện chết chóc nó diễn ra đều đặn hơn. Ông Hoàng Văn Thắng hiện nay đang là người mang trong lòng nhiều ưu tư nhất về những cái chết theo kiểu “lá vàng lủng lẳng trên cây”. Ông là người có tham gia công tác chính trị ở địa phương. Một thời ông làm cán bộ văn hóa, nay ông làm công an viên vậy nhưng không phải vì thế mà người đàn ông này không ngỡ ngàng về những cái chết của anh em trong dòng họ

Ông tâm sự: “Không nghĩ sao được khi  mới ngoài năm chục tuổi mà đã mang trên vai mình gánh nặng của ông trưởng họ cả một chi. Những người già trong họ đã chết gần hết. Ông ngồi nhẩm tính thì gần đây nhất họ nhà ông chỉ có chú Hoàng Mỡ là sống được ngoài 80 tuổi còn lại chủ yếu là ra đi ở tuổi trên dưới bốn mươi…

Lý giải cho những cái chết bí ẩn

Phân tích của TS.KTS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ - tin học ứng dụng (UIA) và TS Vũ Văn Bằng – “Người đương thời” nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về tia đất. Cả ông Khanh và ông Bằng đều nghiêng về nhận định những cái chết liên tiếp ở Tạ Xá nhiều khả năng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, do ô nhiễm môi trường hoặc bức xạ xấu từ tia đất – cái mà người dân vẫn cứ ám ảnh nó là “long mạch”…

“Thường thì ở các làng xã Việt Nam, hiện tượng chết tập thể xảy ra hay do nguyên nhân mầm bệnh. Có thể là do thuốc trừ sâu, chất độc từ thời chiến tranh còn phát tán, ngấm vào đất, vào nước để lại di chứng đến tận thế hệ bây giờ. Nhưng theo tôi, chuyện làng Tạ Xá thì không phải nguyên nhân ấy. Bởi số người chết cùng vì một bệnh, như ung thư chẳng hạn, là rất ít. Vả lại, có người chết trẻ, nhưng cũng có người tám chín chục, thậm chí một trăm linh năm tuổi mới chết” – ông Khanh chia sẻ.

Đem câu chuyện kỳ bí của làng Tạ Xá hỏi “Người đương thời” Vũ Văn Bằng – nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu ứng dụng tia đất tại Việt Nam, chúng tôi cũng nhận được một câu trả lời rất… mở. Ông Bằng từng dùng máy đo tia đất của mình để “bắt mạch” các vụ tai nạn trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ hay khoan thăm dò mỏ nước ngầm rất thành công. Tuy nhiên, ông Bằng cũng mới chỉ nghe nói đến hiện tượng chết lạ lùng ở Tạ Xá, và điều duy nhất ông có thể khẳng định với chúng tôi chỉ là sẽ đưa làng này vào danh sách những điểm cần được đo tia đất để xác định nguyên nhân.

Theo lý thuyết của ông Bằng, tia đất xuất hiện ở khắp nơi. Có tia đất tốt, có tia đất xấu. Rất có thể tia đất ở Tạ Xá là tia đất xấu, khi nó phát tác trong một thời điểm nào đó sẽ làm cho nhiều người bị ảnh hưởng cùng lúc. Nhẹ thì đau đầu, chóng mặt. Nặng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tử vong. Trực tiếp như làm cho sức khỏe suy sụp, nhiều bệnh bùng phát trở nên trầm trọng, đặc biệt nguy hiểm cho người già hay trẻ em. Còn gián tiếp như tạo nên những trạng thái tinh thần không tỉnh táo, minh mẫn, gây ra tai nạn trong lúc đang lái xe, lao động…

Ông Bằng cũng phủ nhận hoàn toàn những cái chết trẻ của làng Tạ Xá trong thời gian gần đây có thể liên quan đến việc người ta đã chặt đầu, cắt lưỡi Hàm Rồng. Ông bảo: “Làm gì có khái niệm long mạch. Long mạch chẳng qua chỉ là cấu tạo địa tầng, nói một cách nôm na thì nó chính là tia đất. Tia đất tốt thì tạo nên đất lành. Tia đất xấu thì tạo nên đất dữ”! Ông Bằng và trung tâm nghiên cứu tia đất của ông đang có kế hoạch trong một ngày không xa sẽ đưa các máy móc thiết bị “thâm nhập” vào Tạ Xá, đo các chỉ số môi trường xem liệu Tạ Xá có bị ô nhiễm nguồn nước hay không, đất đai có bị nhiễm phóng xạ hay không, các tia đất có làm ảnh hưởng tiêu cực đến con người hay không. “Chỉ như vậy mới có thể kết luận được nguyên nhân chính xác, còn tất cả những nhận định phi khoa học khác đều không đáng tin cậy”!

