La liệt bánh kẹo Tết không rõ nguồn gốc

Các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại chợ Đồng Xuân chiếm đến 70%, trong đó bánh kẹo, ô mai, mứt Tết chiếm tỉ lệ lớn.

Những ngày cận Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn, thị trường hàng hoá, đặc biệt là bánh mứt kẹo, rượu bia đang trở nên sôi động. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn lo lắng về chất lượng của mặt hàng này, bởi ngay giữa trung tâm Thủ đô, tại chợ Đồng Xuân, nhiều loại bánh, kẹo không rõ nguồn gốc, không nhãn mác và không hạn sử dụng đang được ồ ạt đóng gói, mua bán và vận chuyển.

Tại chợ Đồng Xuân, hoạt động sôi nổi nhất có lẽ là ở dãy hàng bánh kẹo, ô mai, hạt dưa, hạt hướng dương. Tại khu vực này, có gần 100 quầy hàng, mỗi ngày có hàng trăm người đến nhận hàng và đóng gói đem đi tiêu thụ.

Các loại kẹo gôm truyền thống được bán ở chợ Đồng Xuân có giá từ 35.000 – 45.000 đồng/kg, kẹo hương vị hoa quả giá từ 60.000 – 80.000 đồng/kg, bánh quy, bánh xốp giá 35.000 – 45.000 đồng/kg… trong đợt giáp tết được bán khá chạy vì giá rẻ bất ngờ. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc thì chủ cửa hàng đều thừa nhận là không biết.

Nhiều người kinh doanh bánh kẹo trong chợ Đồng Xuân lý giải: Hầu hết những loại bánh kẹo được bày bán ở đây là bánh kẹo sản suất ở Việt Nam và nhập từ Thái Lan, Singgapore, nhưng do không mất chi phí đóng gói, đóng hộp nên mới có giá rẻ như vậy.

Bánh kẹo không rõ nguồn gốc được tiêu thụ mạnh tại chợ Đồng Xuân - Hà Nội trong dịp Tết.

Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao bánh kẹo nhập khẩu lại không có nhãn tiếng Việt về thông tin sản phẩm hoặc hạn sử dụng thì tất cả người bán hàng tại chợ Đồng Xuân đều không trả lời được. Một điều đáng lo ngại là những mặt hàng được tiêu thụ mạnh này lại được nhiều người dân lựa chọn trong dịp Tết.

Bà Nguyễn Thị Thắm ở Bắc Giang chia sẻ: Năm nào bà cũng đến chợ Đồng Xuân mua bánh kẹo Tết bởi giá cả ở đây rẻ, phù hợp với túi tiền của người dân. Năm nay kinh tế khó khăn cả, hàng hóa ở đây giá rẻ, mặc dù không rõ nguồn gốc xuất sứ nhưng được bày bán công khai, chắc hẳn đã được sự kiểm soát và cho phép của của lực lượng chức năng về an toàn về thực phẩm (ATTP).

Điều dễ nhận thấy là tại chợ Đồng Xuân, các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm đến 70%, trong đó bánh kẹo, ô mai, mứt Tết chiếm tỉ lệ lớn. Ông Bùi Hữu Hòa, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 5, Hà Nội cho rằng: để giảm thấp nhất tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc, không thời hạn sử dụng thì quan trọng nhất là tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của lực lượng quản lý thị trường là với quy định của Thông tư 60 khi hàng hóa bị thu giữ, sau 3 ngày khi chủ hàng xuất trình hóa đơn, chứng từ thì cơ quan chức năng buộc phải trả lại hàng cho họ. Đây là một kẽ hở trong quy định về quản lý thị trường hiện nay.

Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, bánh kẹo không rõ nguồn gốc, không có thời hạn và không nhãn mác thường sử dụng khá nhiều phẩm màu công nghiệp, những chất này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người.

Trong thời điểm này, trước hết mỗi người tiêu dùng cần cẩn thận khi mua những loại hàng phục vụ Tết, đặc biệt với những mặt hàng không có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng.