Đằng sau đó là những câu chuyện kinh hoàng mà quá trình thâm nhập PV đã từng bước lần ra manh mối.
Tự tạo cho mình một thế giới ngầm, trong đó, các nhóm "cát tặc" đặt ra đủ "luật lệ" riêng để thực hiện rút ruột các dòng sông một cách chuyên nghiệp và tàn bạo nhất. Thậm chí, ngay cả những công cụ kiếm tiền phi pháp như chiếc tàu hút không số, chỉ cần nhìn chúng có thể nhận biết được đó là tàu của nhóm nào và phải "hành xử" ra sao với nó. Thế giới này không có quy luật, mọi sự sắp xếp đều theo những luật ngầm rất đặc biệt..
Những thế lực cạnh tranh với... Hà Bá
Theo những chỉ dẫn và nhiều lần tìm cách đặt mối liên hệ, chúng tôi cũng có thể xuống tàu theo chân đội quân chở cát thuê. Chuyến đi này có Chung "Bảy", một lái cát nhiều kinh nghiệm và một đệ tử của Chung là Sơn "điếu". Sơn "điếu" là một trong những "thủy thủ" nhiều năm, Sơn thuộc nhiều "ngón nghề" sông nước. Hắn được ví như một con rái cá trên sông. Năm 2004, Sơn bắt đầu theo tàu chở vật liệu xây dựng, đến khi tàu cát vừa kiếm ăn được, vừa mang lại nhiều lợi nhuận, Sơn đi theo Chung "Bảy". Sơn thừa nhận: "Từ đó, tôi mới có nhà, có xe và "tậu" được một cô vợ đúng nghĩa".
Nhiều năm làm nghề sông nước, đi lại trên sông nhiều, Sơn "điếu" tỏ ra là người hiểu “luật giang hồ sông”: "Ở đâu cũng vậy, người ta bảo, đất có thổ công, sông có hà bá. "Luật giang hồ nước" nghiệt ngã hơn "luật giang hồ cạn" rất nhiều. Bởi nếu xử nhau, chỉ cần "đưa nhau" xuống dòng sông lạnh, làm mồi cho hà bá là những kẻ chống đối lại những thế lực mạnh hơn sẽ không còn cơ hội sống, cơ hội chống. Từ những năm 2005 trở lại đây, việc khai thác càng đem lại lợi nhuận lớn, cùng với các loại máy móc ngày càng hiện đại nhiều dòng sông hung dữ trở thành có giá, được nhiều kẻ nhòm ngó. Các loại "tàu, thuyền không số" đua nhau hoạt động trên các mặt sông.
Nhiều "thuyền trưởng tàu, thuyền không số", không cần đào tạo bài bản, mà chủ yếu lái bằng... kinh nghiệm, ngang nhiên lưu hành trên các tuyến sông. Với những "thuyền trưởng" có bằng lái cẩn thận như Sơn "điếu" có lẽ, đếm trên các đầu ngón tay. Thực tế, khi chúng tôi tiến hành khảo sát một số đoạn trên sông Hồng, hàng chục lượt tàu qua lại, chở cát là chủ yếu. Những loại tàu này đúng như Sơn "điếu" kết luận: "Các loại tàu không số hiệu vẫn ngang nhiên hoạt động trên sông. Chiếc tàu, xà lan nào cũng chực chìm xuống dòng sông bởi chúng chở cát quá tải".
Sơn “điếu” cho biết: "Các loại thuyền không số này được hoạt động theo những quy luật nhất định. Chúng chạy theo đơn đặt hàng của những ông chủ và không có hành trình cụ thể. Đặc biệt, không chở lẫn bất kỳ thứ gì khác ngoài cát". Sơn "điếu" giải thích thêm: "Những con tàu này thường do các chủ thầu xây dựng "nuôi". Chúng sẽ chuyên chở từng loại hàng cát đen. Hầu hết những loại tàu này đều được tận dụng theo từng ông chủ. Tàu, thuyền không có số, bởi không cần phải đăng kiểm. Quá trình hoạt động, có vướng mắc gì, các "thầy" - ông chủ, sẽ can thiệp nhanh gọn để không mất thời gian giao và chuyển hàng”.
