Đặc biệt, ngôi chùa này lại có rất nhiều bức tượng của những ấu nhi chưa từng có mặt trên cuộc đời này nhưng đã vĩnh viễn phải ra đi về cõi vĩnh hằng vì nhiều lý do khác nhau. Và, xung quanh những bức tượng ấy cũng có rất nhiều những câu chuyện kỳ bí kèm theo cả những tiếng khóc, tiếng cười lúc nửa đêm của những linh hồn bé nhỏ.
Câu chuyện của những linh hồn
Chúng tôi tìm tới chùa Từ Quang vào một buổi trưa nắng gắt ngày đầu năm mới. Trong khuôn viên u tịch nhuốm màu từ bi, khác với nhiều ngôi chùa khác ở thành phố hiện nay, khách đến chùa hầu hết đều lặng lẽ, ít nói cười cũng như tiếp xúc với người xung quanh.
Dường như, ai đến đây cũng đều mang nặng một tâm trạng, một nỗi niềm và những ẩn ức của riêng mình. Họ, ngoài đức Phật hiền hòa trên cao chứng giám, có lẽ chỉ còn biết lặng lẽ khấn vái trước những bức tượng ấu nhi đang nhảy múa, ca hát trong đủ các tư thế sinh động kia mà thôi.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi trên chiếc ghế đá ở sau gốc cây cổ thụ trong sân chùa, ni sư Như Lan chia sẻ: Chùa Từ Quang này từ lâu đã là nơi an nghỉ của những vong hồn hài nhi chưa từng chào đời, bị cha mẹ chúng, vì một lý do nào đấy.
Bởi theo quan niệm nhà Phật, những sinh linh dù chưa chào đời nhưng cũng là con người nên chẳng may mất đi, chúng sẽ vẫn có linh hồn như những người quá cố khác. Vì thế, những bức tượng ấu nhi được tạc khéo léo, sinh động với nhiều tư thế khác nhau để những bậc cha mẹ đã trót lầm lỡ đến đây có nơi thờ tụng.
Rồi, vừa nhìn ra gốc cây cổ thụ phía trước, ni sư vừa tiếp tục kể. Ngày xưa, khi chưa có những bức tượng ấu nhi với nơi thờ như bây giờ, những bậc cha mẹ tới chùa sám hối về những lỗi lầm của mình thường khắc tên đứa con chưa từng chào đời của họ vào gốc cây này. Mà đó cũng không phải là những cái tên bình thường như chúng ta vẫn gọi, mà là những cái tên khá lạ như, Lầm, Lỗi, Tha Thứ…
Sau đó, lượng người đến chùa sám hối đông quá, những cái tên cũng không còn chỗ để khắc nữa nên Trụ trì chùa đã đi quyên góp phật tử hảo tâm, xây dựng một bức tượng bồ tát cùng những tượng ấu nhi với một gian thờ tự dành riêng cho những người đã trót giết chết đứa con của mình.
Mỗi khi có người đến chùa để bày tỏ tâm nguyện, trụ trì sẽ đặt tên cho sinh linh nhỏ bé kia, tùy theo ước nguyện của cha mẹ chúng. Sau đó nhà chùa sẽ làm lễ, lập bài vị của sinh linh này, cúng mời về đây vui vầy cùng chúng bạn.
Vừa bước chân lên những bậc tam cấp lát đá màu xanh xám, chúng tôi vừa cảm thấy một không khí linh thiêng trong làn hương trầm nhè nhẹ. Nơi đó, với một gam màu khá lạ lẫm, một tượng bồ tát với hàng chục những bức tượng ấu nhi như đang quây quần, nô đùa, vui chơi trong một thế giới đầy hoa cỏ hiện ra, bàng bạc mà cũng làm nhiều người rớt nước mắt.
Ni sư Như Lan kể: Những người tìm đến chùa Từ Quang hầu hết từng vứt bỏ đứa con trong bụng mình vì một vài lý do gì đấy trong cuộc sống. Sau này, khi nghĩ lại hoặc gặp những quả báo trong cuộc sống, họ mới giật mình và tìm đến chùa để sám hối, để mong chuộc lại những lỗi lầm trước kia. Như một bà mẹ trẻ ở dưới Long Thành (Đồng Nai) lên trên thành phố này làm công nhân chẳng may có thai với một người đàn ông. Sau này chị ta mới biết anh ta đã có vợ con rồi nên không thể giữ cái thai trong bụng được.
Những bức tượng ấu nhi tại chùa.
Những tưởng, cái đêm chị lén lút đi đến phòng khám hút thai ở phía sau khu công nghiệp Tân Tạo sẽ mãi mãi không ai biết, sẽ chìm vào dĩ vãng vì bây giờ chị đã có gia đình, có con cái rồi. Thế nhưng, gần đây, mỗi đêm nằm ngủ, chị lại nghe có tiếng trẻ con kêu khóc đòi quà, đòi sữa, cả tiếng kêu cứu xin tha mạng nữa.
Nhớ lại quá khứ đầy tội lỗi với chính đứa con không biết là nam hay nữ của mình, chị bèn tìm lên chùa Từ Quang xin làm lễ sám hối. Sau đó, chị đặt tên đứa con mình là Tâm rồi lập bài vị, thường xuyên thắp nhang những ngày lễ tết. Lạ thay, kể từ đó đến nay, chị ta bảo đã không còn nằm mơ thấy tiếng trẻ em nữa.
Nhưng, đó không phải là câu chuyện duy nhất ở ngôi chùa hàng trăm năm tuổi này. Bởi từ trước đến nay, đã có hàng hàng người tìm đến chùa với mong muốn được thanh thản trong tâm hồn sau khi đã phạm phải những lỗi lầm trong quá khứ.
