Lãnh án tử hình vì giết người rồi cướp xe

Chỉ vì “ngứa mắt” , Mai Quang Điệp (SN 1989, ngụ tỉnh Lâm Đồng) đã chặn xe, đâm chết người rồi cướp tài sản. Và hành vi độc ác của y đã phải trả giá.

Do vết thương quá nặng, anh Dũng tử vong. Sau khi gây án, Điệp, Khang và Mạnh chạy đến cầu Bình Lợi quận Bình Thạnh gỡ bỏ biển số xe của anh Dũng, sau đó gắn biển số giả rồi bán được 1,4 triệu đồng chia nhau tiêu xài.

Ngày 29-5-2012, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Điệp mức án tử hình về hai tội "Giết người", "Cướp tài sản", buộc bị cáo Điệp bồi thường cho gia đình nạn nhân 50 triệu đồng mai táng phí và tiền bồi thường tổn thất tinh thần 63 triệu đồng; bị cáo Khang 7 năm tù và bị cáo Mạnh 6 năm tù cùng về tội "Cướp tài sản". Sau phiên xử sơ thẩm, bị cáo Điệp và bị cáo Khang kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt.

Riêng ông Trần Ngọc Khôi (cha của nạn nhân Dũng) cũng kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tuyên hai bị cáo Khang và Mạnh phạm tội "Giết người" vì cho rằng hành vi của các bị cáo là giết người có tổ chức; tăng tiền bồi thường tổn thất tinh thần từ 63 triệu đồng triệu đồng như án sơ thẩm tuyên lên 100 triệu đồng, đồng thời buộc các bị cáo phải chịu thêm 50 triệu đồng tiền trợ cấp nuôi dưỡng vợ chồng ông.

Ngày 17-9-2012, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên xử, bị cáo Điệp bất ngờ đổi nội dung kháng cáo, đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại vì bị cáo không đâm chết anh Dũng, lời nhận tội tại cấp sơ thẩm là vì muốn gánh tội thay cho hai bị cáo còn lại. Nay thấy mức án bị cáo phải nhận lãnh quá cao, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, không thể bồi thường cho gia đình nạn nhân nên bị có xin được khai lại. Bị cáo Khang và ông Khôi giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Theo nhận định của hội đồng xét xử, tuy bị cáo Điệp phủ nhận hành vi phạm tội của mình nhưng lời khai nhận tội của bị cáo tại cấp sơ thẩm phù hợp với tang chứng, vật chứng có trong hồ sơ và lời khai của các nhân chứng, hai đồng phạm Khang, Mạnh. Hành vi của bị cáo thể hiện sự xem thường pháp luật, xem thường tính mạng người khác khi bị cáo là kẻ gây sự đầu tiên, sau đó chủ động tấn công nạn nhân.

Sau khi phạm tội, bị cáo còn cùng đồng bọn chiếm đoạt xe của nạn nhân bán lấy tiền chia nhau tiêu xài cho thấy bị cáo phạm tội giết người rồi ngay sau đó thực hiện hành vi nguy hiểm khác là cướp tài sản. Do vậy nội dung kháng cáo của bị cáo không có cơ sở chấp nhận. Tương tự, đối với bị cáo Khang, bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo là không nặng nên không có cơ sở để xem xét giảm nhẹ.

Đối với phần kháng cáo của ông Khôi, hội đồng xét xử cũng không chấp nhận vì cho rằng không có tài liệu chứng minh có sự tổ chức, thống nhất ý chí giữa các bị cáo trong việc giết anh Dũng; do cơ quan điều tra của cấp sơ thẩm không làm rõ vấn đề này nên tòa án cấp phúc thẩm không thể hủy án sơ thẩm, nếu có căn cứ thì ông Khôi có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm điều tra làm rõ.

Riêng về phần trách nhiệm dân sự, yêu cầu tăng tiền bồi thường tổn thất tinh thần không thể chấp nhận vì Điều 610 Bộ luật Dân sự quy định tiền bồi thường tổn thất tinh thần không quá 60 tháng lương tối thiểu, tiền lương tối thiểu Nhà nước quy định là 1.050.000 đồng, tòa án cấp sơ thẩm đã tính đúng 1.050.000 đồng x 60 tháng = 63.000.0000 đồng. Đồng thời do vợ chồng ông còn trong độ tuổi lao động (ông Khôi sinh năm 1958, vợ ông sinh năm 1959), anh Dũng không phải là người duy nhất nuôi dưỡng cha mẹ nên cũng không thể buộc bị cáo Điệp bồi thường tiền trợ cấp nuôi dưỡng cho vợ chồng ông.

Bị cáo Điệp nhận mức án tử hình về hai tội "Giết người", "Cướp tài sản"

Từ những nhận định trên, hội đồng xét xử tòa án cấp phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của bị cáo Điệp, bị cáo Khang và ông Khôi, tuyên y án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Điệp mức án tử hình về hai tội "Giết người", "Cướp tài sản" và buộc bị cáo Điệp bồi thường cho gia đình nạn nhân 113 triệu đồng mai táng phí, tiền bồi thường tổn thất tinh thần; bị cáo Khang 7 năm tù về tội "Cướp tài sản".