Trong một ví dụ mới nhất, hồi tháng 5 vừa qua, khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh đã huy động hơn 70 tàu cá làm thành vòng ngoài bảo vệ hoạt động trái phép của giàn khoan 981, đồng thời cản phá, quấy rối lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.
Sam Tangredi - tác giả cuốn sách “Anti-Access Warfare” (tạm dịch là Chiến pháp chống xâm nhập) bình luận: “Tàu cá là một công cụ tuyệt vời cho giới chức Trung Quốc, nơi mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất đều đặt dưới sự kiểm soát của họ”.
Đối với Bắc Kinh, điều động các tàu cá đến các khu vực tranh chấp, thậm chí không có tranh chấp, sử dụng ngư dân và tàu cá như một hàng rào ngăn cản tàu hải quân hoặc tàu công vụ nước khác vừa không tạo ra một hình ảnh truyền thông tiêu cực như dùng tàu chiến, vừa lại có thể gây sự, kiếm cớ ăn vạ.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Cheng Bin ở Quỹ Herritage (Mỹ), thủ đoạn nham hiểm này của Bắc Kinh đã đặt Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Hải quân Mỹ vào một tình thế khó khăn. Làm thế nào xử lý được những đối tượng mang danh nghĩa dân sự này? Chỉ cần động chân, động tay một chút là có thể bị đối phương lu loa lên rằng bạn đã “tấn công dân thường”. Nhưng không làm gì thì tức là mặc nhiên thừa nhận mất kiểm soát hành chính, cũng như mất chủ quyền vào tay Trung Quốc.
“Một khía cạnh cơ bản của thủ đoạn này là Trung Quốc đang tạo ra những lựa chọn khó chịu, tạo ra sự đối kháng buộc đối phương phải rút lui để tránh bị Bắc Kinh kéo vào một sự vu vạ, điều này đồng nghĩa với một chiến thắng hiệu quả cho Trung Quốc” - ông Cheng nhận định.
Việt Nam đã phải đối phó với nhiều tình huống tương tự khi Trung Quốc xua tàu cá ra vòng ngoài bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương 981. Người Việt Nam có rất ít cơ hội chống lại các "ngư dân" Trung Quốc dày dặn kinh nghiệm. Điều đó đã thể hiện rõ qua vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam hôm 27/5.
Mặc dù vậy, thủ đoạn này của Trung Quốc không phải là mới. Bắc Kinh từng sử dụng chiêu bài này với vùng lãnh thổ Đài Loan như một hình thức đe dọa ngay sau khi ông Trần Thủy Biển – người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, đắc cử Tổng thống Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan khi đó đã ghi nhận có khoảng 1.000 “tàu cá” Trung Quốc chen chúc bao vây quanh đảo Mã Tổ và Kim Môn. Các "tàu cá" này đều có vỏ thép với tải trọng khoảng 100 tấn.
Không những thế, các “tàu cá” Trung Quốc sau đó còn tiến hành do thám bờ biến, thậm chí bắt cóc các nhân viên lực lượng tuần duyên Đài Loan và đòi tiền chuộc. Sự quấy rối chỉ kết thúc khi ông Mã Anh Cửu trở thành lãnh đạo tối cao của Đài Loan năm 2008, cùng với việc cải thiện các mối quan hệ xuyên eo biển.
Chuyên gia Cheng Bin cũng cảnh báo, các đội tàu cá mà Trung Quốc sử dụng còn là “một công cụ tuyệt vời thu thập thông tin tình báo giá rẻ”. Với hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh Bắc Đẩu, được kết nối với các thiết bị liên lạc gắn trên tàu cá, Trung Quốc có thể bao vậy một khu vực rộng lớn với độ bao phủ liên tục.
Trong khi đó, ông Tangredi cho rằng, Bắc Kinh đã rất nham hiểm khi sử dụng tàu cá để tiến hành một cuộc “phong tỏa mini” ở các vùng biển. Nếu một tàu cá của Trung Quốc bị chìm trong cuộc va chạm với tàu quân sự đối phương, truyền thông Trung Quốc sẽ lập tức vào cuộc và biến tàu cá của họ thành nạn nhân.
Chắc chắn, tới đây, Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng các tàu cá như là công cụ thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ và vơ vét tài nguyên trên các vùng biển.