Thành thạo như thợ
Vào một buổi trưa giữa tháng 6, khi chúng tôi tìm được đến nhà Nhàn cũng đúng là lúc cô gái này ăn cơm xong và bắt đầu công việc đào giếng của mình.
Sau khi tiến nhanh về phía miệng giếng, bằng những động tác khá thuần thục, Nhàn đưa một chân bước xuống bậc thang tự tạo bằng cách khoét sâu vào phía trong vách, chân kia đạp vào thành đối diện và 2 tay dang rộng sang 2 bên, rồi tụt xuống dưới đáy một cách nhẹ nhàng.
Khoảng hơn 5 phút sau, khi đất đào được đã đổ đầy vào chiếc gàu tự tạo bằng can nhựa tròn cũ nối với chiếc dây tếch bằng vải, Nhàn leo lên trên miệng và kéo gàu đất lên đổ sang cạnh bên... Cứ thế công việc đào giếng của Nhàn diễn ra suốt nhiều tháng liền.
Ban đầu vật dùng để xúc đất là chiếc thìa nhôm, thế nhưng sau đó thìa bị gãy nên Nhàn dùng nắp cà men thay thế. Để chống nắng, Nhàn còn tự tay tìm vải cũ may một tấm màn vuông vắn khá xinh, rồi dùng dây cột vào 4 gốc cây che ở phía trên, đồng thời dùng tre và vải làm tấm phên đậy trên miệng giếng mỗi khi không đào nữa.
Một số dụng cụ mà Nhàn dùng để đào giếng
Dù không sử dụng bất cứ một dụng cụ đo đạc gì, thế nhưng miệng giếng tròn và thẳng đến mức khó tin. Để đào được giếng tròn và sâu thẳng như vậy nếu không dùng thước và dây để gióng, đo cho khỏi lệch trong quá trình đào, thì khó có người thợ nào đào được như vậy, anh Nguyễn Thanh Bình, một thợ đào giếng chuyên nghiệp nói.
Chuyện lạ có thật
Theo lời của người cha ruột là ông Huỳnh Kỳ (62 tuổi), thì Nhàn là đứa con gái thứ 4 trong số 5 anh em. Nhàn bị câm điếc và mắc chứng bệnh thần kinh từ khi lên 10 tuổi.
Giếng này được Nhàn bắt đầu đào vào khoảng đầu tháng 3 vừa qua. Lúc đầu khi thấy Nhàn lấy một cái thìa (muỗng) lớn, chiếc liềm gãy gần đến cán và một chiếc rổ nhựa ra khoảnh đất vườn phía bắc của gia đình đào, mọi người cứ tưởng chỉ là hành động nghịch ngợm của đứa con bị bệnh.
Thế nhưng những ngày sau đó, Nhàn đào mỗi lúc một say mê; không chỉ vào ban ngày mà Nhàn còn đào luôn cả ban đêm.
Tấm đậy giếng mà Nhàn tự tay làm khi tạm nghỉ
Ngoài những lúc ngủ ra thì thời gian còn lại Nhàn dành cho việc đào giếng, bà Hồ Thị Quế, mẹ của Nhàn, kể. Thấy hố đào một lúc một sâu mà đứa con gái vẫn chưa dừng lại nên nhiều đêm vợ chồng bà Quế thay phiên nhau thức để trông chừng con.
Tính đến thời điểm này, dùng thước dây đo thử thì chiếc giếng đã sâu gần 10m và hiện Nhàn vẫn đang tiếp tục đào. Việc làm lạ đời của cô gái tâm thần này đã thu hút hàng trăm người hiếu kỳ từ khắp nơi đổ về để xem. Và tất cả đều không khỏi trầm trồ kinh ngạc trước giếng nước mà Nhàn đã đào.
Giếng nước mà Nhàn đã đào
Ông Kỳ cho hay: "Đến nay độ sâu của giếng đã gần 10m, thế nhưng ngày ngày vẫn thấy con gái ra đào nên gia đình rất lo. Tuy nhiên không ai dám lấp giếng do lo ngại với tính bất thường của con, Nhàn sẽ có những phản ứng tiêu cực, hại bản thân. Vì vậy mà mọi người trong nhà luân phiên nhau và nhờ cả hàng xóm ở gần trông chừng giúp mà thôi".