Ngoài ra, chùa Từ Quang còn tổ chức định kỳ đại lễ cầu siêu cho những linh hồn chưa từng sống trên thế gian nay vào ngày rằm tháng Tám (tức tết Trung thu) hàng năm với sự tham gia của hàng ngàn người, đa phần là những cha mẹ đã từng vứt bỏ đứa con của mình trong quá khứ.
Đại lễ này không chỉ mang đến sự an ủi, thanh thản cũng như làm vợi bớt một quá khứ lỗi lầm mà nó còn thức tỉnh hàng ngàn những người khác đang có những ý định tàn ác kia hãy bình tâm suy nghĩ, xét suy lại bản thân mình mà đặt sự sống của những sinh linh bé nhỏ lên hàng đầu. Đó cũng chính là ý nghĩa to lớn của lễ hội cầu siêu cũng như mục đích của chùa khi làm những bức tượng lạ lùng này.
Ám ảnh suốt cuộc đời
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quanh khu vực chùa Từ Quang này có rất nhiều khu công nghiệp cũng như hàng chục ngàn công nhân là những thanh niên trẻ ở các tỉnh, thành lân cận về đây làm việc. Vì thế, chuyện người ta phá thai, nạo hút thai nhi cũng khá phổ biến với hàng trăm lý do khác nhau trong cuộc sống.
Thế nên, sau khi đã bừng tỉnh, đủ lý trí để nhìn lại cái việc tày đình mà họ làm, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra, họ đã giết chết một sinh linh, một sinh linh bé bỏng là con của chính mình. Vì vậy, để mong tìm lại chút an ủi, sự thanh thản thì không còn cách nào khác, họ đành nương náu chốn thiền môn, nhờ sự từ bi độ lượng của Phật để mà tiếp tục sống.
Ngoài ra, trong thời gian tìm hiểu về những câu chuyện xung quanh những bức tượng ấu nhi này, nhiều người từng gắn bó với chùa Từ Quang đều quả quyết với chúng tôi rằng, những linh hồn đồng nhi ở đây là có thật. Cụ thể, không ít đêm khuya thanh vắng, mọi người đã nghe thấy tiếng khóc oe oe, tiếng cười trong trẻo, tiếng đòi sữa, đòi quà…của những linh hồn ấu nhi nơi này.
Đặc biệt, ở quanh gốc cây cổ thụ mà trước kia từng khắc tên của hàng trăm em nhỏ thì rất nhiều người từng nghe thấy những âm thanh như vậy vang lên.
Theo quan sát của chúng tôi, dưới chân những bức tượng ấu nhi ở đây còn có cả những hộp sữa, hộp bim bim, những đồ chơi trẻ em, những chiếc nón, chiếc nơ, chiếc váy…bé bỏng nhưng vô cùng xinh xắn.
Theo sư trụ trì Thích Giác Thiện thì đó chính là những đồ vật mà những cha mẹ lầm lỡ đang mua để mong cho đứa con bất hạnh của mình ở thế giới bên kia được vui vẻ, siêu thoát. Thêm nữa, sư trụ trì cũng cho rằng, với lối sống có nhiều biểu hiện tiêu cực của giới trẻ hiện nay, chuyện người ta đi phá bỏ cái thai, hay thực chất chính là tự tay giết chết đứa con trong bụng mình đang diễn ra ngày một nhiều...
Tuy nhiên, nếu con người ta có thể sống an nhiên sau khi đã làm cái việc tội lỗi ấy thì có bao giờ họ tự hỏi, sinh linh bé bỏng đã bị họ cướp đi sự sống ấy ở thế giới bên kia đang nghĩ gì. Chúng sẽ kêu gào thảm thiết rằng, tại sao mẹ, cha lại giết con. Con đã làm gì nên tội! Vì thế, nếu có lỡ gây ra nghiệp oán, xin những con người còn chút nhân tâm hãy tìm đến với đức Phật để được người che chở, để cầu cho linh hồn kia được siêu thoát, được lên trên thiên đường để hưởng niềm vui thay vì vất vưởng chốn nhân gian.
Sư Thiện cũng bảo với chúng tôi rằng, gần chục năm qua, ông đã cầu siêu cho linh hồn của không biết bao nhiêu sinh linh bé bỏng theo yêu cầu của cha mẹ chúng. Có nhiều người, sau khi đang tâm phá bỏ cái thai trong bụng mình đã mắc nhiều chứng bệnh. Đó phần nhiều là những bệnh lý về thần kinh sau khi đã phải chịu những cú sốc quá lớn.
Như một bà mẹ ở trên Gò Dầu (Tây Ninh) chẳng hạn. Chị ta lỡ có thai với tình nhân trong thời gian chồng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan nên không còn cách nào khác, chị đành phải phá bỏ cái thai khi mới được hơn 3 tuần tuổi.
Những tưởng, làm như vậy thì chồng chị sẽ không biết những việc làm tội lỗi của mình để cuộc sống gia đình được ấm êm. Nhưng ai ngờ, mỗi khi nghĩ đến đứa con trong bụng, chị lại bấn loạn thần kinh. Dần dần, chị phát điên vì những ám ảnh, những dằn vặt khôn nguôi mà không có cách gì chữa trị được.
Biết chuyện, mẹ và em gái chị ta đưa xuống chùa, làm lễ và cúng cầu siêu, mong linh hồn bé bỏng chốn linh thiêng hay tha thứ, từ bi với người mẹ tội lỗi này. Lạ thay, sau đó chị ta dần tĩnh tâm, tỉnh táo và khỏe mạnh lại. Từ đó, mỗi tháng chị ta đều dành thời gian xuống chùa làm lễ, coi như một lần gặp lại đứa con bé bỏng của mình ở thế giới bên kia, thông qua lòng từ bi của đức Phật vậy.