Bàn về điều này, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Xuân Nhĩ lại cho rằng không nên tổ chức nhiều đợt xét tuyển đến như thế bởi vừa mất thời gian lại khiến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” càng trầm trọng.
"Hút" hết thí sinh vào đại học, liệu có nhân văn?
“Bởi nếu làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường thì chắc các em học sinh cũng sẽ chỉ chọn một hai hướng mà thôi. Bộ thì cho rằng như thế để tạo nhiều cơ hội nguyện vọng hơn cho học sinh nhưng theo tôi là không nhất thiết cứ phải học xong THPT là phải vào được ĐH. Rồi còn kéo dài 16 lần xét tuyển sẽ rất mất thời gian”, ông Nhĩ nói.
Theo ông Nhĩ, chỉ cần 2 đợt xét tuyển vào các trường ĐH là đủ, số còn lại sẽ đăng ký vào các trường nghề. “Thực ra nếu làm tốt hướng nghiệp từ đầu, thì với hơn 1 triệu thí sinh thi ta chỉ cần lấy được khoảng hơn 300.000 thí sinh cho ĐH ngay đợt xét đầu tiên là đã được rồi. Thêm một đợt nữa để điều chỉnh cho các trường còn thiếu chỉ tiêu.
Nếu xét tuyển tới 16 lần như này là vẫn còn theo lối suy nghĩ không vào được ĐH là không đạt được điều gì đó. Thực tế hiện rất nhiều sinh viên cầm tấm bằng ĐH ra trường để rồi vẫn đã có việc đâu, không muốn nói là thất nghiệp. Chúng ta suy nghĩ nhân văn cho các em vào ĐH hết rồi để lúc ra lại không có việc làm thì lại thành phi nhân văn”, ông Nhĩ phân tích.
Ngoài ra, ông Nhĩ cho rằng, Bộ GDĐT cần tính toán cân đối và giao chỉ tiêu cho các trường một cách hợp lý thì sẽ chẳng gây khó cho trường nào trong việc tuyển sinh đủ chỉ tiêu, điều này cốt là do Bộ khống chế.
Tăng cơ hội cho thí sinh, trường ngoài công lập "chống đói"?
Trao đổi với cô Nguyễn Thúy Anh (giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu) cho rằng, với 4 đợt (tương ứng với 16 lần xét tuyển) rõ ràng học sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn hẳn trước đây. Tuy nhiên, sự phân hóa các trường ĐH top đầu và sau cũng sẽ rõ hơn, và điều này sẽ buộc các trường ĐH phải tự thay đổi để thu hút được đầu vào sinh viên có chất lượng.
Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội), cho rằng việc mỗi thí sinh có bốn giấy báo điểm, mỗi giấy báo điểm lại có bốn nguyện vọng để nộp vào một trường điều này tạo điều kiện tốt, tăng cơ hội cho thí sinh nhưng lại gây khó khăn, vất vả cho các trường vì hồ sơ ảo.
Tuy nhiên, ông Phú cũng ủng hộ 4 đợt xét tuyển bởi cũng giống như trước đây. Và trong từng đợt lại có 4 nguyện vọng cũng là điều chấp nhận được bởi kỳ thi THPT quốc gia sẽ có nhiều tổ hợp môn thi và trong một ngành có thể xét tuyển bằng nhiều tổ hợp môn thi khác nhau.
Trước những lo ngại việc trường có thể không tuyển đủ chỉ tiêu do thí sinh được đăng ký nguyện vọng sau khi đã biết điểm thi, ông Phú cho rằng việc này không đáng lo, mà ngược lại giúp trường tuyển được những thí sinh phù hợp hơn. Chưa kể, không xảy ra tình trạng có những thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH như trước đây.
Ông Phú nói: “Những TS không trúng nguyện vọng 1 thì vẫn có cơ hội với các nguyện vọng khác. Đồng thời giúp những trường thiếu chỉ tiêu có thêm cơ hội nhận được hồ sơ đăng ký. Vẫn từng ấy trường ĐH, vẫn từng ấy chỉ tiêu, các trường top trên khi đủ chỉ tiêu thì các thí sinh còn lại thấy trường nào hấp dẫn thì tiếp tục đăng ký vào thôi. Điều này dẫn tới việc các trường phải tự phấn đấu”.
Do đó, ông Phú cho rằng không phải vì cách tuyển này của kỳ thi THPT mà các trường top trên lấy hết thí sinh.
Còn thầy Trần Đình Trợ (trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho rằng với việc trong mấy năm qua, nhiều trường ĐH ngoài công lập đang "đói" SV thì việc thay đổi này của Bộ có thể sẽ giúp các trường ĐH tuyển đủ học sinh trong các năm tới.