Lạ lùng nơi phụ nữ ăn thịt, uống mật và máu rái cá sinh con giống... Tây

Bà Hồ Thị Sơn có 8 người con; 6 người sinh ra trước da đen như những người Ca Dong khác trong làng. Chỉ có đứa con gái và người con trai út thì rất giống... Tây.

Chuyện xảy ra tại làng Khe Dưng trong dãy Trưởng Sơn, thuộc huyện vùng cao Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Theo xác nhận của già làng Hồ Văn Sết, bà Hồ Thị Sơn có 8 người con; 6 người sinh ra trước da đen như những người Ca Dong khác trong làng. Chỉ có đứa con gái và người con trai út thì rất giống... Tây, với thể trạng cao lớn, da dẻ trắng như trứng gà bóc; tóc vàng khè, sống mũi to, cao. Sống ở chốn thâm sơn cùng cốc, bà Sơn chưa hề tiếp xúc người nước ngoài. Những người con khác thường của bà Sơn được sinh ra sau khi bà Sơn bị thương ở chân và được già làng Hồ Văn Sết giết một con rái cá để cho ăn thịt, uống máu và mật chữa lành vết thương...

Làng Khe Dưng của người Ca Dong nằm ở một triền núi cao, hẻo lánh, giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ, thuộc thôn 5, xã Trà Đốc, cách trung tâm huyện lỵ Bắc Trà My trên 50 cây số đường chim bay. Làng được bao bọc bởi suối Khe Dưng và con sông Tranh chảy về từ đỉnh Ngok Linh cao vút mây trời. Nơi đây cũng là ngọn nguồn của dòng sông mẹ Thu Bồn đổ ra biển cả nên hằng năm cứ đến mùa mưa bão là làng dường như bị lũ rừng hung dữ cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài...

Khi theo chân các chiến sĩ Công an lên làng Khe Dưng, cũng là lúc đàn voi rừng đang còn "trụ bám" ở khu rừng già ở núi Mun trước làng đã hơn 5 tháng qua. Đàn voi có 3 con, chúng đã giẫm nát, tàn phá nhiều rẫy lúa, nương ngô, nương sắn... của bà con. Nhiều thanh niên dũng cảm Ca Dong của làng Khe Dưng khi tìm cách tiếp cận đàn voi dữ còn nghe được tiếng kêu của voi con, nên họ suy đoán, có khả năng trong đàn voi có voi cái đẻ con và chúng sẽ còn tiếp tục ở lại khu vực này lâu hơn nữa để kiếm ăn. Hiện, chính quyền xã Trà Đốc đã tổ chức họp dân, tuyên truyền cho bà con biết khu vực đàn voi hoạt động để mọi người tránh và không đi làm rẫy tại đây và không săn bắn voi. Theo già làng Hồ Văn Mười, đàn voi rất hung dữ, chúng quật ngã và giẫm nát nhiều khoảnh rừng; rẫy chuối, bắp, lúa…

Có bữa chúng kéo tới chỉ cách làng khoảng 500m. Sợ đàn voi tiến vào làng, dân làng đã dùng đuốc đốt lửa, đánh chiêng, khua thùng xua đuổi nhưng chúng không sợ, điềm nhiên phá phách. Rất may là sau đó đàn voi đã không tiến vào làng nên chưa có thiệt hại về nhà cửa và người. Cũng vì đàn voi quá hung dữ nên dân làng bỏ hoang hàng chục hécta nương rẫy ở khu vực ven Sông Tranh và ven suối Khe Dưng, nên nhiều hộ gia đình đang có nguy cơ thiếu lương thực trong thời gian tới...

Đảo mắt một lượt qua ngôi làng Khe Dưng, chúng tôi đếm cả thảy có 8 hộ dân. Hỏi ra mới biết, 8 hộ gia đình này có hơn 60 người. Điều đáng quan tâm, tất cả họ đều là họ hàng thân thuộc với nhau và cùng là hộ nghèo. Trừ những đứa trẻ đang theo học tiểu học, dân trong làng đều mù chữ. Một vài người già nói tiếng Kinh khá sõi, nhưng họ cũng không biết chữ. Họ nói được tiếng Kinh là do tiếp cận với cán bộ cách mạng trong những năm kháng chiến đánh Mỹ. Những năm bom đạn ác liệt ấy, đất này trong vùng hoạt động của cán bộ cách mạng căn cứ Khu ủy Khu V.

Những người lớn tuổi của làng Khe Dưng cũng không ai biết mình hiện nay bao nhiêu tuổi. Có người tính tuổi theo mùa rẫy, có người tính theo con trăng, song vẫn chẳng một ai nói chính xác tuổi của mình. Có điều, tuy cuộc sống nơi sơn cùng thủy tận, nghèo khó, nhưng dân làng Khe Dưng rất đoàn kết, họ đều ở nhà sàn sạch sẽ, ngăn nắp. Họ vẫn thủy chung son sắt với Đảng và Bác Hồ như một thuở tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên không chỉ người già mang họ Bác Hồ mà con, cháu của người Ca Dong của làng đều mang họ Bác Hồ...

