Kẻ cô đơn bất đắc dĩ
- Gần đây có thông tin Lam Trường thường xuyên xuất hiện bên cạnh một hotgirl mới. Anh đã tính đến chuyện tái hôn?
- Tôi chưa muốn nói tới chuyện này vì nghĩ nó còn hơi sớm, cứ để một thời gian nữa đi. Chuyện đó do ông trời đưa đẩy thôi. Những người mình gặp, mình thích nhưng chưa chắc đã thích hợp với mình trong cuộc sống gia đình lâu dài. Chuyện đổ vỡ cũ xảy ra, tôi phải nhìn nhận lại mình chút xíu. Tôi phải xem mình chuẩn bị thế nào cho cuộc sống gia đình mới. Vấp ngã thì phải trưởng thành, chứ tiếp tục đi lối cũ rất nguy hiểm.
- Vậy còn tình yêu thì sao?
- Thời gian qua cũng có nhiều người quan tâm tới tôi nhưng tôi cứ để khi nào thích hợp thì tới thôi. Tình yêu và hôn nhân là chuỗi đi chung với nhau. Nó như đạp ga thì xe chạy, không đạp thì không chạy. Hôn nhân sẽ không có, nếu không có khởi điểm của tình yêu. Tình yêu đến từ cảm xúc, khi gặp tôi sẽ tiết chế để ít ra bây giờ không nghĩ đến hôn nhân kế tiếp.
- Người càng nổi tiếng thì càng cô đơn, đó là cái giá phải trả cho hào quang của nghệ thuật, anh có nghĩ vậy?
Lam Trường
Tôi thấy điều này đúng, nhưng mình nhìn cô đơn dưới góc độ nào thôi. Tôi vẫn có gia đình, có người thân, có fan... Nếu nhìn khía cạnh cần và đủ, có thể thấy mình đầy đủ tất cả, nhưng có những chuyện không thể chia sẻ được với ba má, anh chị hay fan, đồng nghiệp, mình sẽ thấy cô đơn. Đôi khi mình trở thành kẻ cô đơn bất đắc dĩ.
Tôi chỉ mong một điều là chuyện gì cũng phải luôn thật
- Nhiều nghệ sĩ đổ lỗi cho những scandal hay trục trặc tình cảm là do tác động của dư luận. Từng là miếng mồi thơm của cư dân mạng với hình ảnh tình tứ cùng một cô người mẫu, sau đó thì hôn nhân đổ vỡ, anh có thấy dư luận đáng sợ?
- Tôi không đổ lỗi cho mọi người, cũng không đổ lỗi cho truyền thông. Bản chất của truyền thông là thông tin, đó là công việc của mọi người. Chuyện gia đình không tốt đẹp là do bản thân mình thôi, do mình chọn cách giải quyết chưa chính xác hoặc hành xử chưa đúng nên xảy ra những tình huống không tốt.
- Thời gian xảy ra những chuyện không hay, anh cảm thấy thế nào?
- Tôi mỏi mệt chứ. Thực ra có nhiều vấn đề tế nhị bên trong, chỉ người trong cuộc mới hiểu. Ví dụ như tôi trả lời cho bạn, bạn viết lên, công chúng đã biết rồi giờ họ biết thêm nhưng An (Ý An - vợ cũ Lam Trường) và nhiều người khác không nghĩ như vậy.
Nhiều người cho rằng tôi lợi dụng sự đổ vỡ hôn nhân để PR cho album hay sản phẩm âm nhạc của mình. Ngay cả người trong cuộc cũng cho là vậy nữa. Tôi thấy chuyện này rất phi lý. Nếu chỉ nghĩ cho mình, tôi bị cho rằng không chịu chia sẻ với mọi người, không phải là người của công chúng thực thụ. Còn khi tôi nói ra, dư luận bảo thì ra đời sống của Lam Trường như vậy, cũng như những người bình thường thôi. Tôi cảm thấy những gì mình nói ra thật vô ích vì người ta đánh giá sai về mình. Điều tôi đau nhất là người trong cuộc nghĩ xấu về mình.
Ngay cả khi bài báo này được đăng lên, có thể sẽ tiếp tục có những suy nghĩ lệch lạc về việc tôi nói. Cái khó là mình nghĩ cho nhiều người nhưng lại gặp vấn đề với người khác. Sở dĩ thời gian qua, tôi không muốn nói là vì vậy chứ không có gì uẩn khúc bên trong hay muốn tránh né truyền thông. Tôi là đàn ông, là người của công chúng, tôi phải có trách nhiệm trả lời báo chí.
Con người mà, phải thật chứ không thể là con búp bê được. Tôi đâu thể là người hoàn hảo, tốt đẹp mà không có khó khăn trong cuộc sống. Tôi chỉ mong một điều là chuyện gì cũng phải luôn thật.
- Trước nay hình ảnh ca sĩ Lam Trường thường gắn bó với đại gia đình của mình, ở với mẹ, xuất hiện với anh trai, cháu gái... Nhiều người phụ nữ ly hôn chỉ vì người đàn ông của mình luôn trong vòng tay gia đình lớn mà không thể làm trụ cột trong cuộc sống hôn nhân. Anh có bao giờ nghĩ đó là trường hợp của mình?
