Luật 'lọt khe' quy định tước vương miện hoa hậu

Sai phạm của Hoa hậu Diễm Hương đã khiến cho công chúng quan tâm và chú ý đến quy định về tước vương niệm của hoa hậu.

Sai phạm của Hoa hậu Diễm Hương đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn kết luận tại Công văn số 131/NTBD-PQL: “Ngày 7/3/2014, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thu thập được tài liệu chứng minh bà Lưu Thị Diễm Hương đã Đăng ký kết hôn trước thời điểm làm hồ sơ tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2012 không trung thực khi kê khai với các cơ quan quản lý nhà nước, việc làm này thể hiện sự cố ý không tuân thủ quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức của người hoạt động nghệ thuật”.

Kết luận như thế, tuy nhiên xử lý sai phạm này như thế nào, có tước vương miện hoa hậu Thế giới Người Việt 2010 đã trao cho cá nhân này hay không, thì “quả bóng trách nhiệm” đang được đá qua đá lại. Cục Nghệ thuật biểu diễn “nhường” quyền xử lý cho Ban tổ chức cuộc thi với lý do Ban tổ chức “có trách nhiệm đề xuất, xin ý kiến cơ quan cấp phép trước khi xử lý vi phạm của thí sinh đoạt giải”. Còn Ban tổ chức không dám quyết vì tìm không thấy quy định pháp luật để xử lý, nên tiếp tục xin ý kiến xử lý. Nhìn nhận và lý giải ra sao về tình huống này dưới góc độ pháp lý? Thạc sỹ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam) sẽ trò chuyện cùng bạn đọc.

Thưa ông, chủ đề đang “nóng” hiện nay là tước hay không danh hiệu hoa hậu Thế giới người Việt 2010 của Diễm Hương. Vậy cuộc thi hoa hậu Thế giới người Việt được luật nước ta điều chỉnh như thế nào?

- Cuộc thi này được xếp vào dạng cuộc thi người đẹp. Khoản 4 Điều 2 Nghị định 79/2012/NĐ-CP định nghĩa: “Thi người đẹp là hoạt động văn hoá nhằm tuyển chọn người phụ nữ có đạo đức tốt, có hình thể cân đối, có khuôn mặt đẹp, hiểu biết về văn hoá, xã hội theo những tiêu chí nhất định để trao giải”.

Một cuộc thi người đẹp khi được tổ chức phải làm thủ tục xin cấp phép. Khoản 1 Điều 21 Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định thủ tục cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp như sau:

“Tổ chức đề nghị cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ gồm:

a) 1 đơn đề nghị cấp giấy phép tổ chức cuộc thi;

b) 1 đề án tổ chức cuộc thi, trong đó nêu rõ: Thể lệ cuộc thi, quy chế hoạt động của Ban tổ chức, Ban giám khảo;

c) 1 văn bản đồng ý của UBND cấp tỉnh, nơi dự định tổ chức;

d) 1 bản sao chứng thực hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận giữa tổ chức Việt Nam với tổ chức nước ngoài (bản dịch tiếng Việt có chứng nhận của công ty dịch thuật, đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam).

Điều kiện thí sinh dự thi người đẹp trong nước?

- a) Là nữ công dân Việt Nam, từ đủ mười tám tuổi trở lên, có vẻ đẹp tự nhiên;

b) Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;

c) Không có tiền án; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi do Ban tổ chức quy định.

Những quy định cấm dành cho thí sinh tham dự cuộc thi người đẹp?

- Thí sinh tham dự cuộc thi người đẹp bị cấm các hành vi sau:

- Thay đổi nội dung, thêm động tác diễn xuất khác với nội dung đã được phép biểu diễn;

- Sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

- Thực hiện hành vi thiếu văn hóa hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.

Ban tổ chức cuộc thi cho rằng không có căn cứ tước danh hiệu hoa hậu của Diễm Hương do không có văn bản nào của Nhà nước quy định cụ thể. Có đúng như vậy?

