Làng nghề đua ngựa, ngày ấy và bây giờ

Họ vẫn bám nghề, vẫn gìn giữ những chú ngựa quý của mình với niềm tin sẽ có ngày lại được thả hồn theo những bước chạy thần tốc.

Ngót trăm năm tồn tại, kể từ khi những con ngựa đua đầu tiên được đưa từ Pháp về đến nay, người dân vùng Củ Chi, Hóc Môn (TP HCM) hay Đức Hòa (Long An) đã quen với hình ảnh những chú ngựa tung vó trên đường quê trong bình minh mùa xuân ấm áp. Nuôi ngựa là một nghề truyền thống của hàng trăm người dân vùng này cho tới khi trường đua ngựa Phú Thọ (Q.11, TP HCM) đóng cửa cách đây 3 năm. Họ vẫn bám nghề, vẫn gìn giữ những chú ngựa quý của mình với niềm tin sẽ có ngày lại được thả hồn theo những bước chạy thần tốc.

Nghề chơi quả lắm công phu

Người nuôi ngựa nhất thiết phải có lòng kiên trì nhẫn lại, như người thầy đào tạo những vận động viên giỏi. Anh Phạm Văn Biên, ngụ tại Mỹ Hạnh Nam (Đức Hòa, Long An) 3 đời nuôi ngựa đua cha truyền con nối cho biết: Ngựa đua tốt nhất là ở độ ba đến bảy tuổi đời. Trong thời gian đó, chế độ tập luyện của ngựa là rất gắt gao. Sáng sớm, phải đưa ngựa đi quần nước. Phải dắt ngựa lội xuống hồ nước sao cho bụng nó gần chạm mé nước. Nước còn lạnh nên theo phản xạ tự nhiên ngựa sẽ thóp bụng chúng lại. Đó là bài luyện tập về cơ bụng, cũng là để giảm cân, tăng khả năng chạy nhanh. Ngoài ra, đứng dưới nước cũng khiến chân ngựa phải nhón lên cao, móng sẽ ít chạm đất hơn, giảm ma sát trong những pha nước rút ở trường đua.

Sau một tiếng luyện dưới nước, ngựa được cho lên cạn rồi ăn chút cỏ khô, lúa nếp non trước khi đi quần. Quần ngựa thông thường chừng 2, 3 tiếng tùy trước hay sau mỗi cuộc đua. Vì ngựa sợ tiếng ồn nên người quần phải đi xe đạp, ngựa thong dong chạy bộ. Sau khi quần xong, tắm rửa ngựa bằng nước mát và lấy rượu thuốc ngâm để xoa bóp các khớp chân cho chúng cảm thấy thoải mái.

Cực nhất là nuôi ngựa con, phải chăm sóc như những đứa trẻ”-anh nói. Muốn có một con ngựa đua tốt, phải chọn ra từ hàng chục ngựa con. Ngay từ lúc ngựa mẹ giao phối, phải chọn giống đực sao cho thật “ngon lành”. Giống đực phải to khỏe, từng giành giải trong các cuộc đua càng tốt. Phối giống ngựa cũng phải chọn giờ, thường là ban đêm nên phải thức canh chúng giao hợp. Khi chúng phối giống phải đem ngựa cái về, cho ăn với chế độ riêng là cỏ voi là lúa hạt non còn bọng sữa. Sau đúng 11 tháng 5 ngày thì ngựa sinh. Ngựa chỉ sinh con vào ban đêm nên phải thức cả đêm đỡ đẻ. Từ lúc còn nhỏ, ngựa đã được chăm sóc với chế độ riêng tùy theo lứa tuổi. Ngựa trên 1 năm tuổi mới xem tướng mà biết có đua được hay chỉ là ngựa thường.

Chọn ngựa đua chủ yếu là quan sát chân, móng, ức, lưng và trọng lượng của chúng. Đua ngựa cũng có phân loại theo hạng, như kiểu phân loại hạng cân trong các võ sỹ quyền anh, võ thuật. Tuy nhiên, hạng của ngựa không tính trọng lượng mà tính chiều dài, từ móng chân trước cho tới phần xương gồ lên ở lưng ngựa, ngay trước bờm của chúng.

