Kỳ lạ cậu bé câm điếc nghiện uống xăng

Vừa câm vừa điếc lại nghiện uống xăng, có khi bị đánh đập bầm dập chỉ vì thích uống xăng. Đó là cậu bé Hồ Văn Thạo, tỉnh Long An.

Kỳ lạ cậu bé uống xăng không sao!

Ông Trần Văn Vũ - Phó chủ tịch UBND xã Bình Phong Thạnh cho biết, việc Thạo uống xăng là có thật. Sau khi Thạo uống xong có say một chút rồi thôi.

Mọi người chưa ai thấy Thạo vào viện hay đau ốm gì sau khi uống xăng.

Rất nhiều người trong ấp 1 đã khẳng định thấy Thạo uống xăng trong chai thuốc rầy hoặc thuốc khai hoang hôi rình. Họ cũng xác nhận Thạo chỉ nghiện xăng còn những thứ khác như dầu nhớt hay dầu lửa thì Thạo không uống.

Bà Hồ Thị Sáu, 82 tuổi, bà nội của Thạo cho biết: Thạo là đứa con duy nhất của con bà là anh Sáu Bùa với người vợ trước. Khi Thạo vừa mới sinh, mẹ Thạo đã bỏ nhà đi biệt. Cha của Thạo lấy vợ mới, sống riêng.

Từ 8 tháng tuổi đến nay, Thạo sống với bà nội và mang họ của bà - Hồ Văn Thạo. Khiếm thính, nhà lại nghèo, Thạo không được học hành. Thạo sống với người thân đủ các thế hệ trong căn nhà lụp xụp, trong đó đa số bị bệnh, phần lớn là thiểu năng trí tuệ.

Bà Sáu kể về chuyện Thạo uống xăng: "Tối ngày nó đi ngoài ruộng lấy cắp xăng từ các máy bơm nước của người ta uống. Có hôm nó bị bắt được, bị đánh, bị ném xuống kênh. Người ta còn đến tận nhà chửi mắng. Tui sợ nó đi uống bậy, lại bị đánh đập nên xích trói nó chừng 4-5 ngày. Rồi nó cũng bứt dây trốn đi".

Theo BS Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM): Đây là một trường hợp hiếm có trong y văn Việt Nam cũng như trên thế giới. Về chuyên khoa tâm thần thì người ta xếp vào chương F98 - ICD10 (bảng phân loại bệnh quốc tế) về các rối loạn không đồng nhất ở một số mặt, trong đó đề cập đến vấn đề rối loạn ăn uống xảy ra ở trẻ em.

Em Thạo bị chậm phát triển tâm thần kèm theo chứng tự kỷ và rối loạn hành vi mang tính chất bệnh lý tâm thần rõ rệt như: Lấy các đồ vật như, điện thoại, đèn pin… rồi đem đập nát.

Mặt khác, Thạo còn bị câm điếc di truyền vì có cha cũng bị câm điếc, có một số người bên nội cũng bị thiểu năng trí tuệ.

Như chúng ta đều biết, ăn hoặc uống một chất mang tính chất độc hại, không có chất dinh dưỡng, nhất là xăng thì đương nhiên là nguy hại cho chính bản thân người sử dụng. Nguy cơ các cơ quan nội tạng trong cơ thể bị phá hủy là quá rõ vì trong xăng có chứa chì (Pb) tác hại trực tiếp đến gan, thận và hệ thần kinh trung ương…

Là thành viên cá biệt trong lớp!

Chúng tôi gặp Hồ Văn Thạo đang ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Long An. Thời gian qua, Thạo được nuôi dưỡng và tạo điều kiện hòa nhập với những người xung quanh bằng cách cho Thạo tham gia nhóm đan giỏ dây bẹ.

"Ngày đầu Thạo tới học việc trông rất ngoan và hiền, nhưng đến ngày hôm sau cả lớp loạn lên vì Thạo chọc phá, la ó gây mất trật tự và không ai làm việc được" - chị Yến, Phòng Hướng nghiệp dạy nghề của Trung tâm đang dạy các bệnh nhân đan giỏ cho biết.

"Ngày thường Thạo rất quậy phá, hay ăn cắp đồ của người khác, buổi tối thì hú, la ó gây mất trật tự. Ở đây ai cũng rất hiền và ngoan, chỉ riêng có Thạo là quậy nhất", chị Trần Thị Cẩm Nhung - người chăm sóc khu vực tâm thần nam nói về Hồ Văn Thạo.