- Đúng là như vậy. Trước đây, chỉ có duy nhất một quy định tại Khoản 5 Điều 11 Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp (ban hành kèm theo Quyết định 87/2008/ QĐ-BVHTTDL); theo đó, trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là “Tước danh hiệu Hoa hậu của thí sinh đạt giải khi thí sinh vi phạm quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật khác có liên quan, gây hậu quả xấu”.

Tuy nhiên, Quy chế này đã hết hiệu lực khi bị Nghị định 79/2012/NĐ-CP bãi bỏ kể từ ngày 1/1/2013. Mà Nghị định 79/2012/ NĐ-CP lại không có bất cứ quy định nào về việc tước danh hiệu Hoa hậu.

Nhưng về phía Cục NTBD đã đề nghị đơn vị tổ chức “đề xuất hình thức xử lý nghiêm khắc” với Lưu Thị Diễm Hương?

- Lý do vì chính đề án tổ chức cuộc thi đã được phê duyệt cũng thiếu nốt quy định cụ thể các hình thức kỷ luật mà Ban tổ chức cuộc thi được quyền áp dụng khi có thí sinh vi phạm.

Việc thiếu quy định cụ thể các hình thức kỷ luật mà Ban tổ chức cuộc thi được quyền áp dụng khi có thí sinh vi phạm trong đề án tổ chức bắt nguồn từ nguyên nhân nào?

- Do lỗi chủ quan của Ban tổ chức khi không dự định được tình huống phát sinh thí sinh sẽ vi phạm quy chế. Thế nên đề án không có mục xử lý thi sinh vi phạm.

Vậy những nội dung bắt buộc nào phải có trong đề án tổ chức cuộc thi người đẹp theo quy định của pháp luật hiện hành?

- Điều 7 Thông tư 03/2013/TT-BVHTTDL quy định: “Đề án tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP gồm các nội dung sau:

1. Tên cuộc thi thể hiện bằng tiếng Việt (Trường hợp tên cuộc thi có sử dụng tiếng nước ngoài thì viết tên bằng tiếng Việt trước, tên nước ngoài sau).

2. Mục đích, ý nghĩa của cuộc thi.

3. Thể lệ cuộc thi quy định rõ điều kiện, tiêu chí của thí sinh dự thi.

4. Nội dung, trình tự tổ chức, thời gian và địa điểm tổ chức cuộc thi.

5. Danh hiệu, cơ cấu giải thưởng, giá trị giải thưởng và thời gian trao giải.

6. Trách nhiệm và quyền lợi của người tổ chức, thí sinh dự thi và thí sinh đạt giải.

7. Dự kiến thành phần Ban Chỉ đạo.

8. Dự kiến danh sách Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và Quy chế hoạt động.

9. Dự kiến kinh phí tổ chức cuộc thi.

10. Đơn đăng ký dự thi của thí sinh (Mẫu 03)”.

Các nước trên thế giới đã xử lý hành vi khai man hồ sơ dự thi của hoa hậu như thế nào?

- Tương tự sai phạm của Hoa hậu Diễm Hương, các nước đã xử lý nghiêm và tước vương miện. Hoa hậu Dominican 2012 là Carlina Dura đã bị bị tước vương miện và quyền tham dự Hoa hậu Hoàn vũ vì bị phát hiện đã kết hôn.

. Để tránh giải quyết triệt để vướng mắc không có quy định xử lý các thí sinh dự các cuộc thi sắc đẹp, trách nhiệm này thuộc cơ quan nào?

- Căn cứ Điểm c Khoản 7 Điều 2 Nghị định 76/2013/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là “Quy định về tổ chức hoạt động thi hoa hậu, người đẹp, người mẫu” thì Bộ sẽ phải có trách nhiệm ban hành hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý các thí sinh vi phạm cũng như trường hợp nào sẽ tước danh hiệu trong các cuộc thi người đẹp.

 

. Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.