Hai người con của bà Hồ Thị Sơn giống Tây, được đặt tên là Hồ Thị Dung (26 tuổi) và Hồ Văn Chin (24 tuổi). Ngồi giữa nhà sàn, rót nước mời khách, ông Hồ Văn Xía (chồng bà Sơn) khề khà nói rằng, vợ chồng ông có đến 8 người con. Nhưng, không hiểu sao Dung và Chin lại giống Tây như tạc. Trong khi đó, khách du lịch Tây chưa hề đặt chân tới Khe Dưng. "Mình xuống thị trấn Trà My đi chợ, mình chỉ thấy người Tây trong cái ti vi thôi. Cái bụng của mình nghĩ miết mà không hiểu được tại sao hai đứa con của mình lại giống Tây nữa... Mình hỏi nó (bà Sơn-NV) nhiều lần rồi. Nó cũng lắc đầu không biết...", ông Xía gật gù nói.

Chúng tôi nhờ ông Xía gọi Dung và Chin ra trước sân nhà. Thật khó tin vì cả hai nhìn rất giống người phương Tây. Chin to con và cao trên 1,72m, còn Dung cũng mập mạp, cao khoảng 1,63m. So với chiều cao trung bình của thanh niên người Ca Dong ở đất rừng này thì họ cao hơn một cái đầu. Đặc biệt, Dung và Chin đều có tóc, lông mày vàng hoe; lông tay lông chân dày đặc và trắng như cước; da dẻ trắng phau và có nhiều vết như tàn nhang, đồi mồi, sống mũi to, cao. Đi đứng lao động của Dung và Chin rất lóng ngóng, không giống như người Ca Dong sở tại. "Tổ tiên của mình ở núi Mun này. Mình cũng được sinh ra từ làng này. Rồi cũng từ bụng mình sinh ra 8 đứa con, nhưng hai đứa này thì không giống người Ca Dong mình. Nhiều người trong làng xem cái ti vi của người Kinh dưới thị trấn về nói hai đứa nó giống Tây, mình cũng không biết tại sao. Chắc là Giàng (trời) bắt chúng nó như vậy...", bà Sơn lắc đầu đượm buồn.

Để giải đáp thắc mắc của chúng tôi, già làng Hồ Văn Sết, một người họ hàng với vợ chồng ông Xía, sống trong làng kể rằng, hồi kháng chiến đánh Mỹ, có một lần bà Sơn bị thương ở chân. Chính một tay ông Sết chữa trị vết thương cho bà Sơn. Lúc đó, ông Sết có nuôi một con rái cá và đã giết thịt cho bà Sơn ăn, uống máu, uống mật, đắp mật vào vết thương, sau đó thì vết thương của bà Sơn lành hẳn. Ông Sết nghi ngờ, chính việc ông cho bà Sơn ăn thịt, uống mật và máu con rái cá nên dẫn đến sinh ra Dung và Chin khác người.

Còn ông Hồ Văn Dây, người cùng làng Khe Dưng, nguyên là y tá trong chiến tranh, sau giải phóng ông tiếp tục được đưa đi đào tạo và làm Trạm trưởng Trạm y tế xã Trà Đốc mới nghỉ hưu cách đây hơn 2 năm, thì bảo rằng, trong y học, người sinh ra con cái giống người Tây là do di truyền từ đời trước; hoặc do cha mẹ được truyền máu của người phương Tây. Nhưng cả hai nguyên nhân này gia đình ông Xía đều không có và việc Dung và Chin giống người phương Tây thật khó lí giải...

Nhưng, do giống Tây mà Dung và Chin luôn gây sự chú ý đối với người lạ và cuộc sống sinh hoạt rất lận đận. Đầu năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn về thăm tặng quà cho dân vùng động đất thủy điện Sông Tranh 2, Chin đại diện cho gia đình về xã nhận quà. Khi trao quà đến lượt Chin, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn rất ngạc nhiên và dừng lại đến khi ông Hồ Cao Quý, Bí thư Đảng ủy xã giải thích, đó là người Ca Dong thì việc trao quà mới được tiến hành tiếp. Lúc rảnh rỗi, Chin hay cùng bạn bè xuống vùng xuôi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Nhưng khi thấy Chin, nhiều người thích tò mò, dòm ngó hơn là mướn làm việc. Chin kể, đã có hàng chục lần, người lạ khi gặp Chin họ chào hỏi bằng tiếng Anh, hay tiếng Pháp gì đó; nhưng Chin không hiểu.

Rồi Chin nói bằng tiếng Kinh, giải thích mình là người Ca Dong. Tuy nhiên, có rất nhiều người vẫn không tin, do Chin nói tiếng Kinh chất giọng cứng và không rõ lắm. "Em đi một số nơi nhưng người ta thấy em da dẻ trắng trẻo, người thì cao lèo khèo, họ nghĩ rằng em là Tây đi du lịch. Họ sợ em lao động không quen nên ít có người mướn làm. Một lần ở Tiên Phước có người mướn em bóc vỏ keo nguyên liệu, nhưng sự xuất hiện của em làm cả nhóm người cùng làm lén nhìn, hỏi chuyện, tìm hiểu và cười khúc khích, làm việc thiếu tập trung, không có năng suất. Thấy vậy, sau đó người chủ cho em nghỉ việc", Chin tâm sự.

Cũng vì thế, Chin quay về làng Khe Dưng làm nương, làm rẫy kiếm sống với vợ chồng ông Xía. Dù cực khổ thiếu thốn nhưng Chin ít khi rời làng đi làm thuê... Còn Dung, chỉ vì giống Tây mà cuộc sống rất éo le và đang phải nuôi con nhỏ. Đầu năm 2005, một thanh niên tên Nhượng ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) lên núi Mun săn thú rừng rồi gặp Dung và hai người đã yêu nhau. Nhượng đưa Dung về quê ra mắt cha mẹ, họ hàng. Nhưng cha mẹ và bà con Nhượng đều hết sức bàng hoàng.

Hai chị em Chin, Dung và cháu Hồ Văn Vĩ, con trai Dung (đứa trẻ ngồi giữa)

Họ hoài nghi, bởi Nhượng nghỉ học sớm, không nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, vì đâu lại quen biết và dẫn được gái Tây về nhà (!?). Đến khi Nhượng giải thích thì mẹ của Nhượng kiên quyết phản đối, không cho Nhượng đến với Dung. Nhượng đã tâm sự với Dung rằng, mẹ Nhượng ngăn cấm là do Dung là người Ca Dong, sao lại trắng trẻo, chẳng khác chi người Mỹ, chắc chắn là lười lao động. Nếu Nhượng cưới về thì khó làm ăn sinh sống, Nhượng sẽ khổ cả đời, nai lưng làm nuôi vợ con.

Lúc đó, Dung đã lỡ trao thân và mang bầu với Nhượng và buộc phải ngậm ngùi quay về làng nương nhờ cha mẹ và sinh con. Nhượng có lên chăm sóc, thăm con được vài lần rồi bỏ đi biệt tích. Dung sinh được một bé trai, lấy họ theo mẹ và đặt tên là Hồ Văn Vĩ, năm nay 8 tuổi, đang học lớp 2. Có điều, cháu Vĩ lại không giống... Tây như mẹ. "Em cũng làm nương, làm rẫy quần quật quanh năm như người ta mới có cái mà ăn. Nhưng dân làng thì đen da, cháy nắng, còn em thì da trắng, tóc vàng, đó là do tự nhiên mà có chứ em đâu có muốn. Họ nghĩ em lười lao động là oan lắm. Mong Giàng ở trên cao cho em khỏe mạnh để làm rẫy nuôi con...".

Ngừng một lát, Dung ấm ức nói: "Kể cả thằng Chin em của Dung cũng khổ. Vì nó giống Tây nên con gái Ca Dong ở làng bên sợ không dám ưng. Nó phải tìm đến cái làng ở tận xã Phước Gia, ở huyện Hiệp Đức mới có người chịu ưng rồi cưới làm vợ. Vợ Chin đang mang bầu. Em mong sao cho vợ nó sinh con ra đừng giống người Tây, rồi khổ cả đời như hai chị em...". Bất giác, cả hai chị em Dung và Chin đều quay mặt nhìn ra phía rừng Mun xanh thẫm. Ở đó, gió rừng đang thổi ào ào. Ở đó, đang có đàn voi rừng hoang dã trú ngụ sinh con... 

Theo nhận định của các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam, trường hợp của chị em Dung và Chin như lời kể của dân làng và lãnh đạo xã Trà Đốc thì khó lý giải về mặt khoa học. Song, các bác sĩ lại thiên về khả năng di truyền. Bởi trước đây, người Pháp đã từng lên vùng Tây Trường Sơn, trong đó có vùng Trà My để khảo sát về khí hậu, thổ nhưỡng và tìm khoáng sản. Họ còn để lại những di vật, dấu mốc như trồng cây thông đỏ ở nhiều vùng có khí hậu lạnh quanh năm và có khoáng sản. Dấu tích này còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhiều khả năng hai bên gia đình bà Sơn và ông Xía có "dính dáng" đến người Pháp, nhưng bà con không nhớ rõ…

Còn theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương thì hai trường hợp khác lạ này có thể mắc bệnh bạch biến; một chứng bệnh do giảm sắc tố da trên cơ thể. Nguyên nhân còn có thể do rối loạn miễn dịch, tế bào da sinh ra những sắt tố độc, khiến chúng tiêu diệt và làm biến đổi phần da trên cơ thể. Ngoài ra, có thể do yếu tố về thần kinh và thể dịch cũng khiến cơ thể có những yếu tố bất thường về hình dáng và những khác biệt trên khuông mặt. Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Tiến còn khẳng định, thực tế thì những biểu hiện bệnh lí như trên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cơ thể, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bởi da loang lổ, trắng đen thì trông rất xấu.