Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài bà Bảy vô tình nhặt được “báu vật”, còn có nhiều người khác đã tìm thấy những món đồ quý hiếm mà người xưa để lại, trong đó cũng có nhiều món đồ được cho là làm từ vàng nguyên chất…
Chuyện thường ngày ở vùng đất huyền bí: Làm rẫy cuốc phải đồ cổ
Sau hơn một tuần lang thang khắp vùng đất ở Phú Long, kể cả nghĩa địa và những nơi lưu dấu người Chăm từng sinh sống, ở đâu người dân cũng sôi sục hoài nghi nơi đây là vùng đất cổ vật.
Một người quản trang núi đá Ông Đại cho biết, người Chăm trước kia ở đất này khi chết đã làm nhiều nghi lễ kỳ bí. Theo đó, khi ai đó mất, họ đều gọi linh hồn về bảo vệ các đồ vật quý giá trong nhà, bảo vệ vùng đất của tổ tiên và đặc biệt, khi nào thấy người tốt thì báo mộng cho họ biết có cổ vật chôn giấu.
Cũng theo ông lão quản trang này thì đã nhiều đêm, nằm mộng ông thấy nhiều “bóng ma” người Chăm vác gươm giáo đi canh giữ những nơi mà người dân từng đào được cổ vật.
Kể chuyện những người dân từng tìm thấy cổ vật ở quanh nơi mình đang sinh sống, anh Nguyễn Cang, con trai bà Bảy bộc bạch: “Vàng thì không có nhưng đồ cổ thì nhiều lắm. Mới đây thôi, trong lúc làm rẫy tôi cuốc phải một cái bình tròn tròn rất kỳ lạ. Sau đó chúng tôi đào sâu xuống tiếp thì phát hiện ra một ổ lỏn chỏn các bình vôi của các cung tần từ thời vua Chàm.
Chẳng hiểu sao cán bộ bảo tàng và công an biết chuyện này, họ ào ào kéo đến. Cán bộ bảo tàng xem xong các bình vôi khẳng định ngay đây là đồ cổ, rất quý và họ đã tịch thu hết những món đồ đó và có cho tôi mấy trăm ngàn uống nước thôi. Cổ vật đó quý giá đến đâu họ cũng chẳng cho chúng tôi biết”.
Theo miêu tả của anh Cang, những bình vôi này được thiết kế kiểu có hoa văn nổi quanh miệng, phía dưới loe ra, rất giống các hũ đồng từ thời xưa. Khi dùng chiếc que sắt gõ vào thì tiếng kêu từ chiếc bình ngân lên giống y hệt như tiếng của chuông đồng, rất lạ. Khi đập vỡ một chiếc bình ra thì thấy bên trong vẫn còn có vôi trắng.
Anh Cang cho biết thêm, nhiều người dân ở đây thỉnh thoảng đi làm rẫy cuốc được cổ vật. Sau số cổ vật của anh, cán bộ bảo tàng liên tục qua lại Phú Long xem người dân có đào được cổ vật nữa hay không. Bởi trước đây do không hiểu biết nên ai đào được cũng chỉ mang bán lấy tiền uống rượu, chẳng cần biết những thứ đó quý giá thế nào.
Người xe ôm dẫn đường cho chúng tôi cũng khẳng định rằng, gần 1 năm trước, ông liên tục chở các nông dân ở Phú Long về Phan Thiết bán đồ cổ. Lúc thì bán cơi trầu, lúc thì bình hoa, lúc thì bán cái mâm…
Bà Bảy và 'ngựa vàng'
“Có lần một người trúng giá bán được mấy triệu còn mời tôi uống rượu suốt cả buổi chiều ở Phan Thiết. Trong cơn say ông khách này còn bảo, các đồ cổ ở Phú Long được làm trong cung điện vua Chàm nên rất thiêng, nhưng người dân ở đây không biết điều này, mới bán rẻ thế đấy. Không biết dưới lòng đất còn bao nhiều cổ vật nhưng chắc chắn phải còn rất nhiều.
Lại có lần, người đàn ông có tướng tá rất kỳ lạ đeo một bao tải đựng toàn tách trà màu nâu thẫm, ông ta có vẻ rất bí mật và bảo đó là đồ thiêng mua từ Phú Long. Đồ này phải mang về Sài Gòn mời pháp sư trấn yểm rồi mới trưng bày trong nhà được, nếu không sẽ bị nhiễm độc khí là… toi ngay.
Âm hồn của các quý tộc Chàm thường lưu luyến các cổ vật nên phải lập đàn để xin họ cho mình sở hữu thì mới được. Trước khi cúng phải tắm rửa sạch sẽ và kiêng kỵ gần gũi phụ nữ trong 3 ngày trước đó”, ra chừng hiểu biết, người chạy xe ôm này kể.
