Liên tiếp trong thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt vụ nữ sinh bị mất tích, xâm hại đang khiến dư luận xôn xao. Các nữ sinh mất tích đều được đánh giá là ngoan. Chuyên gia tâm lý thì cho rằng, phụ huynh càng không nên chủ quan khi thấy con… ngoan.
Dễ bị rủ rê, dụ dỗ
Điển hình là vụ hai nữ sinh cùng quê ở TX Đông Triều, Quảng Ninh, một học Trường cao đẳng sư phạm Trung ương (CĐSPTƯ) (Hà Nội), một học ở Trường THTP Hoàng Hoa Thám (TX Đông Triều) mất liên lạc thời gian dài như Báo GĐ&XH đã phản ánh. Điểm chung của các vụ việc này là những nữ sinh mất tích đều đang ở độ tuổi mới lớn. Nữ sinh Đỗ Thị Hằng, Trường CĐSPTƯ năm nay tròn 20 tuổi (sinh năm 1995) và nữ sinh Nguyễn Thị Loan, Trường THTP Hoàng Hoa Thám năm nay 16 tuổi (sinh năm 1999). Khi đọc thông tin về các vụ mất tích này, nhiều độc giả Báo GĐ&XH cho rằng, đây là những độ tuổi mà các nữ sinh, học sinh dễ bị dụ dỗ, dễ rơi vào những cám dỗ mà chính người trong cuộc không thể ngờ tới.
Thông tin từ nhà trường cho thấy các nữ sinh Hằng, Loan
đều là học sinh ngoan. Ảnh: facebook
Từ thông tin do gia đình, nhà trường, bạn bè, người thân của các nữ sinh nêu trên cung cấp cho thấy vụ việc mất tích của các em có nhiều điểm khác biệt so với thường lệ. Các giáo viên Trường CĐSPTƯ khẳng định, nữ sinh Đỗ Thị Hằng chăm ngoan, hiền hậu và không bao giờ bỏ học. Còn Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TX Đông Triều, bà Vũ Thị Thu Huyền thì khẳng định với PV Báo GĐ&XH, em Loan là học sinh hạnh kiểm tốt, chưa từng gây gổ, xích mích, tính tình thật thà, tin người. Lãnh đạo nhà trường này đã tỏ rõ sự ngạc nhiên khi nữ sinh Loan tham gia đánh nhau ngày 13/8 sau đó buộc nhà trường phải cho nghỉ học để làm kiểm điểm.
Điểm chung thứ hai của hai vụ việc mất tích đó chính là sự xuất hiện hai người “đàn ông lạ mặt” với tần suất liên hệ khá dày đặc với hai nữ sinh mất tích qua điện thoại, Facebook. Trong vụ nữ sinh Nguyễn Thị Loan học lớp 11 mất tích, bà Lê Thị Hường, mẹ nữ sinh này cho biết, trước thời điểm mất liên lạc, Loan có quen một người đàn ông tên Hùng qua Facebook. “Chính anh này là Loan điện thoại nhiều nhất” – bà Hường khẳng định. Còn trong vụ việc mất tích của nữ sinh Đỗ Thị Hằng thì người đàn ông lạ mặt chính là người sở hữu số điện thoại thường xuyên xuất hiện cuộc gọi đến, gọi đi với nữ sinh Hằng. Đây cũng chính là số điện thoại mà từ số di động của nữ sinh Hằng xuất phát cuộc gọi đi cuối cùng vào hồi 22h ngày 22/7 tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, Lào Cai như Báo GĐ&XH đã phản ánh.
Phụ huynh không nên lơ là
Ngoài hai vụ việc mà Báo GĐ&XH đang phản ánh thì mới đây, ngày 7/9, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt Nguyễn Minh Quang (22 tuổi) mức án 18 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Từ thông tin phiên tòa cho thấy, cuối tháng 4/2014 Quang đến siêu thị tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa) chơi, gặp 3 bé gái ngồi ở ghế đá, trong số này thấy bé L (13 tuổi) xinh xắn, xung quanh không có người lớn. Quang đã tiếp cận làm quen, nhờ L cùng vào siêu thị lấy xe đạp điện, bé gái L tưởng thật đã đi theo. Lấy xe xong, Quang chở L tới rẫy đất rộng có mương nước vắng người sau đó khống chế, trói L và dọa giết. Thực hiện xong hành vi đồi bại, Quang chở L đến đoạn đường có ánh đèn thả xuống, người dân phát hiện L, đưa về nhà. Sau đó bố mẹ L đã trình báo công an và lực lượng chức năng đã đưa vụ việc ra ánh sáng.
Từ các vụ việc liên quan đến các nữ sinh… ngoan nêu trên, chuyên gia tâm lý đã chỉ ra không ít vấn đề mà phụ huynh có con trong độ tuổi mới lớn cần lưu ý. Thạc sỹ Trần Đăng Thảo, Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật (TP HCM) cho rằng, với nữ sinh tuổi dưới 20 nằm trong nhóm tuổi mới lớn. Tuổi này các em rất muốn tự khẳng định bản thân. Vì vậy, khi đối mặt với các xích mích nhỏ trong cuộc sống, gia đình, học tập thì các em thường chọn phương án cực đoan là bỏ nhà đi cho… bõ tức. Khi trẻ xa gia đình thì dễ rơi vào những “cạm bẫy” có ý đồ của các đối tượng xấu xung quanh. Không có sự bao bọc, che chở của gia đình, chưa đủ khả năng tự vệ nên trẻ dễ bị mất phương hướng, bị xâm hại. Trả lời câu hỏi tại sao những tai nạn trên thường xuất hiện ở trẻ nữ nằm trong độ tuổi dưới 20, thạc sỹ Thảo cho rằng, ở tuổi này các em đã bắt đầu có các mối quan hệ xã hội rộng hơn, vượt tầm các mối quan hệ gia đình, bạn bè đơn thuần, từ đó cũng đối mặt cạm bẫy nhiều hơn.
Về khía cạnh những sự cố khó lường lại rơi vào các nữ sinh được đánh giá là ngoan, chuyên gia tâm lý Đăng Thảo nhận định, có thể các bậc phụ huynh đã lơ là trong quản lý con cái. Thấy con ngoan nên xuất hiện tâm lý chủ quan. Lời khuyên mà chuyên gia tâm lý này dành cho phụ huynh là luôn để ý tới các mối quan hệ của con. Đặc biệt là những mối quan hệ trên mạng xã hội. Tránh tạo ra những xung đột căng thẳng khiến trẻ có những phản ứng tiêu cực như bỏ nhà ra đi.
Từ việc nắm bắt được các mối quan hệ, diễn biến tâm lý của con, phụ huynh có thể sớm can thiệp nhằm giúp con tránh được các cạm bẫy mà bản thân con trẻ không lường được. Ngoài ra, phụ huynh cần sớm trang bị cho con trẻ những kỹ năng mềm để giúp trẻ nhận biết, phòng ngừa, né tránh hoặc thoát hiểm trong những tình huống xấu phải đối diện.
Thạc sỹ Trần Đăng Thảo, Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật (TPHCM)