Loại rau mọc đầy bờ rào ở Việt Nam lại là thuốc quý sử dụng ở nhiều nước trên thế giới
Thứ hai, 08/11/2021 18:00

Được biết đến như thứ rau gia vị ăn kèm, lá mơ lông còn là vị thuốc quý rất tốt cho dạ dày.

LÁ MƠ LÔNG - THUỐC QUÝ ÍT NGƯỜI ĐỂ Ý

Đại tá Lương Y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông Y Ba Đình (Hà Nội), cho hay lá mơ lông vừa là rau ăn gia vị, vừa là vị thuốc nam quý hỗ trợ chữa nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh về dạ dày.

Lá mơ lông có tên khác là mơ tam thể, lá thúi địch (cách gọi của Trung Quốc), là một loại dây leo, dễ trồng dễ mọc, lá mọc đối, hình trứng, hai mặt có nhiều lông mịn, lá có màu tím nhạt, hoa màu tím. Cây dễ nhận biết vì có mùi khá khó chịu.

Theo y học cổ truyền, mơ lông có vị đắng mát. Tác dụng kiện tỳ, hóa thấp thanh nhiệt, sát trùng, tiêu viêm, hóa đàm, khu phong.

Sách Dược tính chỉ nam có ghi lá mơ lông có vị ngọt bùi, hơi cay không độc, công hiệu bổ được hư lao, bổ trung ích khí, ích tinh, sát trùng, ích vị, bền chắc ruột già. Công dụng là chữa chứng đau bụng đi ngoài, dùng nước cốt bôi đắp chỗ sưng đau, hoặc chỗ sâu bọ cắn đều tốt.

"Lá mơ lông là một trong 16 loại cây thuốc nam được sử dụng trong nhà làm thuốc hiệu quả. Ở Ấn Độ, lá mơ được dùng làm thuốc chữa tê thấp. Tại Philippine lá mơ lông được sử dụng chữa sỏi thận và bí tiểu tiện. Ở Malaysia, người dân còn dùng mơ lông để làm mát máu, giảm đau, kích thích sự ngon miệng, thèm ăn", Lương Y Hồng Minh nói.

Loại rau mọc đầy bờ rào ở Việt Nam lại là thuốc quý sử dụng ở nhiều nước trên thế giới - Ảnh 1.

Lá mơ lông là thuốc quý chữa nhiều bệnh - Ảnh minh hoạ.

Theo Lương Y Hồng Minh, lá mơ lông có mùi tinh dầu hăng. Mùi hăng này còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Các hoạt chất có trong lá mơ lông có công dụng rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Mơ lông có tác dụng mạnh trên ký sinh trùng đường ruột, dân gian thường dùng chữa lỵ trực trùng, giun đũa, giun kim.

Đối với người có vấn đề về trực tràng, lỵ ra máu, lòi dom, dùng lá mơ lông 30-50 gram nấu với trứng gà (rán hoặc hấp) ăn trong 1 tuần sẽ đỡ. Đối với người phong thấp đau khớp, mơ lông cả dây phơi khô 30-40g, sắc nước uống.

Ngoài ra, lá mơ lông còn có tác dụng bổ dưỡng cho cơ thể. Trẻ em suy dinh dưỡng có thể dùng lá mơ băm viên với thịt, cá, cho ăn thường xuyên.

AI KHÔNG NÊN DÙNG LÁ MƠ LÔNG?

Trong Đông y, viêm đau dạ dày có nhiều nguyên và nhân thể khác nhau, ví dụ thể tỳ vị hư hàn: đi ngoài phân lỏng, nát, đan bụng; thể tỳ vị nhiệt: bụng cồn cào, nóng, ăn nhanh đói, ợ hơ, táo bón; thể ứ huyết: các mao mạch xung quanh dạ dày khí tắc huyết tắc gây đau.

Lá mơ lông sẽ có tác dụng chữa đau dạ dày ở thể tỳ vị, hư hàn hoặc đau bụng do ăn phải thức ăn ôi thiu. Người bệnh có thể kết hợp sắc uống hoặc dùng la rau sam, rau mơ luộc ăn như rau, ăn cả lá và uống nước. Hoặc người đau dạ dày dùng lá mơ tươi khoảng 50g, sắc nước uống nhiều.

Lương Y Bùi Hồng Minh cho biết dựa vào việc nuôi dưỡng dạ dày của lá mơ lông, tại phòng khám ông làm đã dùng 50g lá mơ lông, nước dừa tươi xay sinh tố. Loại nước dịch này hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng trong quá trình điều trị.

Theo Lương Y Bùi Hồng Minh, lá mơ lông không có tính độc, tuy nhiên không phải trường hợp nào dùng cũng có tác dụng. Các bài thuốc của lá mơ lông chủ yếu có sự kết hợp với trứng gà và gia giảm theo từng chỉ định của thầy thuốc Đông Y.

Bên cạnh đó, người đại nhiệt không nên dùng lá mơ lông. Nếu dùng làm thuốc chữa bệnh cần phải có sự tư vấn của thầy thuốc.

Lưu ý khi dùng lá mơ lông: Cần phải rửa sạch, ngâm qua nước muỗi loãng để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn có trên bề mặt lá; chỉ dùng loại lá biết rõ nguồn gốc xuất xứ để ăn và chữa bệnh.

Doanhnghieptiepthi.vn

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/loai-rau-moc-day-bo-rao-o-viet-nam-lai-la-thuoc-quy-su-dung-o-nhieu-nu.. Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/loai-rau-moc-day-bo-rao-o-viet-nam-lai-la-thuoc-quy-su-dung-o-nhieu-nuoc-tren-the-gioi-161210811170515085.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: lá mơ lông , bệnh dạ dày , chăm sóc sức khỏe