Kỹ sư 'cha đẻ' máy bức xạ từ bóc mẽ 'chiêu' tìm xác chị Huyền của TS Bằng

Kỹ sư Nguyễn Văn Hào cho rằng, chiếc máy bức xạ từ mà TS Bằng dùng tìm xác chị Huyền thực chất hoạt động là nhờ cổ tay chứ không theo bất kỳ nguyên lý nào...

Chị Lê Thị Thanh Huyền (Hà Nội) đi hút mỡ bụng, bơm ngực ở Thẩm mĩ viện Cát Tường (trên đường Giải Phóng) không may bị tử vong. Đau đớn hơn, xác chị đã bị chủ thẩm mĩ viện là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phi tang xuống sông Hồng.

Từ đó tới nay đã hơn 4 tháng, gia đình chị Huyền đã dùng đủ các phương thức từ "nhà ngoại cảm" đến nhà khoa học đều chưa tìm thấy xác. Gần đây, TS Vũ Văn Bằng, thành viên Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam dùng máy bức xạ từ thứ cấp để tìm nhưng vẫn chưa thể đưa được thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền về với gia đình.

Chiếc máy "có 1 không 2 trên thế giới" của TS Bằng đang được gia đình chị Huyền đặt niềm tin thì lại có một số nhà khoa học đã thẳng thắn phản bác về “cái gọi là máy” này thực tế chỉ là "lừa bịp", "không có khả năng" giúp tìm kiếm thi thể.

PGS.TSKH Phan Văn Quýnh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thực tế chiếc máy này dù được cho là của TS Bằng nhưng lại do nhà chế tạo máy Nguyễn Tử Ánh - Anh hùng Lao động và kỹ sư Nguyễn Văn Hào, cán bộ Xí nghiệp Địa vật lý, Liên đoàn Địa vật lý chế tạo ra.

Trước những thông tin này, để có cái nhìn khách quan, chúng tôi đã liên hệ và có cuộc trao đổi với Kỹ sư Nguyễn Văn Hào - một trong hai người được cho là đã chế tạo ra chiếc máy.

Xác nhận với chúng tôi, Kỹ sư Nguyễn Văn Hào cho biết, chiếc máy của TS Vũ Văn Bằng dùng trong việc tìm kiếm thi thể chị Huyền trên sông Hồng được ông và đồng nghiệp lắp ráp vào năm 2008.

"Năm 2008, Tiến sĩ Vũ Văn Bằng có đến chỗ chúng tôi đưa ra ý tưởng dùng cung lệch tâm và muốn chúng tôi làm cho một cái máy trơn tru quay, sau đó là biểu diễn những cái số vòng quay, tần số góc, tốc độ lấy tia trên chỉ thị... Ông Bằng cũng có nói là dùng máy này để đo tia đất.

Sau đó chúng tôi đã thực hiện hợp đồng, lắp thành chiếc máy này. Thực tế khi làm, chúng tôi thấy chiếc máy cũng chẳng theo một cái gì và không biết dùng vào việc gì, tác dụng như thế nào cả nên nghĩ rằng chắc ông này có biệt tài gì đó thì mới dùng được và ông ấy nói theo lập luận của riêng mình. Còn ngay cả tôi làm ra cũng chẳng dùng được... ", Kỹ sư Hào cho hay.

Theo Kỹ sư Hào, thực chất chiếc máy mà TS Bằng gọi là máy bức xạ từ thứ cấp được lắp với các bộ phận khá đơn giản.

"Chiếc máy này bao gồm một cái khung lệch tâm quay được lắp vào một vòng bi và ở dưới là một trục, sau đó, đặt hệ thống biến đổi từ vòng quay thành tín hiệu điện. Trước đấy, khi máy này được ông Bằng làm thì không có hệ thống điện tử mà khi chúng tôi sáng tạo ra thì có làm một cái đếm vòng kỹ thuật số lắp ở dưới đuôi của máy.

Bộ phận đếm vòng đó sẽ biến đổi từ vòng quay ra tín hiệu điện và chính tín hiệu điện đấy sẽ được truyền qua hộp máy bằng dây dẫn. Bên trong hộp đó có một vi xử lý để xử lý, bên trên có chỉ thị, có nút menu bao gồm nút enter, nút up, nút down...

Khi nó quay ngược, quay xuôi thì nó biểu hiện lên vận tốc góc, vận tốc vòng, số vòng... Đó là những cái mà chúng tôi có thể làm được ở chiếc máy đầu tiên còn sau đó, ông Bằng có thể thuê chỗ nào đó để làm thêm máy khác và việc sử dụng thế nào thì tôi cũng không biết...", Kỹ sư Hào nói.

Về nguyên lý hoạt động của máy, Kỹ sư Hào khẳng định, máy hoạt động thực chất là nhờ quay cổ tay chứ không theo bất cứ nguyên lý nào.

"Một người học Vật lý sơ đẳng nhất cũng phải hiểu là từ trường là gì và không thể có từ sơ cấp, từ thứ cấp... Những cái gọi là trường vong cho đến bây giờ khoa học kỹ thuật vẫn không thể kiểm chứng được và chắc chắn không thể nào có. Bởi áp dụng từ định luật bảo toàn năng lượng ra, đối với người chết rồi thì không còn năng lượng vào thì làm sao có thể hoạt động được.

Và vật liệu chia ra làm 2 loại là nhiễm từ và không nhiễm từ. Với loại nhiễm từ thì không có xương cốt nên không thể có chuyện phóng hay gì cả.

Thêm vào đó, cơ quan tôi là đơn vị sản xuất máy đo từ nên chúng tôi hiểu rõ để sản xuất được một máy từ để đo được từ trường trái đất mà trong môi trường nhiễu là vô cùng khó.

Còn với chiếc máy mà chúng tôi lắp cho ông Bằng thì không có nguyên lý hoạt động nào cả. Chúng tôi làm theo ý tưởng đặt hàng và chúng tôi là nhà vật lý nhưng chúng tôi cũng không biết nó hoạt động theo nguyên lý gì. Máy quay hay không là do nghệ thuật lắc cổ tay, bởi cái trục lệch tâm của máy này chỉ cần lắc là quay chứ không cần tác động gì cả...", Kỹ sư Hào nhấn mạnh.

Về khả năng xác định được xác chết trong vòng bán kính 200m của chiếc máy này, Kỹ sư Hào bày tỏ: "Việc có tìm được thực hay không thì tôi cũng không biết và cũng không được kiểm chứng. Nhưng nếu muốn chứng minh xem có công dụng thật hay không thì rất đơn giản.

Thực tế, một ngày có rất nhiều người qua đời phải đi vào đài hóa thân Hoàn Vũ, vậy hãy đề nghị TS Bằng cố định cái phần được gọi là ăng - ten ở cổng của khu vực này, sau đó bật máy.

Giả sử, ôtô chở thi thể người đi qua mà thấy máy quay thì rõ ràng đây là máy xịn thật và cách đến 20 - 30m mà vẫn quay thì máy đó là số 1 thế giới. Còn nếu không có điều đó thì máy không đúng.

Còn câu chuyện này chúng tôi cũng không muốn nói nhiều nữa bởi đây là việc hiển nhiên như vậy mà vẫn có người tin vào thì chẳng còn biết nói thế nào".