Cho dù đã nhiều lần cải cách tiền lương, thế nhưng, hiện vẫn tồn tại vòng luẩn quẩn giá- lương - tiền. Hay nói theo một cách khác, chính sách tiền lương đang trong tình trạng “gọt chân cho vừa giầy”.
Bên cạnh đó, nguồn vốn dành cho chính sách tiền lương vẫn chưa được xác định rõ ràng, đây cũng chính là những khó khăn mà Bộ Nội vụ đang phải đối mặt khi xây dựng chương trình tổng thể về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013-2020.
Điều tra của Bộ Nội vụ, có đến 98% cán bộ, công chức cho rằng, mức lương tối thiểu thấp, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương.
Vòng luẩn quẩn của những lần cải cách tiền lương trước đây chính là chính sách tiền lương chính thức thấp, không đủ sống, nhưng thu nhập ngoài lương lại cao.
Thực trạng này dẫn đến hệ luỵ “tước đoạt để bù đắp tiền lương” trong khi thực thi công vụ của các cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, tiền lương chiếm một phần rất nhỏ trong thu nhập, nhưng ngân sách chi lại rất lớn vì một bộ máy công chức-viên chức quá cồng kềnh, nên dẫn đến hiện tượng “gọt chân cho vừa giầy”. Thực trạng này đã được nhìn thấy từ rất lâu, từ người hưởng lương đến các nhà quản lý đều bức xúc. Thế nhưng đây là một bài toán quá khó giải với các cơ quan chức năng.
Mới đây nhất, Bộ Nội vụ đã xây dựng đề án “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013-2020”. Đề án mà Bộ Nội vụ đưa ra về mặt lí thuyết đã đánh giá được tính cần thiết và cấp bách của đòi hỏi cải cách cơ bản, toàn diện chính sách tiền lương. Thế nhưng cần phải nhớ lại, tính cấp bách này đã được đề cập cách đây 20 năm. Cho đến nay, con đường để đi đến đích vẫn chưa có bước đột phá cơ bản.
Như vậy, nếu không nhìn nhận đúng bản chất vấn đề và không hành động thì 10 năm hay hơn thế nữa, chúng ta sẽ vẫn ở vạch xuất phát hôm nay.
Và, để công chức, viên chức được đãi ngộ đúng giá trị lao động của họ, phải gần như xóa bỏ chế độ tiền lương hiện hành để làm lại. Dứt khoát sẽ phải loại bỏ tình trạng nửa vời, lừng khừng và thoát khỏi mô hình bao cấp, chắp vá, nhỏ giọt như hiện nay.
Cần phải xác định trả lương cho công chức là đầu tư cho phát triển. Thể chế hoá đúng, đầy đủ tinh thần các quan điểm của Đảng về cải cách tiền lương, đặc biệt quan điểm coi việc trả lương đúng cho nguời lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Nguồn vốn cho tiền lương công chức phải được chú trọng và thực sự đổi mới theo hướng huy động các nguồn vốn từ bên ngoài. Tiếc rằng, về nguyên tắc, trong dự thảo mới đây, Bộ Nội vụ vẫn đưa cơ cấu chi cho các khoản lương là từ ngân sách nhà nước. Cuộc cách mạng về nguồn vốn vẫn chưa ghi được điểm trong cải cách lần này.
Nhìn sang các nước khác như Singgapore hay Thái Lan, Chính phủ các nước này đã mạnh dạn vay từ các nguồn vốn khác để chi cho tiền lương. Đồng lãi cho khoản vay chưa có hiệu quả tức thì. Nhưng xét về lâu dài, đây là lĩnh vực đầu tư, góp phần tạo dựng những nền tảng cho phát triển của cả quốc gia trong tương lai.
Vậy nên, theo các chuyên gia, việc tạo nguồn cần phải rà soát chi tiêu công tránh lãng phí. Kiên quyết dành tỉ lệ thích đáng ngân sách cho cải cách tiền lương, cân đối các khoản đầu tư để điểu chỉnh. Đặc biệt, có thể tính đến việc sử dụng thêm vốn vay ưu đãi ODA cho cải cách tiền lương.
Một vấn đề nữa là cải cách lương phải đi đôi với tinh giản bộ máy, làm cho bộ máy có hiệu lực, hiệu quả mà lại gọn nhẹ. Quá trình này sẽ dân đến một sự thành lọc những người thừa, không làm được việc, năng lực phẩm chất yếu kém…
Cho đến nay, những giải pháp vẫn liên tục được đưa ra. Người hưởng lương vẫn hy vọng và chờ đợi. Nhưng câu hỏi: Làm như thế nào và đến bao giờ chúng ta có một chế độ lương công chức khoa học và hợp lý? Có lẽ đến nay, chưa một ai hoặc cơ quan nào có thể trả lời được một cách chính xác.