Lương y tự chế hai bài thuốc 'tống tiễn' sỏi thận khỏi cơ thể và trị chứng rụng tóc

Xuất thân từ nghề nhà giáo nhưng “rẽ ngang” theo nghiệp y dược, lương y Phan Tấn Tô (71 tuổi) hiện là Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bài thuốc từ năm loại thảo dược chữa bệnh sỏi thận

Lương y Tô cho hay nguyên nhân của bệnh sỏi thận do ăn nhiều thực phẩm cay, nóng dẫn đến thấp nhiệt, dồn ứ chất độc. Các tạp chất trong nước tiểu kết tủa hình thành nên sỏi. Y học hiện đại có khá nhiều loại thuốc chữa bệnh sỏi thận. Nhưng thuốc đông y vẫn giữ vai trò khá quan trọng trong việc chữa trị chứng bệnh này với tính ưu việt vừa chi phí thấp, vừa không để lại tác dụng phụ.

Có một số bài thuốc chỉ dùng “độc vị” để chữa bệnh sỏi thận như rễ đu đủ, dứa dại, chuối hột. Nhưng theo ông Tô, muốn chữa khỏi bệnh này, cần phải biết kết hợp “sức mạnh tổng lực” của các vị dược liệu để bào chế thuốc, nhằm đánh tan được khối sỏi, đưa sỏi ra ngoài cơ thể qua đường tiểu hoặc đại tiện.

Bài thuốc ông Tô giới thiệu được bào chế từ 5 vị dược liệu căn bản với liều lượng cụ thể: Kim tiền thảo (35g), Kê nội kim (màng mề gà, 12g), Hải kim sa (còn gọi dây bòng bong,12g), Xa tiền tử (hạt mã đề,12g), Ngưu tất (cây cỏ xước,30g). Công dụng của từng loại như sau: Kim tiền thảo và màng mề gà có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi ở thận, bào mòn giúp dễ tiêu sạn, tán sỏi. Sở dĩ sử dụng lớp màng của mề gà bào chế thuốc bởi gà có thể ăn được sỏi nên mề của nó sẽ giúp dễ tiêu sạn trong cơ thể người. Dây bòng bong và hạt mã đề có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu và tăng lực. Riêng cây cỏ xước đảm nhận nhiệm vụ “tống tiễn” sỏi ra ngoài cơ thể, chống viêm thận.

Cách thức bào chế bài thuốc này khá đơn giản: Kim tiền thảo phải rửa thật sạch, phơi khô, sau đó loại bỏ tạp chất. Tương tự, màng mề gà cũng rửa sạch, phơi khô hoặc sao giòn rồi tán mịn. Những dược liệu còn lại cũng sơ chế bằng cách làm khô. Để tận dụng hết chất thuốc, mỗi thang như vậy có thể sắc lấy nước uống hai lần. Lần một, cho tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa ngập (chừng 1,5l) rồi đun cô cạn đến khi còn một chén là được. Mỗi ngày uống một lần vào buổi chiều.

Trong lần sắc thứ hai, đổ 0,5 lít sau đó đun sôi cô cạn còn hai chén, uống thành hai lần vào buổi sáng và buổi trưa. Chú ý khi sắc thuốc, màng mề gà và hạt mã đề phải được bọc vào túi vải.

Khi sắc thuốc xong, cần uống liền lúc nước thuốc còn ấm. Khi đun, thời gian đầu cho lửa lớn, càng về sau càng giảm lửa lại. Bằng kinh nghiệm nhiều năm, lương y Tô cho hay, thông thường bệnh nhân uống khoảng 10 thang thuốc là có thể đẩy được khối sỏi ra ngoài. Chú ý cần uống thuốc điều độ sau khi ăn cơm no. Trong quá trình trị liệu, cần chú ý bồi bổ cơ thể bởi thuốc tác động đến can thận, làm giảm thể lực.

Ưu việt của bài thuốc này theo lời của ông Tô là rất dễ tìm, cách thức bào chế đơn giản. Chỉ riêng màng mề gà hơi khó tìm, nhưng có thể mua ở các tiệm thuốc Nam. Ông còn khuyên thêm, người bị sỏi thận nên chú ý uống nhiều nước, tối thiểu 3 lít mỗi ngày; tránh ăn những thức ăn giàu canxi như: Ốc, tôm, cua; hoặc những thức ăn dễ gây sỏi niệu như lòng heo, cá khô, mắm. Về nguồn gốc bài thuốc, ông Tô cho biết đây là phương thuốc gia truyền của một danh y có tiếng ở Thừa Thiên - Huế cuối thế kỉ 19. Bố vợ ông là hậu duệ đời thứ 2 của vị danh y này và truyền lại cho con rể.