Thực tế, nhìn trên các con sông ở miền Bắc, dọc các địa bàn Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc..., dễ nhận thấy, ở đâu cũng "thi nhau" chở quá tải, bất kể sông lớn hay sông bé. Tàu càng to, mức độ chở quá tải càng lớn. Từ tàu chở than, xi măng, phân bón, đến chở cát, sỏi, đá... thậm chí cả chở người (đò ngang), chẳng có chiếc nào hở mạn khô (phần thân tàu trên vạch kẻ mức trọng tải cho phép). Quá tải gây nên tình trạng "tứ mùa mất an toàn", thế nhưng, vì hám lợi nên các chủ phương tiện chẳng hề quan tâm đến nguy cơ mất an toàn luôn treo lơ lửng trước mũi tàu.
Cuộc chiến pháp lý và cuộc đào thoát trên sông
Đối với những kẻ tham gia khai thác cát trái phép, chúng luôn coi mình có một thế giới riêng. Cả Chung "Bảy" và Sơn "điếu" đều khẳng định như vậy. Thực tế, qua quá trình khảo sát, chúng tôi đều nhận thấy hoạt động khai thác trên các vùng sông Hồng luôn khai thác tràn lan, vô tội vạ song chính quyền dường như không có những động thái tích cực để ngăn cản. Một trong những chủ bãi cát, bạn kinh doanh với Chung "Bảy" cho chúng tôi biết về những bí mật trên mặt nước. "Sông ngòi hầu như được dùng làm ranh giới để chia các địa phương khác nhau. Do đó, hoạt động của các nhóm khai thác thường thuộc các địa bàn giáp ranh giữa địa phương này với địa phương khác. Nếu gặp trở ngại gì về phía chính quyền, tàu hút hoặc chở cát chỉ cần xuôi dòng một chút, ra khỏi địa phận là không vấn đề gì. Thậm chí, chỉ cần nhấc vòi hút lên là chính quyền khó có thể xử lý được".
Nếu cơ quan chức năng đuổi, các chủ tàu sẽ nhấc vòi lên và tẩu thoát
Đây cũng chính là phương thức mà nhóm Toàn "cụt" (tức Vũ Anh Toàn, SN 1976) nhằm qua mặt chính quyền địa phương, làm ăn bất chính trên sông Hồng tại địa phận các xã Vân Nam, Vân Phúc và Vân Hà (Phúc Thọ, Hà Nội). Thậm chí, vị trưởng Công an xã Vân Nam, Bùi Quốc Tuấn thừa nhận với chúng tôi: "Chúng tôi gặp rất nhiều bất lợi, ngoài chức năng quyền hạn thì địa lý, địa điểm khai thác cát cũng là một vật cản lớn cho việc ngăn chặn".
Theo đó, vị trí mà Toàn "cụt" chỉ đạo đàn em khai thác cát trái phép nằm giáp ranh giữa hai xã Vân Nam của huyện Phúc Thọ và xã Hồng Châu, của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc nên khi thấy bóng dáng công an xuất hiện, chúng lập tức thu dọn phương tiện, di chuyển sang phía xã Hồng Châu. "Có lần, chúng tôi vây bắt tàu khai thác cát trái phép, vấp phải sự phản đối của các nhóm đối tượng. Bởi, chúng cho rằng, nơi đang khai thác cát là địa phận của xã Hồng Châu. Không chỉ có thế, lực lượng công an của địa phương đó cũng cho rằng, đây là đất của họ và cho phép được khai thác cát", vị trưởng Công an xã Vân Nam dẫn chứng.
Thực tế tại nhiều địa phương, hoạt động khai thác cát tràn lan, vô tội vạ, song chính quyền địa phương dường như không có động thái tích cực để ngăn cản. Đơn cử như nạn khai thác cát ở khu vực sông Hồng trên địa bàn giáp ranh với Hưng Yên và Hà Nội. "Cát tặc" không chỉ khai thác cát trái phép dưới sông thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, mà lấn dần về phía Hà Nội. Đây là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ sạt lở thềm sông, bãi sông Hồng thời gian qua, đe dọa kè Cát Bi - một trong những kè trọng điểm quốc gia. Rất nhiều người dân bức xúc về việc mình bị mất ruộng đất, cây cối hoa màu, do ảnh hưởng nghiêm trọng từ khai thác cát trái phép dưới lòng sông Hồng...
Trên dọc các tuyến sông chính tại các khu vực khác nhau của miền Bắc, chúng tôi đều nhận thấy vẫn còn tình trạng phương tiện chở quá tải trọng cho phép làm vương vãi cát đen trên mặt đê, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Phía dưới thềm sông, bãi sông, vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc chất cao như núi nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ.