Cưa lốc là loại cưa máy, chạy bằng xăng, dầu, rất tiện lợi trong việc khai thác gỗ, dọn thực bì để trồng rừng mới. Đây là công cụ đặc dụng được bọn lâm tắc sử dụng chặt hạ những cây nghiến cổ thụ ở Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc.
Nghiến là loại gỗ rất cứng, nếu dùng rìu để chặt, một người phải mất nhiều ngày mới hạ được một cây có đường kính một mét. Nhưng dùng cưa lốc, chỉ cần 20 phút có thể hạ xong cây nghiến hàng trăm năm tuổi.
Theo Giám đốc Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn Hoàng Văn Hải, đến thời điểm này, mỗi hộ gia đình sống trong vùng lõi, vùng giáp ranh Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài Nam Xuân Lạc, ở gần rừng thiên nhiên hoặc rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều có ít nhất một cưa lốc. Đây là loại công cụ phá rừng bảo tồn, rừng đặc dụng nhanh nhất.
Cưa lốc có giá từ 8 triệu đến 15 triệu đồng tùy theo công suất máy. Nhưng những cưa lốc có thể “xẻ thịt” nghiến phải là cưa tốt có giá từ 14-15 triệu đông/chiếc. Ở vùng núi đá Bắc Kạn, một cây gỗ nghiến có đường kính 1 mét phải có gần 1.000 năm tuổi. Việc tiêu thụ gỗ nghiến có nhiều dạng: dạng thớt, dạng hộp, dạng thanh, ván, tùy theo đường kính của cây nghiến và sự đặt hàng của “đầu nậu”.
Mấy năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn phải đối mặt với nạn “âm tặc hoành hành. Tình trạng khai thác gỗ quí, lâm sản trái phép diễn ra phức tạp. Lợi nhuận cao từ chặt phá rừng lấy gỗ, buôn bán, môi giới gỗ quí cũng như nhu cầu luôn gia tăng từ các chủ đầu nậu gỗ bên kia biên giới đã khiến người dân, nhất là người dân cư trú trong vùng lõi của các khu bảo tồn và các khu rừng đặc dụng bị cuốn vào các vụ phá rừng của lâm tặc trong và ngoài tỉnh.
Phải nói rằng, trong việc quản lý, bảo vệ rừng gỗ quý, lực lượng chức năng từ kiểm lâm, công an đến cán bộ cơ sở đều chưa hoàn thành được nhiệm vụ, không loại trừ có cả sự tiếp tay của một số cán bộ với lâm tặc trong việc phá rừng.
Với địa bàn đến 90% là núi với rừng, Bắc Kạn có nguồn tài nguyên rừng phong phú, trong đó có Vườn Quốc gia Ba Bể là khu Bảo tồn thiên sinh thái ASEAN, khu bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Các khu rừng đặc dụng luôn là "điểm nóng" bởi các vụ việc khai thác trái phép gỗ, lâm sản quí cùng những cuộc đụng độ giữa lực lượng bảo vệ rừng với những người chặt phá rừng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết, chỉ tính những người dân sống trong vùng lõi của Khu bảo tồn cũng phải có gần 200 cưa lốc. Nhiều hộ gia đình không có rừng kinh tế, không có nương rẫy cũng sắm cưa. Hiện nay ở trong kho của Kiểm lâm Khu bảo tồn có trên 40 “cưa lốc”, toàn loại đắt tiền, bắt được của lâm tặc trong mấy năm gần đây.
Còn theo ông Nông Thế Diễn, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể, ở kho của Kiểm lâm Vườn cũng có trên 30 cưa lốc thuộc loại cưa lớn kiểm lâm thu được từ những vụ truy quét lâm tặc.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, số liệu tổng hợp cưa lốc thu được ở tất cả các huyện, thị xã, các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn lên đến gần 200 chiếc.
Rõ ràng, việc dùng cưa lốc để tàn phá những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi, hàng nghìn năm tuổi ở những khu bảo tồn, rừng đặc dụng đang làm nhức nhối dư luận xã hội. Kiểm lâm Bắc Kạn cũng đã có biện pháp quản lý cưa lốc bằng việc bắt buộc phải đăng ký số hiệu cưa với chính quyền địa phương; giao cho chính quyền xã quản lý tập trung số cưa của người dân trên địa bàn. Khi người dân cần dùng cưa, có thể đến nhận tại điểm trông giữ, nhưng phải cam kết việc sử dụng cưa đúng mục đích. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất, còn phải chờ phê duyệt.
Trước sự quỷ quyệt và lộng hành của lâm tặc, các ngành chức năng ở Bắc Kạn cần sớm ngăn chặn tình trạng dùng cưa lốc “xẻ thịt” các khu rừng đặc dụng trên địa bàn.