Không thể diệt sạch tất cả các loại vi khuẩn
Chị Đào Thị Hoa Hồng, ngõ Mai Hương, Tôn Đức Thắng, Hà Nội chia sẻ, từ ngày có quảng cáo về nước rửa tay diệt khuẩn, gia đình chị ai cũng cất sẵn một chai nhỏ trong túi để dùng khi đi khỏi nhà. Mọi người sử dụng bất cứ đâu, khi nào nếu có nguy cơ dính vi khuẩn như sau khi giao tiếp, đi tàu xe hay vào bệnh viện... Nước rửa tay còn được tin dùng với nhà chị Hoa Hồng khi đi ăn, tất cả mọi người đều dùng nước rửa tay khô trước khi ăn nhằm mục đích diệt khuẩn.
Theo như quảng cáo, thành phần chính của dung dịch nước rửa tay là cồn, kèm theo các chất tinh dầu nhằm mục đích làm thơm.
GS.TS Phùng Đắc Cam, Phòng Nghiên cứu vi khuẩn đường ruột, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho hay, việc người dân có ý thức rửa tay diệt khuẩn là điều nên làm. Đây cũng là cách bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều sản phẩm rửa tay diệt khuẩn được quảng cáo bát nháo trên thị trường nên khó biết được sản phẩm nào tốt, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn thực hay không.
Nếu quảng cáo chất dùng để tiêu diệt vi khuẩn cần phải xem xét lại các yếu tố từ chất tạo thành, nồng độ... Bởi không phải cứ cho rằng cồn là có tác dụng diệt khuẩn. Vì thực tế cho thấy, cồn 70 độ trở lên mới có khả năng sát trùng. Cồn này phải đảm bảo các chỉ tiêu do Bộ Y tế ban hành, còn cồn tự chưng cất đôi khi cũng không có tác dụng.
Ở khía cạnh khác, TS Rachel Orscheln, chuyên gia phòng bệnh lây nhiễm, tại trường Y, Đại học Washington (St. Louis, Hoa Kỳ) cho biết, rửa tay với các loại nước rửa tay khô chứa cồn cũng rất hiệu quả trong trường hợp tay bạn bẩn không nhìn thấy rõ ràng. Các sản phẩm này có tác dụng diệt khuẩn cực nhanh, nhưng lại không thể diệt sạch tất cả các loại khuẩn.
Chỉ dùng như một giải pháp thay thế
TS Richard T. Ellison III, chuyên khoa vi sinh vật và phân tử di truyền tại trường Y, Đại học Massachusetts (Hoa Kỳ) cũng cho rằng, nước rửa tay khô có thể dùng hiệu quả khi không có các vết bẩn hữu cơ trên tay. Các sản phẩm này hiệu quả cao trong việc diệt khuẩn và virus, nhưng chỉ khi các vi sinh vật này tiếp xúc trực tiếp với cồn. Vì vậy, nếu có quá nhiều vết bẩn trên tay, thì thành phần gel kháng khuẩn không thể tiếp xúc đến các vi sinh vật nằm dưới những vết bẩn đó.
Hơn nữa, gel khô rửa tay diệt khuẩn không có tác dụng tẩy sạch các vết bẩn, nên sau khi rửa với gel khô, nếu bạn vẫn còn cảm thấy có chút vết bẩn trên tay thì tốt nhất hãy rửa lại bằng xà phòng và nước sạch. Xà phòng có thể phá vỡ các cấu trúc hữu cơ và đưa tay vào dưới vòi nước chảy sẽ giúp rửa trôi.
Tuy nhiên, TS Rachel Orscheln khuyến cáo, tốt nhất không nên dùng nước rửa tay khô như một thói quen trong phòng tắm, bếp hay nhà vệ sinh, chỉ dùng như một giải pháp thay thế trong các hoạt động hằng ngày khi không có nước sạch rửa tay.
GS Phùng Đắc Cam phân tích thêm, xà phòng thơm hay xà phòng giặt về bản chất được tạo nên bởi chất sút và bồ tạt nên có khả năng kìm khuẩn, tức không cho vi khuẩn phát triển thêm. Còn chất tiêu diệt khuẩn rất ít, điều này hoàn toàn không như nhiều người nghĩ. Tuy nhiên, việc rửa tay dưới nước cũng là cách làm trôi rất nhiều vi khuẩn. Vì thế, yếu tố dùng nước cũng khá quan trọng. Việc rửa tay này có thể giảm đến 60% vi khuẩn, phòng ngừa các bệnh như cúm, hô hấp, bệnh phong..