Ông Bửu Trí bên những chú ngựa đua quý giá

Yêu ngựa hơn người

Từ khi trường đua ngựa danh tiếng Phú Thọ đóng cửa, cuộc sống của những chủ ngựa như bước vào góc khuất, buồn hơn. Anh Võ Văn Khiêm, 47 tuổi ở ấp 4, xã Xuân Thới Sơn (Hóc Môn), dẫn chúng tôi ra khu đất trống sau nhà chiêm ngưỡng chú ngựa màu huyết dụ tên là Mã Phi Long, một giống ngựa đua có nguồn gốc từ Pháp. Nó đã 11 tuổi và từng 1 lần thắng về nhất trong cuộc đua ở trường đua Phú Thọ năm 2008. “Ba năm rồi nó không tham gia bất kỳ cuộc đua nào. Tôi vẫn giữ lại nó bên mình như một người bạn. Hai chúng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp đẽ” - anh nói thoáng chút buồn. Anh Khiêm tiến lại gần chú ngựa, lấy tay vuốt ve dọc cái bờm rất đỗi nhẹ nhàng. Chú ngựa khẽ gụi đầu vào tay anh rồi lùi lại đằng sau mấy bước, bất ngờ dựng hai chân sau, tung chân trước lên, dựng bờm hý vang một tiếng dài như chiều lòng chủ, biểu diễn sức mạnh cho những người lạ.

Anh Khiêm cho biết nó là con ngựa quý, trước đây giá vài trăm triệu đồng nhưng trường đua đóng cửa, giá mười phân còn ba. “Cái quý của nó không phải là giá cả. Giá nào mình cũng không bán”-anh nói. Ngày trước nuôi để đua, bây giờ vì mê ngựa, vì gắn bó với nhau lâu rồi. Một ngày không thấy nhau đã buồn, bán đi sao nỡ. Anh bảo, anh đã phải vượt qua sức ép của gia đình, vợ con để bỏ tiền duy trì con Mã Phi Long này cùng 4 con ngựa khác. Có khi chểnh mảng cả vợ con vì mãi lo cho ngựa.

Để duy trì một con ngựa đua là rất tốn kém. Mỗi tháng, một chú ngựa ăn mất 1 triệu đồng tiền cỏ, lúa chưa kể thuốc thang lúc bệnh tật. Với đàn 5 con ngựa của mình, mỗi tháng anh Khiêm tiêu tốn khoảng 5 triệu đồng. Cái công phu của nuôi ngựa đua không chỉ đơn giản là cho ngựa ăn để sống. Như thế khác nào cầm tù chúng. Anh bảo, ngựa đua giỏi cũng như danh tướng, nếu không tham gia trận mạc thì cũng phải thường xuyên tập luyện bài bản, duy trì thể lực cũng như bản lĩnh. Mỗi ngày anh phải dành chừng 2 tiếng buổi sáng đưa ngựa đi quần. Anh làm tất cả chỉ để Mã Phi Long giữ được vẻ oai phong lẫm liệt của chon chiến mã lừng lẫy một thời.

Chờ ngày tung vó

Như anh Khiêm, vùng ngoại thành Hóc Môn còn rất nhiều người khác dồn thời gian, tiền bạc, sức lực để giữ gìn những giống ngựa quý không bị thất truyền. Ông Võ Bửu Trí, người 72 tuổi mà có đến gần 60 năm gắn bó với ngựa. Ông bùi ngùi: “Từ hồi mười mấy tuổi đã theo cha và ông nội đi chăn ngựa rồi. Trường đua đóng cửa, con cái kêu bỏ ngựa về sống với chúng nó nhưng tôi khất lần. Tui thuê nhà ở gần đây để ở và nuôi ngựa. Ngựa là cuộc sống, là tình yêu của đời tui rồi”. Ông kể: Hồi những năm 1960, ông từng bỏ mười bảy ngàn đồng (tương đương với 40 cây vàng) để mua một con ngựa đua. Sau mấy trận thắng liên tiếp, ông bán lại cho một chủ khác ở trên Chợ Lớn được gần một trăm ngàn. Có nhiều lúc đàn ngựa lên đến hai chục con. Nhiều con rất nổi tiếng, được các chủ đua thích thú, hỏi mua với giá cao ngất. Cũng nhờ ngựa đua mà nhà có của ăn của để, con cái lớn lên no đủ, có cơ ngơi riêng.

Tác giả bài viết đang làm quen với một chú ngựa đua

Hiện ông đang nuôi 8 con ngựa. Không có tiền để mua lúa và cỏ lông voi, hàng ngày phải dắt chúng ra những bãi cỏ hoang vùng ngoại ô rộng lớn để cho chúng ăn. Người theo ngựa dọc ngang như mấy cuốn phim thảo nguyên ông thường coi. Nhiều người khuyên ông bỏ đàn ngựa, thậm chí còn kêu bán quách cho mấy lò mổ, bèo cũng chừng gần chục triệu/con để lấy tiền an dưỡng tuổi già nhưng ông nhất quyết không bán. “Mấy con ngựa cái sắp đẻ, đàn ngựa sắp đông thêm nữa rồi”-ông hồ hởi.

