Lương tăng theo vùng từ 1/2/2013

Từ 1/2/2013, lương tối thiểu trong khối DN sẽ từ 1.650.000 đồng/tháng (vùng 4) tới 2.350.000 đồng/tháng (vùng 1).

Đó là điểm nổi bật trong Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động mà Chính phủ vừa ban hành, thay thế Nghị định 70/2011/NĐ-CP.

Theo đó, Nghị định quy định cụ thể: vùng 1 từ 2.000.000 đồng/tháng tăng lên 2.350.000 đồng/tháng; vùng 2 từ 1.780.000 đồng tăng/tháng lên 2.100.000 đồng/tháng; vùng 3 từ 1.550.000 đồng/tháng tăng lên 1.800.000 đồng/tháng, vùng 4 từ 1.400.000 đồng/tháng tăng lên 1.650.000 đồng/tháng.

Trong đó vùng 1 là lao động thuộc khu vực nội thành các TP trực thuộc TƯ như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…, vùng 4 là lao động thuộc các tỉnh vùng núi, vùng sâu, xa.

Ông Hoàng Minh Hào, Vụ phó Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐTBXH) khẳng định, mức lương tối thiểu vùng được tính toán trên cơ sở rổ hàng hóa và sức mua từng vùng, và là cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương bảo đảm mức tiền lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Với những lao động có nghề, Nghị định này cũng quy định rõ mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng và phải tăng theo thâm niên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Công nhân và công đoàn (Liên đoàn lao động VN) thì mức tăng lương tối thiểu mới vẫn thấp hơn mức lương thực trả hiện nay. Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng cho biết, năm 2012, Viện cũng tiến hành cuộc khảo sát về lương có quy mô lớn tại 60 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đại diện cho 4 vùng lương trong cả nước, và thực hiện 2.000 phiếu hỏi đối với người lao động (chủ yếu là đối tượng sản xuất).

Kết quả khảo sát cho thấy, mức lương cơ bản trung bình của người lao động là 2.430.000 đồng/tháng, trong đó vùng 1 là 2.770.000 đồng (bằng 139% mức lương tối thiểu). Xét về tổng thu nhập hằng tháng, khối doanh nghiệp Nhà nước đạt cao nhất với 4,5 triệu đồng/tháng, khối FDI là hơn 3,7 triệu đồng/tháng, dân doanh là 3,48 triệu đồng/tháng.

“Một số doanh nghiệp vẫn trả mức lương bằng lương tối thiểu, phần cao hơn là phụ cấp…; trong trường hợp quá khó khăn, không thể tăng thu nhập, doanh nghiệp có thể lách bằng cách tăng lương tối thiểu theo quy định nhưng giảm phụ cấp” - ông Điều nói.