Như tin đã đưa, chiều ngày 3/11 tại xóm Nà Sa – Nà Gường thuộc xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, người dân đã bất ngờ khi nhìn lên bầu trời trong xanh có hiện tượng mây lớn kéo đến và tạo một “hố xanh” khổng lồ trên bầu trời.
Rất nhiều người đang tham gia giao thông trên đường cũng đã dừng lại chụp ảnh, ghi lại hiện tượng kỳ lạ này.
Tuy nhiên, các chuyên gia về thời tiết và thiên văn – vũ trụ không cho rằng đây là chuyện lạ.
Sẽ đáng lo ngại nếu hiện tượng này xảy ra thường xuyên
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Đức, nguyên Phó Tổng giám đốc, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đó chỉ là hiện tượng quang học khí quyển – một hiện tượng khoa học liên quan đến mây – chứ không phải chuyện lạ.
Theo ông Đức, có thể mô tả hiện tượng trên như sau: Bầu trời Cao Bằng có một vùng mà ở giữa có dòng đi xuống không có mây còn xung quanh có dòng thăng tức là dòng đi lên tạo thành mây. Do dòng đi xuống chiếm một vùng khá rộng và được bao bọc xung quanh bởi mây nên người ta dễ dàng nhìn thấy bầu trời xanh mà họ mô tả là “hố xanh” như vậy.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên và việc người dân đốt rơm rạ ồ ạt cũng có thể là một trong số đó.
“Nếu hiện tượng trên ít xảy ra và trong phạm vi hẹp thì không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe, đời sống của người dân. Còn nếu điều đó xảy ra trên phạm vi rộng, kéo dài từ ngày này sang ngày khác thì cũng phải xem xét xem trong thành phần khí quyển có gì lạ không”, ông Đức nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Lan Châu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương lại cho rằng, đó là hiện tượng thủy văn bình thường và nó không chỉ xảy ra ở Cao Bằng.
“Tất nhiên cũng cần phải theo dõi thêm bởi nếu nó xảy ra thường xuyên thì cũng đáng lo ngại”, bà Lan Châu nói thêm.
Đồng quan điểm với ông Đức, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương nhận định: “Tôi nghĩ đó là hiện tượng thiên văn. Tất nhiên, nó cũng có liên quan cả tới thời tiết, có khả năng đó là hiện tượng quang học khí quyển”.
Không phải chuyện hiếm gặp
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu thiên văn – vũ trụ, ông Nguyễn Đức Phường, chuyên gia nghiên cứu về thiên văn - vũ trụ, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, đó không phải là hố xanh mà tên khoa học của nó là hố mây.
Ông Phường cho hay, đây là hiện tượng khí tượng tương đối bình thường, nó không phải là hiện tượng mang yếu tố tâm linh gì cả, cũng không phải sản phẩm của người ngoài hành tinh hay đĩa bay…
Hiện tượng này xảy ra khi có đám mây tích. Ở những đám mây này, nhiệt độ của chúng tương đối lạnh, lạnh hơn nhiệt độ đóng băng, nhưng thông thường các hạt hơi nước của chúng lại không đóng băng do thiếu các hạt mầm. Một khi có sự xuất hiện của các hạt mầm, các hạt hơi nước đó sẽ đóng băng lại theo hiệu ứng lan tỏa rồi rơi xuống tạo ra hố mây như vậy. Những chiếc hố mây thường có hình elip hoặc hình tròn và có nhiều đám mây bao quanh.
Cũng theo chuyên gia này, nguyên nhân xuất hiện các hạt mầm có thể là do một số tác nhân như có máy bay vừa bay qua. Luồng không khí đi qua cánh quạt máy bay có thể sẽ tạo ra các hạt mầm đóng băng – nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng trên.
“Theo tôi không có chuyện người dân đốt rơm rạ nhiều dẫn tới hiện tượng trên bởi những đám mây này ở rất cao, luồng khói do đốt rơm rạ không thể vuơn tới được.
Tôi cũng xin khẳng định là hiện tượng này không gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như đời sống của người dân địa phương. Ở nước ngoài cũng rất hay xảy ra hiện tượng này còn ở Việt Nam đó cũng không phải là chuyện hiếm gặp”, ông Phường nhấn mạnh.