Những đồn đoán về kho báu chưa bao giờ kết thúc…
Từng có dòng tộc Chăm xa xưa sống trên đất Phú Long, Phú Hài là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, kho báu có được lưu giữ ở đây không thì vẫn đang là một bí ẩn.
Sống quá nửa đời người, bà Nguyễn Thị Bảy tâm sự: “Tôi vẫn tin báu vật của mình là vàng và hàng ngày cầu trời cho báu vật quay lại đây, ai nói gì mặc kệ. Vua Chàm có ở đây hay không thì tôi không biết nhưng rõ ràng các báu vật tìm thấy đều hiển thị dấu ấn của thời vua chúa xưa mà. Có chết thì tôi cũng chờ đợi tìm báu vật”.
Ông Nguyễn Đức, một người già ở Phú Long cũng kể rằng: “Ngày chúng tôi đến đây lập nghiệp thì người Chăm chỉ còn lại rất ít, họ di chuyển lên Phú Hài và sống quanh các chân tháp Po Sah Inư (phường Phú Hài, Phan Thiết) do tổ tiên họ xây dựng. Chúng tôi tin rằng trong các tháp đó chắc chắn có báu vật vua Chàm.
Tuy nhiên, giờ Po Sah Inư đã trở thành khu di tích lịch sử nên không ai được quyền xâm phạm. Có thể thời gian sau này người ta lại khai quật các tháp cổ đó lên để tìm kiếm. Tất cả, không nói trước được điều gì”.
Những ngày lang thang ở Phú Long, nhiều cao niên ở đất này đã khẳng định, Phú Long đang sở hữu đến 3 kho báu của vua Chàm. Những kho báu này ẩn sâu trong lòng đất, được trấn giữ bởi những trinh nữ bị táng sống. Vị trí của những kho báu này ở đâu thì không ai biết đích xác bởi tất cả mọi thông tin đều do truyền miệng chứ không có văn bản cụ thể nào.
Dẫu trời đổ mưa nhưng theo hướng chỉ tay của ông Đức chúng tôi quyết tìm đến khu đền Po Sah Inư. Nhiều khách tham quan khi được hỏi đều nhận định đây là khu lưu giữ nhiều của quý của vua Chàm suốt nhiều năm trước khi lụi tàn.
Nhóm đền Posah Inư tọa lạc trên đồi Lầu ông Hoàng thuộc Bà Nài xã Phú Hải (chỉ cách Phú Long chừng 5km). Ngay trong tháp chính còn lưu dấu rất nhiều vết tích của vua Chàm như các chiếu chỉ, các điều lệ… Riêng kỹ thuật xây dựng và trang trí nghệ thuật còn lại ở thân tháp đủ gợi lên yếu tố thẩm mỹ khá riêng biệt và độc đáo.
Người Chăm xây dựng nhóm đền tháp này với mục đích để thờ vị thần Shiva, một trong những vị thần Ấn Độ giáo được người Chăm sùng bái và tôn kính. Thế kỷ 15, người ta đã xây dựng thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Po Sah Inư, con vua Para Chanh, người có tài đức và phép ứng xử nên được người Chăm đương thời yêu quý.
Theo nhiều người dân, đây có thể là chốn linh thiêng nên các báu vật quý của vua Chàm sẽ được chôn dưới đáy sâu các chân tháp.
Ông Nguyễn Thành Hoàng, một nhà nghiên cứu điền dã đến từ TP. Hồ Chí Minh phán đoán: “Các cổ vật rơi vãi ngoài ruộng rẫy nhân dân thường hay đào được chỉ là những thứ đơn giản. Có thể thứ quý giá hơn được cất giấu ở nơi kiên cố và cẩn mật”.
Năm 1993, đã có nhiều cuộc khai quật khảo cổ tại nơi đây và đã phát hiện ra ngoài 3 tháp chính. Khu này ngày xưa còn có một đền thờ lớn, nhưng đền thờ này đã bị chôn vùi sâu dưới lòng đất từ hơn 300 năm nay. Nhiều người nghi ngờ có thể báu vật nằm trong sự chôn vùi đó. Hiện nay nhà nước bảo vệ và trùng tu cẩn thận khu di tích này nên nếu có kho báu thì cũng không lo bị kẻ xấu khai quật.
Kho báu có thật hay không thì phải chờ đến các nhà khoa học nghiên cứu và khai quật. Tuy nhiên, lúc chia tay Phú Long, Phú Hài điều cứ ám ảnh mãi chúng tôi là hình dáng bà Nguyễn Thị Bảy cứ điên đảo vì ảo mộng vàng, thấp thỏm chờ ngày báu vật quay về.
Lời kể của Nguyễn Cang về việc bập 3 nhát cuốc đã thấy một ổ cổ vật cũng luôn ám ảnh và gợi sự tò mò của chúng tôi bởi câu hỏi còn bao nhiêu ổ cổ vật như thế đang nằm sâu trong lòng mảnh đất tồn tại vô vàn những điều huyền diệu này?