Anh Báo thủng thẳng bảo, với tốc độ uống rượu như làng anh thì nghề nấu rượu xem ra mới là nghề kiếm bộn tiền. “Chẳng giấu gì anh, bây giờ công nghệ nấu rượu ở quê tôi hiện đại lắm rồi. Chỉ cần một viên thuốc của Tàu như viên C sủi, quẳng vào can nước lã vài mươi phút là có rượu uống ngay tắp lự. Đảm bảo vị chẳng kém rượu nổi tiếng làng Vân là bao”. Thanh niên Tạ Xá đang thịnh hành văn hóa rượu. Không kể hội hè đình đám, hễ cứ gặp nhau là phải chén rượu là đầu câu chuyện. Rượu vào lời ra, cẳng chân cẳng tay cũng ngứa ngáy. Nào phải đâu xa, cách đây hơn một năm, một người em họ của anh Báo sau khi cự cãi nhau trong bữa rượu đã bị đám thanh niên cùng huyện hành hung đến chết. Chưa kể rượu “dỏm” – theo cách gọi mai mỉa của anh Báo - còn làm cho lục phủ ngũ tạng xuống cấp nhanh chóng. Hai anh em nhà họ Hoàng mới qua đời cách đây chưa đầy tháng đều bởi một nguyên nhân: xơ gan vì uống rượu quá liều.

Những cái chết dây truyền khiến nhiều gia đình ám ảnh

Anh Báo, trạm trưởng trạm y tế  cũng lý giải rất logic về chuyện trùng tang hay “vận áo xám”. Đó là khi nhà có người chết, những người thân vì đau buồn, suy nghĩ triền miên, lại thường phải thức thâu đêm suốt sáng lo công việc nên dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, không làm chủ được nhận thức và hành động của mình. Bởi vậy nên họ làm gì cũng thất bại, đổ vỡ, thậm chí tự chuốc lấy những cái chết thương tâm.

Ở Tạ Xá, chuyện trùng tang như thế dù hiếm xảy ra nhưng không phải là không có. Tuy nhiên,  những cái chết “liên hoàn” tại đây chủ yếu là giữa những người không cùng gia đình. Những số phận tưởng như không liên quan gì đến nhau, hóa ra vẫn có sợi dây ràng buộc, nó liên quan đến phong tục của làng. Mỗi khi làng có đám ma, ngoài việc chờ cha xứ hành lễ tại nhà thờ, người dân trong làng vẫn thường tụ tập cỗ bàn phúng viếng rất linh đình. Đó chính là nơi các cụ già dễ suy sụp nhất, và cũng là nơi các mầm bệnh phát sinh.

Trạm trưởn trạm y tế xã, Hoàng Kim Báo được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật từ gót giày đến tận chân răng, anh thường nói đùa như thế. “Quả thực khi nhìn lại cuốn sổ tử mà tự tay tôi ghi chép, tôi cũng rất ngạc nhiên tại sao lại có nhiều trường hợp chết liền nhau đến vậy. Nhưng sau khi phân tích kỹ càng, tôi nghĩ đó chỉ là sự ngẫu nhiên. Tất cả những cái chết đều rất rõ ràng, nguyên nhân chết được chú thích đến từng chi tiết” – anh Báo chậm rãi và nhỏ nhẹ. Rồi anh trầm ngâm: “Tạ Xá từ trước đến nay người chết chủ yếu đều là những người có tuổi hay tiền sử bệnh tật rồi. Còn số người chết trẻ mấy năm nay có vẻ tăng, thực chất đều là tai nạn giao thông và… rượu”.