Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có đề xuất xin ý kiến của thành phố về việc tổ chức bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân chứ không chỉ bắn vào những dịp ngày lễ trọng đại của đất nước.
Bắn pháo hoa ở bãi giữa sông Hồng
Trao đổi với chúng tôi xung quanh thông tin này, ông Phan Đăng Long, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay, nhiều người lầm tưởng việc bắn pháo sẽ diễn ra trên cầu Nhật Tân nên tỏ ra lo ngại về việc đảm bảo an toàn giao thông.
"Chính tôi lúc đầu khi chưa nắm rõ thông tin cũng đã lo lắng trước việc sẽ bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân.
Tuy nhiên, sau khi hỏi lại đề án, thì việc bắn pháo hoa này được đề xuất tổ chức ở khu vực bãi giữa sông Hồng, gần cầu Nhật Tân.
Việc tổ chức ở đó thì cũng hoàn toàn hợp lý" - ông Long cho biết.
Theo ông Long, khu vực bãi giữa sông Hồng là khu đất trống có diện tích rộng, nếu tổ chức bắn pháo hoa sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng đến khu dân cư hoặc vấn đề giao thông trên cầu Nhật Tân.
Đồng thời, ông Long cũng nhấn mạnh, theo đề án, việc bắn pháo hoa thường xuyên này hoàn toàn không dùng đến ngân sách Nhà nước, không phải là tiền thuế của nhân dân.
"Ở đây, dùng nguồn vốn xã hội hóa huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp. Hơn nữa, đây là một nhu cầu rất thiết thực của xã hội, khi có nhiều đơn vị, tổ chức doanh nghiệp sẵn sàng đứng ra lo mặt kinh phí cho việc bắn pháo hoa nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Việc này, theo tôi là hợp lý" - ông Long nói.
Ông Long cũng cho biết thêm, thành phố sẽ đồng ý cho thực hiện thí điểm đề án này và sau đó nếu được dư luận ủng hộ thì sẽ tạo điều kiện tiến hành chính thức.
Kinh phí do doanh nghiệp tự nguyện đóng góp
Trước những ý kiến cho rằng đất nước ta còn nhiều khó khăn, tổ chức bắn pháo hoa thường xuyên là một sự lãng phí và nên dùng tiền đó lo cho người nghèo, ông Phan Đăng Long cho rằng, quan niệm đó chưa chuẩn.
Theo ông Long, từ trước đến nay, Hà Nội luôn chú trọng, quan tâm đến việc hỗ trợ và chăm lo cho cuộc sống của những người có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, “khoản nào phải ra khoản đấy”.
Ông Phan Đăng Long - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Vị này bày tỏ: “Ở đây, phải nhấn mạnh là việc tổ chức bắn pháo hoa này không phải dùng đến ngân sách Nhà nước, không dùng đến những khoản tiền dành để chăm lo cho người nghèo.
Số tiền này là do các doanh nghiệp tự nguyện đóng góp, vì một phần muốn phục vụ nhân dân, một phần doanh nghiệp cũng muốn quảng bá hình ảnh của mình, đó là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của họ".
Ông Long cũng khẳng định, bắn pháo hoa là phục vụ cho nhu cầu của toàn dân, chứ đâu phải chỉ để phục vụ người giàu.
Những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa, những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó, những cái vất vả luôn đeo bám cuộc sống của họ bấy lâu nay.
"Vì vậy, đừng bao giờ nghĩ là người nghèo không có nhu cầu thưởng thức cuộc sống, thưởng thức pháo hoa” - ông Long nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, trong cuộc họp giao ban báo chí vào ngày thứ 3 (27/1), sẽ mời các đơn vị liên quan để làm rõ những thắc mắc xung quanh đề xuất cho bắn pháo hoa thường xuyên của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội.
Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có đề xuất xin ý kiến của thành phố về việc tổ chức bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân chứ không chỉ bắn vào những ngày lễ trọng đại của đất nước.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, đơn vị này đã trình lãnh đạo UBND TP 3 phương án bắn pháo hoa tại khu vực cầu Nhật Tân.
Trong đó, có cả phương án bắn pháo hoa ở trên cầu và dưới khu vực chân cầu Nhật Tân.
Lãnh đạo Sở Văn hóa cũng cho biết thêm rằng, trong 3 phương án thì phương án bắn pháo hoa ở dưới chân cầu sẽ khả thi hơn vì bắn pháo hoa tại vị trí này sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề giao thông, mặt khác người đi bộ đứng trên cầu có thể xem được pháo hoa dễ dàng.