Tranh thủ lúc vừa mới nấu bữa cơm chiều xong, chị Nguyễn Thị Hà Duyên ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) lại xách mấy túi nilon chứa đầy rác lên trên sân thượng tầng 3 nhà mình để đổ vào 3 chiếc thùng phuy to. Chị khoe: “Khoảng 3 năm nay rồi, từ khi tôi trồng rau sạch ăn, một cọng rác cũng được giữ lại để bỏ vào 3 chiếc thùng phi này ủ phân”.
Tất cả các loại từ thức ăn thừa, nước vo gạo, gốc rau, vỏ hoa quả,... đều được chị giữ lại ủ thành phân hữu cơ bón cho ruộng rau sạch chị trồng trên sân thượng.
Vỏ hoa quả được dùng để ủ phân
“Mình trồng rau cho gia đình ăn nên không muốn dùng phân hóa học, tự làm phân hữu cơ để bón cho rau nên mới tích rác đầy trong nhà như vậy. Còn cái chuyện tự ủ phân này thì tôi học được từ kinh nghiệm của ông bà ở quê vẫn tự ủ phân chuồng để bón cho lúa”, chị nói.
Chị Duyên cũng tiết lộ, công thức ủ phân cực kỳ đơn giản. Chỉ cần chuẩn bị thùng xốp (nhà chị dùng thùng phuy vì to, có thể ủ được nhiều) có nắp đậy. Hằng ngày, thức ăn thừa bao gồm: nước vo gạo, cơm canh thừa, gốc rau, vỏ dưa, vỏ chuối,... được gom lại đổ hết vào thùng. Lưu ý, mỗi ngày phải lấy gậy khuấy đều lên một lần để cho rác ngập nước dễ phân hủy.
Ủ khoảng một tuần hoặc lâu hơn càng tốt, sau đó, chắt nước đó sang một cái thùng khác để tích trữ dùng làm phân tưới rau dần. Rác tiếp tục gom hàng ngày lại đổ vào ủ như bình thường. Đến khi dùng nước phân đã ủ thì pha loãng ra cùng với nước sạch rồi tưới lên rau, chị Duyên cho hay.
Các loại rác đều được tận dụng để ủ phân hữu cơ bón rau
Theo chị Duyên, loại phân hữu cơ tự ủ tưới cho rau cực tốt, rau xanh non mỡ màng. Tuy nhiên, phân có mùi hơi khó chịu do rác phân hủy, thậm chí, thùng ủ phân nhiều khi còn có giòi bọ.
“Tôi ngửi mãi rồi thành quen, song, hàng xóm thì hay ca thán bởi hôm nào mở nắp thùng lấy phân tưới cho rau, mùi phân bay ra cách 1-2 nhà vẫn ngửi thấy”. chị nói.
Tương tự, chị Trần Thị Loan ở Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) cũng có thói quen tích đầy rác trong nhà từ 2 năm nay để ủ phân hữu cơ bón rau.
“Ngoài ủ phân nước, tôi còn ủ luôn với đất trước khi trồng rau khoảng nửa tháng”. Chị nói và cho biết, cách này được áp dụng để làm cho đất tới xốp và có nhiều chất dinh dưỡng hơn. Còn rác ủ thì cũng dùng các loại rác giống như rác ủ với nước. Cứ một lớp rác, một lớp đất cho đến khi đầy lên miệng nắp thùng.
“Nhờ tích từng cọng rác trong nhà mà trong hai năm trồng rau sạch, tôi chưa từng phải bỏ một đồng nào để mua các loại phân hóa học về bón cho rau. Trong khi đó, rau vẫn xanh tốt, ăn lại cực kỳ yên tâm, không sợ độc hại”, chị khoe.
Bỏ tiền mua rác
Không những gom đủ các loại rác trong nhà, nhiều người ở Hà Nội còn bỏ tiền mua rác rau ngoài chợ về tích đầy nhà để ủ thành phân hữu cơ.
Chị Phan Diệu Linh (Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, nhà chị trồng vườn rau trên sân thượng rộng 40m2. Nếu chỉ dùng rác trong nhà làm phân hữu cơ bón cho rau thì không thể đủ nên chị phải mua thêm rác ngoài chợ.
“Nói là mua nhưng số tiền bỏ ra mỗi lần chỉ 5.000-10.000 đồng cho cả một bao tải rác to đùng”. Chị cho hay, các bà hàng rau hay hàng hoa quả ở chở thường hái rau, bổ hoa quả sẵn cho khách nên có cả đóng gốc rau, vỏ hoa quả thừa ra. Do đó, khi đi chợ chỉ cần nói mấy người bán để lại cho chị, chị trả cho họ vài nghìn đồng là họ đồng ý ngay.
“Có hôm mua 10.000 đồng tiền rác mà được tận 2 bao tải to. Lúc đó, chất lên xe máy chở rác về mà mẹ chồng tôi bảo mua được rác còn vui hơn bắt được vàng”, chị cho hay.
Thừa nhận, bà Nguyễn Thị Liên ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, ngày trước bà bán rau, mỗi lần ngồi nhặt rau sẵn cho khách, gốc rau không biết bỏ đi đâu. Những lúc đó, bà phải đóng thêm tiền cho người gom rác vì gốc rau, rác tại sạp rau của bà thải ra quá nhiều.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, không những không phải đóng thêm tiền đổ rác, bà còn bán được cho người dân.
“Mới đầu thấy mọi người hỏi tôi ngạc nhiên lắm, hỏi mua rác về làm gì thì họ bảo để ủ làm phân bón rau. Sau đó một thời gian, càng ngày người hỏi mua càng nhiều nên mấy mối quen bèn đặt trước tôi, mỗi người lấy một ngày”, bà Liên nói.