Lo ngại giá sữa vẫn còn tăng sau lệnh áp trần

Từ ngày 1/6/2014, theo Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ áp giá trần.

Đây là lần đầu tiên, một điều tưởng chừng như không thể xảy ra trên thị trường, một nhóm hàng như sữa trẻ em đã được cơ quan quản lý áp dụng khá mạnh tay. Theo ghi nhận, có loại sữa bị khống chế giảm tới 38% so với giá hiện tại, cách biệt lên đến gần 150.000 đồng/hộp. Về lý thuyết, đủ thấy người tiêu dùng lâu nay đã phải cõng những chi phí, cũng tức là những khoản lợi nhuận kếch xù lẫn các chi phí “bôi trơn”, mà các hãng sữa đã từng thực hiện.

Theo khảo sát của các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, chỉ riêng từ năm 2009 đến năm 2012, sữa bột trẻ em đã trải qua 17 lần tăng giá, với mức tăng trung bình 30%/năm. Giá sữa năm 2012 đã tăng cao gấp đôi so với giá sữa năm 2009. Bởi vậy, các chuyên gia nhìn nhận, đây là động thái rất đáng ghi nhận và hoan nghênh sự cố gắng của cơ quan quản lý nhà nước.

Thế nhưng, vết hằn của thị trường vẫn cho thấy, dù người tiêu dùng có quyền hy vọng, song kết quả đến đâu còn phải chờ thời gian khi còn quá sớm để đánh giá là quy định giá trần sẽ đi vào cuộc sống hay không. Vấn đề là ở chỗ, tư duy và thói quen “cắt khúc” của các cơ quan quản lý có thể là cái cớ để các doanh nghiệp sữa tìm đủ mọi cách để lách luật với mục tiêu là đẩy chính sách trở lại điểm xuất phát ban đầu. Hay như một chuyên gia ví von, chính sách có thể thiết kế rất hay nhưng sự quay về “mo” cũng không còn là chuyện lạ.

Theo hướng tiếp cận này thì các chuyên gia thị trường nhìn nhận, quyết định áp giá trần mặt hàng sữa của Bộ Tài chính có đi được vào cuộc sống hay không còn được quyết định bởi hàng ngàn cửa hiệu bán lẻ, vốn là những chân rết đã hưởng nhiều lợi lộc của các hãng sữa bấy lâu nay.