Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được tổ chức như thế nào?

Được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, nhiều người đang chờ đợi, thậm chí thể hiện yêu cầu, mong muốn Đảng và Nhà nước tổ chức Quốc tang cho Đại tướng.

Theo nội dung của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 17/12/2012 về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức, ngoài các chức danh được tổ chức lễ Quốc tang như: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch quốc hội, thì Bộ Chính trị còn quyết định việc tổ chức lễ Quốc tang cho các cán bộ cao cấp khác, có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế.

Vậy theo quy định này thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đủ điều kiện để Bộ Chính trị xem xét quyết định.

Chiều 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam đã từ trần vào lúc 18h08, hưởng thọ 103 tuổi.

Đại tướng qua đời tại Bệnh viện Quân Y 108 (Hà Nội), nơi Đại tướng được chăm sóc trong thời gian qua.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đại tướng vốn là một thầy giáo dạy sử đã trở thành "người anh cả" của lực lượng vũ trang Việt Nam, là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng cho biết trung ương sẽ sớm có thông báo chính thức và khẳng định tang lễ Đại tướng sẽ được tổ chức trang trọng với nghi lễ quốc gia đặc biệt.Đại tướng qua đời chiều ngày 4/10, tại bệnh viện Quân y 108 nơi ông nằm điều trị từ năm 2009. Mới cách đây hơn một tháng, Đại tướng bước qua tuổi 103.

Điều 5. Chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang

1. Cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang:

a) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

b) Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

d) Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế.

Điều 21. Chức danh được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước

1. Cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước:

a) Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

b) Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

d) Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

e) Chánh án Toà án nhân dân tối cao;

g) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

h) Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân;

i) Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân là cán bộ hoạt động cách mạng trước Tháng 8 năm 1945.

(Nghị định 105/NĐ-CP 2012)