Ông Huỳnh Ngọc Dũng - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Long An cho biết: "Hồ Văn Thạo có giấy xác nhận của bác sĩ là tâm thần nên được chúng tôi bố trí ở khu tâm thần nhẹ, lúc trước trung tâm có tạo điều kiện cho cháu đi học ở TP HCM nhưng cháu không chịu học nên được gửi về. Chuyện uống xăng thì từ ngày Thạo về đây, tôi không thấy biểu hiện nữa".

Chị Trần Thị Cẩm Nhung, một trong số những người chăm sóc trực tiếp cho Hồ Văn Thạo kể: "Lúc Thạo mới vào, thấy chiếc xe máy là lại ngửi, nhưng giờ không còn ngửi nữa. Tôi không biết lúc trước ở Mộc Hóa, Thạo có uống xăng hay không nhưng từ khi về đây Thạo không đòi uống xăng hay phá phách xe máy, mặc dù xe của cán bộ, nhân viên ở đây rất nhiều.

Tuy nhiên, Thạo rất thích chơi bật lửa nên có hôm em lấy của người khác 4, 5 cái, chúng tôi phải lấy lại trả cho họ".

Nói về hiện tượng uống xăng, y sĩ Bạch Văn Kiều - Phó phòng Y tế chăm sóc phục hồi sức khỏe Trung tâm Bảo trợ xã hội Long An cho biết: "Qua giám định y khoa của Bệnh viện Long An, chẩn đoán Hồ Văn Thạo chậm phát triển trí tuệ, tâm thần và câm điếc bẩm sinh.

Tôi nghe người ta đồn là Thạo uống xăng chứ thật ra tôi không được chứng kiến. Theo ngành y tế thì uống xăng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong do ngộ độc. Lúc chuyển đến đây, Thạo đã ở trạng thái bình thường, không có biểu hiện của người nghiện uống xăng".

Trung tâm Bảo trợ xã hội Long An muốn tạo điều kiện phát triển trí tuệ cho Hồ Văn Thạo, nên đã gửi Thạo đến học tại Trung tâm Bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật TP HCM (xin gọi tắt TTBT).

Nhưng qua hơn một tháng giáo dục, TTBT phải gửi trả Hồ Văn Thạo cho Trung tâm Bảo trợ xã hội Long An với lý do: "Học viên Hồ Văn Thạo không tiếp thu và không chấp hành nội quy nội trú như: thường xuyên la hét; quậy phá các lớp học, ổ điện; lục phá tủ riêng của bạn ở cùng phòng; thức, ngủ không đúng giờ quy định; không biết vệ sinh cá nhân; không tự đến lớp học mà phải chờ giám thị bắt đi học...".

Cán bộ TTBT cho biết, ngay từ ngày đầu nhập học lớp bổ túc văn hóa (19/4/2012), Hồ Văn Thạo lên lớp được một tiết sau đó giả bệnh để được nghỉ học. Các ngày tiếp theo, Thạo không vào lớp học mà đi lang thang trong trung tâm.

Hàng ngày, giám thị phải đi tìm để dắt Thạo lên lớp nhưng khi vừa tìm thấy, Thạo liền chạy lên khu nội trú và trốn vào nhà vệ sinh; hay nằm vạ trước phòng làm việc hoặc ngay trong sân... gây ảnh hưởng đến công tác quản lý học viên.

Bên cạnh học bổ túc văn hóa buổi chiều, Hồ Văn Thạo còn được trung tâm bố trí học dự thính lớp sửa xe gắn máy vào buổi sáng. Nhưng Thạo vẫn không tập trung học mà tiếp tục quậy phá.

Vì vậy, TTBT nhận thấy Hồ Văn Thạo không thể theo học các lớp bổ túc tại đây, nên trung tâm đã đề nghị Ban Giám đốc gửi Hồ Văn Thạo về lại Trung tâm Bảo trợ xã hội Long An.

Từ đây, cuộc sống của Thạo sẽ gắn với Trung tâm Bảo trợ xã hội Long An nếu không còn ai và không còn phương pháp để giúp em phát triển trí tuệ như một con người bình thường.

Mong muốn của những người cán bộ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Long An là sớm giúp cậu bé kỳ lạ này tái hòa nhập cộng đồng.