Chữa bệnh rụng tóc bằng cây vừng và lá liễu

Một bài thuốc khác ông Tô muốn chia sẻ là bài thuốc chống rụng tóc. Rụng tóc thuộc chứng bệnh khá phổ biến hiện nay. Có nhiều nguyên nhân gây ra như: Thiếu dinh dưỡng, căng thẳng trí óc; rụng tóc sau khi sinh đẻ hoặc do sử dụng hóa chất. Để chấm dứt tình trạng này, đã có bài thuốc chữa chữa trị hiệu nghiệm là dùng cây vừng (mè) và lá liễu.

Bài thuốc được bào chế cụ thể như sau: Cây vừng một nắm tay chừng 20g có tác dụng nhuận trường, bổ âm làm mát da đầu kết hợp với khoảng 20g lá liễu. Lá liễu có tác dụng sát trùng, kích thích quá trình mọc tóc. Trước tiên phải rửa thật sạch dược liệu sau đó cho vào ấm đun sôi chừng 10 phút. Tiếp theo, sử dụng nước thuốc này gội đầu hàng ngày, nên gội đầu bằng nước thuốc vào buổi trưa và trước lúc đi ngủ. Chú ý sau khi gội đầu xong để tóc tự khô rồi mới đi ngủ và duy trì khoảng 10 – 15 ngày mới bắt đầu cho hiệu quả. Trong quá trình chữa bệnh rụng tóc bằng bài thuốc trên, chú ý không chải tóc quá nhiều, khi ra nắng cần đội nón để hạn chế tóc tiếp xúc với tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. Việc sử dụng hoá chất để nhuộm, dùng keo vuốt cũng nên hạn chế tối đa.

Lương y Phan Tấn Tô từng là giáo viên dạy văn, nhờ có nhiều đóng góp trong ngành giáo dục, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Kể về cơ duyên đến với nghề thầy thuốc, ông cho biết hết sức tình cờ. Đầu năm 1970, ông Tô là bạn thân của người vợ bây giờ. Do thường xuyên lui tới nhà bạn chơi cộng với niềm đam mê nên ông được bố ruột của bạn gái (sau trở thành bố vợ) là một lương y tận tình chỉ dạy. Thế nhưng vị lương y này quyết không truyền nghề cho người ngoài. Thế là ông Tô quyết tâm “cưa” bằng được con gái của vị lương y này để trở thành người một nhà: “Nói thế chứ không hẳn cưới vợ hoàn toàn để cướp nghề. Bản thân tôi rất đam mê nghề y, lại có thời gian gần gũi nên hai người nảy sinh tình cảm, sau đó tiến tới hôn nhân”, thầy Tô nhìn vợ mỉm cười chia sẻ. Cũng từ đây, thầy giáo Tô gần như dành trọn thời gian cho nghề thuốc.

Nhớ lại quá khứ, lương y Tô kể rằng ngoài thời gian ban ngày đi dạy học từ sáng sớm phải tới nhà bố vợ tương lai học cách bắt mạch, bốc thuốc. Rồi những lúc rảnh rỗi, ông lại theo bố vợ lên rừng tìm kiếm cây thuốc: “Tuy đã là người một nhà nhưng bố vợ tôi kiểm tra rất nghiêm ngặt. Phải một thời gian lâu sau đó ông mới tin tưởng và truyền hết nghề cho tôi. Có lẽ vừa duyên kiếp và lòng đam mê nên tôi mới đến với nghề y”, ông Tô kể.

Tuy là vị lương y “đi đường ngang” nhưng thầy thuốc Phan Tấn Tô được biết đến là lương y giỏi chuyên môn và tâm huyết với nghề. Từ năm 2006 đến nay, dù tuổi đã cao nhưng thầy Tô vẫn vinh dự được hội y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế tín nhiệm giao phó đảm đương cương vị phó chủ tịch thường trực của hội. Vị lương y trăn trở, trong lúc cả nước đang thực hiện cuộc vận động: “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thì không có lý do gì để chúng ta không sử dụng những cây thuốc sẵn có trong thiên nhiên.