Với người nuôi ngựa đua, không hạnh phúc nào bằng lúc nhìn con ngựa yêu thi thố. Có thắng có thua, có hả hê tủi hờn nhưng tựu trung lại, họ chung ngọn lửa đam mê không bao giờ tắt. “Đòi tôi đã nuôi mấy trăm con ngựa nhưng nhớ nhất con Phụng Hoàng, nó thuộc giống Hoàng gia Anh” - ông Trí hồ hởi kể. Ông mua nó từ một chuồng dưới Hòa Khánh Đông. Lúc đầu, nó khá còi cọc và không có tướng của một chiến mã nhưng ông vẫn tin mình lựa chọn đúng. Chỉ sau gần 3 năm dưới bàn tay ông chăm sóc, Phụng Hoàng trổ mã hẳn ra, chân thon gọn, móng sức, ức cao, cổ vươn thẳng đứng, bờm dựng như mây lúc hừng đông, lưng dài và thẳng đều tăm tắp, đuôi cong vút như dãy núi uốn lượn. Phụng Hoàng đã nhiều lần thắng ở các cuộc đua. Nó được mệnh danh là “ông hoàng nước rút”. Nhiều cuộc đua nó mất hút phía sau nhưng đoạn đường cuối, những bước chạy như xé gió khiên không ít đối thủ sững sờ.

Ngựa đua cũng như tướng tài tìm minh chủ, chỉ thực sự phát huy hết khả năng của mình nếu tìm được đúng người chủ biết trân quý nó mà thôi”-ông triết lý. Nhiều con ngựa rất tốt, từng bách chiến bách thắng nhưng sang tay chủ khác lại thành ra bình thường, đua là bại. Ngựa cũng như người. Gặp được mát tay mới “phát tướng”, ngược lại thì dù cố mấy cũng vô nghĩa. Trong trường đua không phải cứ ngựa hay là thắng. Còn phải phụ thuộc vào nài ngựa nữa. Nếu nài toàn tâm toàn ý, không chịu ép cân, giảm trọng lượng cũng như luyện tập thường xuyên thì rất dễ thua. Nhiều khi thắng thua chỉ cách nhau một bước nhảy. Những con ngựa đua lão luyện, về đích chỉ cần một cú nhảy bứt tốc là thắng. Trước đây, khi trường Phú Thọ còn mở cửa, cuối tuần nào ông cũng lên đó. Không phải vì mình ham mê cá độ đỏ đen mà lên để ngắm ngựa, nhìn những con ngựa đẹp. Đó là hạnh phúc lớn của cánh nuôi ngựa.

Trong số những người gắn bó với ngựa ở Hóc Môn, có một nhân vật rất đặc biệt. Đó là ông Baurdon, 68 tuổi, một người Pháp gốc Việt. Ông cũng quá nửa đời gắn bó với ngựa. Cũng vì quá mê ngựa mà về nước, bỏ cả cơ ngơi sự nghiệp để theo ngựa. Ông sinh ra và lớn lên ở Mác Xây (Pháp). Sau khi học xong đại học, ông về Việt Nam kết hôn với con gái một chủ ngựa ở trường đua Phú Thọ. Năm 1976, ông đưa cả gia đình sang bên Pháp định cư. Cuộc sống dư dả về vật chất bởi ông làm chủ một ga-ra xe hơi khá lớn. Nhưng nhớ ngựa quá, ông bỏ về Việt Namđể nuôi ngựa. Ông chủ ga-ra bây giờ dậy sớm đi cắt cỏ cho ngựa, buổi chiều về dắt ngựa đi dạo. Nhịp đời cứ thế bình yên.

Hiện ông Baurdon nuôi 5 con ngựa nhưng đáng giá nhất chính là con Phương Đông, một con ngựa thuần chủng của Pháp. Trường đua ngựa đóng cửa, ông như chết lặng đi. Không phải vì nó mất giá trị mà vì nó không còn đất để thi thố, để chứng tỏ oai danh. Nhìn con Phương Đông với bộ lông mịn như nhung màu tiết gà óng ả đang nhởn nhơ gặp cỏ, ông buồn rười rượi. “Nhìn vào mắt chúng, tôi thấy như chúng cũng buồn. Ngựa đua mà suốt ngày quanh quẩn ở vườn, ở bãi hoang thì buồn lắm” - ông trải lòng. Dù là những “thần mã” thì cũng chồn chân, mỏi gối vì buồn bã, nhàm chán mà thôi.

Trước đây ở khu vực ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh, số lượng ngựa đua có khi lên đến hơn 2.000 con nhưng giờ chỉ còn 200 con. Gặp dân nuôi ngựa bây giờ ai cũng ngậm ngùi, tiếc rẻ. Nhưng không vì thế mà lòng đêm mê ngựa, tình yêu tha thiết của họ phai nhạt. Vẫn nhiều người cố gắng duy trì nghề nuôi ngựa truyền thống. Và tất cả họ đều tin, một niềm tin da diết, rằng có ngày những chú ngựa lại hý vang trời, tung vó kiêu hãnh giữa trường đua…