- Tôi nghĩ thực tế có chuyện đó, nhưng tôi không bị ảnh hưởng lớn đến mức không cân bằng được giữa gia đình nhỏ và gia đình lớn. Công việc của tôi mới là yếu tố chính ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình. Người đàn ông đặt sự nghiệp quan trọng. Tôi chỉ có một lựa chọn, bỏ hoặc theo nghề.
Lam Trường và vợ cũ Ý An
Đôi khi tôi biết công việc chiếm hết thời gian dành cho gia đình riêng, nên khoảng cách mọi người càng xa nhau hơn. Nó giống giọt nước làm tràn ly vậy. Vấn đề chính không giữ được thì mọi mối quan hệ rạn nứt sẽ dẫn đến những chuyện khác nữa. Tôi nghĩ thất bại của mình chính là ở chỗ đó.
- Là con út trong một đại gia đình, anh có ít nhiều chịu ảnh hưởng từ người thân?
- Ngược lại. Tôi lo cho gia đình chứ không phải gia đình bao bọc tôi. Tôi thấy thời gian tôi ở nhà rất ít. Vì má thương nên ở với tôi chứ không má đã ở với ba rồi. Tôi lúc nào cũng cảm thấy có lỗi vì để ba má lo lắng. Nhưng cuộc sống đâu tránh được những va chạm, đổ vỡ, chuyện đến thì mình phải giải quyết chứ không còn cách nào khác.
Trẻ con luôn cần tình thương của cha mẹ
- Con trai anh, bé Kiến Văn, có về thăm ba và ông bà nội dịp Tết vừa rồi?
- Đợt này Văn không về. Tôi cũng vừa mới sang Mỹ thăm con xong. Bé còn nhỏ quá mà Tết Việt Nam thì ở Mỹ là ngày bình thường, giờ Văn đang đi học nữa. Công việc của Ý An cũng bận, xin nghỉ để đưa con về đón Tết rất khó khăn.
- Biết vậy nhưng anh có đề nghị với vợ cũ để đưa con trai về không?
- Nếu có đề nghị, tôi cũng biết chắc là không được. Vào dịp hè, bé mới có thể về chứ Tết thì khó lắm. Tôi thương nhớ con lắm, nhưng xa xôi quá nên đành chịu (giọng chùng xuống). Văn đeo tôi lắm, con nít mà. Mình quan tâm, chơi với bé thì bé rất vui. Mỗi lần chia tay, nhiều khi bé cũng thắc mắc sao ba cứ đi hoài. Tôi không biết nói sao, chỉ nói công việc của ba bận rộn, ngoan đi học, rồi ba lại quay lại mua đồ chơi cho con. Tháng 3 này, tôi có nhận hai show ở Mỹ, tôi lại qua đó thăm và đưa con đi chơi.
- Con trai anh có bao giờ hỏi hay nhận ra rằng ba mẹ không còn thân mật với nhau như trước không?
- Chưa đâu, bé còn nhỏ quá, mới hơn 5 tuổi thôi. Khi bạn ở lớp hỏi, bé sẽ về hỏi lại là sao chỉ thấy mẹ đến đón mà không thấy ba đến. Lúc đó tôi sẽ nói chuyện với con từ từ. Tôi chỉ muốn bé hiểu là cho dù thế nào, bé vẫn luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương của ba mẹ.
- Bé Kiến Văn sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Anh có gặp khó khăn khi trò chuyện với con?
- Nói tiếng Việt thì Văn hiểu đấy, nhưng bé chỉ nói tiếng Anh thôi. Bé đi học từ sáng đến tối đều ở trường nên nói tiếng Anh, vấn đề đó khá nghiêm trọng. Để bé nói được tiếng Việt hay không, quan trọng là ở mẹ của bé. Tôi vẫn cố gắng nói tiếng Việt với con nhưng cũng thấy khó. Đợi bé lớn hơn chút xíu, chắc sẽ thuê gia sư về dạy tiếng Việt.
Lam Trường và con trai
- Anh có thường xuyên gọi điện cho con?
- Tôi vẫn gọi, nhưng không dễ dàng vì muốn gọi cho con phải qua mẹ. Gọi điện cho An nhấc máy đã khó rồi, An bận quá. Tôi nghĩ phải để thêm một thời gian nữa, khi người lớn hiểu đứa nhỏ cần gì thì sẽ tạo điều kiện cho tôi tốt hơn.
- Anh không thuyết phục được chị à?
- Chuyện này tôi chưa đặt vấn đề, nhưng tôi muốn An tự hiểu điều đó.
- Anh có ý định đưa con về Việt Nam sống với mình không?
- Trẻ con bao giờ cũng cần tình thương của cha mẹ. An là người mang nặng đẻ đau ra con nên tôi không muốn giành, bắt bé phải xa mẹ. Trước mắt, tôi vẫn để An nuôi con, còn tôi cố gắng quan tâm, gặp gỡ con. Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất.